Đền bù là vấn đề chính để khu kinh tế đặc biệt MahaNathiSithandone tiến triển

0
119
Ảnh minh họa

Một khu kinh tế đặc biệt mới ở tỉnh Champassak (Lào) được gọi là “MahaNathiSithandone” sẽ không thể tiến hành nếu không hoàn thành việc bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng.

Chính phủ Lào gần đây đã ký một thỏa thuận nhượng quyền với nhà phát triển Trung Quốc (Công ty TNHH Đầu tư Lào MahaNathiSithandone (Hong Kong)) hợp tác với Công ty TNHH xây dựng cầu đường LTV để triển khai xây dựng. Tuy nhiên, các quan chức cho rằng: Điều quan trọng là phải đền bù cho người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án để tránh bất kỳ vấn đề nào có thể xảy ra với người dân địa phương trước khi các hoạt động xây dựng được triển khai.

Ngày 19/7/2017, Ông Khamphon Nuansengsy, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế đặc biệt tỉnh Champassak, cho biết: Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải đền bù cho người dân bị ảnh hưởng trước khi các hoạt động xây dựng được triển khai.

Dự án trị giá 9 tỷ USD này có diện tích 9.846 ha tại một khu vực gần thác Khonphapheng và một số đảo ở huyện Khong. Thời gian nhượng quyền cho dự án là 50 năm và có thể được gia hạn.

Tuy nhiên, các nhà phát triển đã đề nghị triển khai trước đối với phần diện tích 7.000 ha không có dân cư (gần thác Khonphapheng) để giảm thiểu tác động đến người dân địa phương.

Trong tổng số 7.000 ha, có 3.000 ha là đất thuộc sở hữu của người dân và cộng đồng. Hiện tại, chưa có thông tin về chi phí đền bù và số người dân sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án.

Ủy ban quốc gia nhằm triển khai việc đền bù cho người dân bị ảnh hưởng đang được thiết lập. Cơ quan này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức giá bồi thường hợp lý và đảm bảo rằng người dân bị ảnh hưởng có điều kiện sống tốt hơn hoặc tương đương với những gì họ đã có trước khi xây dựng dự án. Các quan chức cho biết mức bồi thường cho dự án này phải được thực hiện dựa trên giá trị thị trường.

“MahaNathiSithandone” là một trong những dự án lớn nhất của cả nước và được thiết lập bao gồm việc phát triển cơ sở hạ tầng, khách sạn, nhà khách, tổ chức tài chính ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, giáo dục, y tế, khu công viên, khu vui chơi, giải trí. Các hoạt động khác của dự án, bao gồm: Thủy sản, khuyến nông, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông nghiệp và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến du lịch.

Phát biểu trong lễ ký kết thỏa thuận nhượng quyền, Ông Souphanli Keomixay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Lào. Nếu được xây dựng theo kế hoạch, dự án sẽ thu hút khoảng 1,3 triệu khách du lịch và tạo ra 205 triệu USD/01 năm vào năm 2025 và dự kiến đến năm 2050 đạt 10 triệu khách du lịch tạo ra doanh thu hơn 2,4 tỷ USD/01 năm.

Dự án cũng dự kiến sẽ tạo ra 107 triệu USD mỗi năm từ các loại thuế khác nhau và tạo ra khoảng 100.000 việc làm cho người dân địa phương.

Thác Khonephapheng và bốn ngàn hòn đảo là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu ở Lào, thu hút hàng ngàn du khách đến khu vực phía Nam. Khu vực này cũng là nguồn tài nguyên cá dồi dào, không chỉ cung cấp cho thị trường miền Nam Lào mà còn là nguồn cung cấp cho toàn quốc và các quốc gia khác.

(Nguồn: ĐSQ VN tại Lào, theo báo Vientianetimes ngày 20/7/2018)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here