Thưa ông, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV đang thảo luận, đánh giá nhiệm kỳ 2016-2021. Ông suy nghĩ thế nào khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế chưa như kỳ vọng, việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu và cả việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đi vào cuộc sống?
Trước hết, phải nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ đã làm được rất nhiều việc. Ở góc độ kinh tế, từ góc nhìn doanh nghiệp, tôi muốn nhắc đến 3 thành quả lớn nhất.
Một là, ổn định kinh tế vĩ mô, được thể hiện ở việc kiềm chế lạm phát, nợ công ở mức thấp, xuất khẩu kỷ lục, dự trữ ngoại tệ tăng lên… Nước ta đã có “của ăn của để”, có dư địa cho các chính sách tài khóa, tín dụng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, là nguồn lực để nền kinh tế ứng phó với dịch bệnh, duy trì tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn.
Hai là, cải cách thể chế kinh tế, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy chính phủ điện tử. Tôi đã nói nhiều về 3 đợt sóng cải cách hành chính lớn trong nhiệm kỳ Chính phủ này, đó là xóa bỏ hàng ngàn “giấy phép con” năm 2016; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành năm 2018 và năm 2020 với mục tiêu tiếp tục cắt giảm và đơn giản hoá 20% quy định hành chính về kinh doanh và chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp…
Ba là, hội nhập đỉnh cao, với các hiệp định thương mại thế hệ mới được ký kết, có hiệu lực. Các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA không chỉ mở không gian thị trường, mà còn là không gian cải cách cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo tôi, những thành tựu này đang tạo nên năng lực ứng phó với các biến động, bất ổn và tạo đà cho tăng trưởng giai đoạn tới.
Có lẽ cũng phải nhắc đến việc Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) thông báo điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực, tăng 2 bậc so với lần đánh giá trước, thưa ông?
Rõ ràng, Chính phủ đã đúng hướng khi kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Song, cũng phải thẳng thắn, nguồn lực tích lũy mấy năm qua cũng đang cạn dần sau giai đoạn kinh tế khó khăn do Covid-19. Đặc biệt, ngân sách đang đứng trước thách thức lớn khi doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng, nhất là khi thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thường là không đạt kế hoạch. Như vậy, nguồn lực dành cho chi tiêu công, đầu tư công, chi cho hỗ trợ doanh nghiệp… tới đây có thể sẽ khó khăn.
Ở đây, có nguyên nhân từ cơ cấu kinh tế chưa thực sự được cải thiện, chất lượng doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là vấn đề cần phải bàn… như báo cáo công tác nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ đọc trước Quốc hội trong phiên khai mạc. Thủ tướng cũng đã nhắc đến các hạn chế về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, về bộ máy hành chính chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả…
Tôi còn muốn nhắc đến số lượng doanh nghiệp vẫn chưa đạt mục tiêu 1 triệu theo như Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh cũng chưa đạt mục tiêu trong 4 nền kinh tế có điểm số cao nhất khu vực ASEAN…
Đánh giá để thấy rõ việc làm được, còn cần phải làm tiếp theo để thực hiện các mục tiêu cao mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã xác định cho giai đoạn 2021-2025, nhưng cũng là để nhìn thấy rõ áp lực công việc của nhiệm kỳ tới, khi năm 2021 – năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Riêng về số lượng doanh nghiệp, ông vẫn nói rằng, Việt Nam không thể chỉ có gần 800.000 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, mà còn gần 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký, nếu tính cả các hộ kinh doanh không đăng ký thì lên tới hơn 5,4 triệu…
Rất tiếc là Quốc hội khóa XIV vẫn chưa luật hóa hoạt động của hộ kinh doanh, để tạo không gian cho khu vực này hoạt động một cách bài bàn, minh bạch. Một nguồn lực lớn của nền kinh tế, khoảng 30% GDP đang nằm ở khu vực này, cần được kích hoạt, được tham gia vào phát triển kinh tế một cách minh bạch, thuận lợi.
Chúng ta đang nói đến nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, không thể không nói đến cải thiện chất lượng khu vực hộ kinh doanh. Theo quan niệm phổ biến của thế giới thì đó cũng chính là doanh nghiệp – doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (MSBs) trong nền kinh tế, khu vực đang được kỳ vọng sẽ tạo nên sự năng động, động lực tăng trưởng trong nền kinh tế số, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trong xu hướng phát triển kinh tế bao trùm.
Hơn thế, mục tiêu của yêu cầu này không chỉ là tạo khung khổ pháp lý cho hàng triệu hộ kinh doanh hoạt động, có cơ hội phát triển công bằng với các hình thức kinh doanh khác, mà quan trọng là xác định định hướng chính sách liên quan đến doanh nghiệp. Khi nói nền kinh tế Việt Nam không chỉ có 800.000 doanh nghiệp, 14.000 hợp tác xã, mà còn có các hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, chính sách giai đoạn tới sẽ không còn là thúc đẩy số lượng doanh nghiệp, tăng chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp trên một triệu người dân, mà quan trọng là tập trung tăng chất lượng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, từ đó thực hiện được mục tiêu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chất lượng nguồn thu ngân sách cũng sẽ được cải thiện…
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, năm 2020, với quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD, Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN…
Chúng ta phải tiếp tục đặt mục tiêu xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh cũng phải ở thứ hạng tương tự, thứ 3 – 4 trong ASEAN.
Mục tiêu trên đã được đặt ra trong nhiệm kỳ này, nhưng vẫn chưa đạt được, cho dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, sâu sát. Tôi muốn nhắc tới sự đồng bộ trong thực thi, sự nhất quán trong bộ máy hành chính; tới chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.
Nhìn vào thực tiễn thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, cũng thấy rõ nếu như các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận về tài khóa tín dụng có dư địa không nhiều vì những giới hạn ngân sách, thì những giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhìn chung dễ thực hiện hơn, vốn đã được thúc đẩy trong những năm gần đây, đóng vai trò quan trọng.
Vì việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi chính là nền tảng căn bản nhất cho sự phục hồi, phát triển và nâng chất lượng doanh nghiệp trong dài hạn.
Cụ thể, ông gửi gắm điều gì với Chính phủ?
Tôi đề nghị Chính phủ sẽ có nghị quyết về phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh quốc gia giai đoạn 2021-2025. Định hướng hỗ trợ thúc đẩy chất lượng doanh nghiệp, tạo nên sự thay đổi về chất cho khu vực kinh tế tư nhân, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Duy trì đối thoại Chính phủ và doanh nghiệp, với mục tiêu Việt Nam sẽ là một trong 4 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh thuận lợi nhất ASEAN.
(Khánh An/baodautu.vn)