Làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Jose Fernandez trong khuôn khổ chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 tại San Francisco, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề cập nhiều nội dung để thúc đẩy đầu tư, thương mại 2 nước.
Đánh giá tổng thể quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt từ dấu ấn nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Bộ trưởng Công Thương đề nghị phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có ý kiến tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ đẩy nhanh tiến trình xem xét, rà soát và sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị phía Hoa Kỳ có đánh giá khách quan, công bằng, theo đúng các quy định của WTO trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.
“Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại với Hoa Kỳ để giải quyết; đồng thời sẵn sàng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, đáp ứng được lợi ích của cả hai nước”, Bộ trưởng Diên khẳng định.
Thứ trưởng Jose W. Fernandez bày tỏ sự đồng thuận cao với đề nghị của Bộ trưởng Công Thương, đề nghị sớm có cuộc điện đàm để thảo luận sâu hơn về các nội dung hiện doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm và mong muốn được tham gia hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, trong đó hợp tác về năng lượng và công nghiệp là ưu tiên hàng đầu.
Hai bên cùng rà soát lại việc thực hiện Bản ghi nhớ đối tác hợp tác năng lượng toàn diện do Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ký kết tại thủ đô Washington vào tháng 9/2019.
Bản ghi nhớ này được coi là dấu mốc quan trọng mở ra một trang hợp tác mới, sâu sắc hơn và toàn diện hơn trong lĩnh vực năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước khai thác cơ hội thị trường của hai nước thông qua khuôn khổ hợp tác song phương có sẵn.
Trao đổi về mối quan tâm của Hoa Kỳ liên quan đến việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và phát triển ngành công nghiệp mang tính chất nền tảng tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai Cơ quan cần sớm thành lập Nhóm công tác trong lĩnh vực này, tập trung trao đổi sâu vào ba nội dung: Tư vấn chính sách, hoàn thiện khung khổ pháp lý; Hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực và Tổ chức kết nối các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của hai nước.
Mong muốn doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm cùng với các doanh nghiệp Việt Nam góp tiếng nói mạnh mẽ để Việt Nam sớm được công nhận nền kinh tế thị trường cũng là thông điệp được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 6, hôm 31/10 tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường là cơ sở rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển hiệu quả, bình đẳng, lành mạnh và bền vững. Đặc biệt, với 10 trụ cột hợp tác, bao phủ nhiều lĩnh vực, dành ưu tiên để cụ thể hóa các cam kết trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và mở rộng chuỗi cung ứng, thương mại song phương 2 nước sẽ sớm đạt 200 tỷ USD.
Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn giữ vị trí là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, trong đó nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch hàng tỷ USD/năm.
Số liệu của Tổng cục Hải quan, hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 79,25 tỷ USD. Kết quả này dù giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ 2022 đạt 93,4 tỷ USD) nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị thế là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 27,2% kim ngạch cả nước.
Hết tháng 10 có 11 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm đạt 10 tỷ USD trở lên.
Dẫn đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 14,69 tỷ USD; tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,5 tỷ USD; dệt may đạt hơn 12 tỷ USD.
Với 40,19 tỷ USD, riêng 3 nhóm hàng lớn nhất chiếm gần 51% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.
Ngoài 3 nhóm hàng kim ngạch chục tỷ USD, hết tháng 10 có các nhóm hàng lớn khác như điện thoại và linh kiện; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ…
Chiều ngược lại, nhập khẩu từ thị trường Hòa Kỳ trong 10 tháng qua đạt 11,34 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ đạt 12,32 tỷ USD).
Năm ngoái, người Mỹ đã đặt các nhà cung cấp Việt Nam lượng hàng hóa gần 110 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, từ rau quả, tôm, cá tra, cá basa, cho tới sắt thép, xi măng, sản phẩm nhựa…
(Hải Yến/baodautu)