Theo nhiều đánh giá quốc tế, Việt Nam có nguồn gió thuận lợi nhất ở Đông Nam Á và có nhiều lợi thế trong phát triển ngành ĐGNK. Tài nguyên gió với tốc độ cao hàng đầu thế giới (9 – 11 m/s ở khu vực Nam Trung Bộ và 7 – 9m/s ở khu vực Bắc Bộ). Đường bờ biển dài hơn 3.000 km, độ sâu nước thích hợp làm móng cố định cho điện gió ngoài khơi. Khoảng cách gần với lưới điện truyền tải trên bờ, tạo thuận lợi cho việc phát triển ĐGNK. Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí địa lý quan trọng, nằm trên các tuyến hàng hải, thương mại thuận lợi, có điều kiện trở thành trung tâm hậu cần, sản xuất các bộ phận, thiết bị phục vụ ngành ĐGNK.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới[1], Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có nguồn năng lượng gió ngoài khơi quy mô lớn. Theo đó, tiềm năng ĐGNK tại Việt Nam đạt khoảng gần 600 GW, gồm 261 GW điện gió ngoài khơi móng cố định, 338 GW của các dự án điện gió ngoài khơi móng nổi. Việt Nam có tiềm năng đạt được công suất gió ngoài khơi từ 11GW đến 25GW cho đến năm 2035, có thể tạo ra tới 700.000 việc làm mỗi năm và giảm thiểu được 217 triệu tấn khí thải CO2. Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định rằng Việt Nam có vị thế thuận lợi để phát triển ĐGNK. Theo IEA, sự phát triển nhanh chóng của ĐGNK sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào năng lượng than. Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) nêu bật vai trò của ĐGNK trong chiến lược năng lượng tái tạo của Việt Nam. Báo cáo của IRENA cho biết, Việt Nam có khả năng trở thành một trong những thị trường điện gió ngoài khơi hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. IRENA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào công nghệ và hạ tầng nhằm khai thác tối đa tiềm năng này. Tập đoàn Tư vấn Wood Mackenzie dự báo đến năm 2030, Việt Nam có thể trở thành một trong những thị trường ĐGNK lớn nhất châu Á nếu có chính sách hỗ trợ và đầu tư hợp lý.
Để phát triển ĐGNK đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn, Việt Nam cần xác định rõ lợi thế, ưu tiên phát triển nhằm xác lập vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đánh giá của GWEC và Innovation Norway, Việt Nam có lợi thế trong các khâu chế tạo, cung cấp nền móng ĐGNK[2], dịch vụ cảng[3], cung cấp trạm biến áp ngoài khơi, sản xuất cánh quạt gió, cung cấp dịch vụ vận hành – bảo trì – dịch vụ phụ trợ[4].
Tuy nhiên, việc một số doanh nghiệp ĐGNK (như Tập đoàn năng lượng Equinor của Na-Uy) rút khỏi Việt Nam cũng phần nào cho thấy các khó khăn của doanh nghiệp nước ngoài khi tiếp cận thị trường ĐGNK của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Một số bài học rút ra cho Việt Nam
ĐGNK đã có lịch sử phát triển trên thế giới, là ngành có tính đặc thù, sử dụng công nghệ cao, tỷ suất đầu tư lớn và thời gian hoàn thành đầu tư dự án dài. Xu thế chung hiện nay vẫn cho thấy ĐGNK là ngành năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi năng lượng của thế giới, mặc dù việc chi phí gia tăng gần đây đang khiến một số dự án đầu tư ĐGNK gặp khó khăn. Việt Nam được quốc tế đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển ĐGNK nhờ nguồn tài nguyên gió dồi dào, đồng thời có lợi thế để tham gia nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là ta hoàn toàn chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển ĐGNK. Một số khó khăn, thách thức chủ yếu đặt ra là: (i) Thiếu khung pháp lý cụ thể cho ĐGNK[5]; (ii) Công nghệ, hiểu biết và nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này còn rất mỏng; (iii) Do mới ở giai đoạn thí điểm, chưa có định hướng, chính sách rõ ràng để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường và phát triển các dự án đầu tư cụ thể; (iv) Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về tốc độ, tiềm năng gió, địa hình, hiện trạng đáy biển…
Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển ngành ĐGNK cho thấy một số bài học đáng chú ý đối với Việt Nam:
(i) Khuôn khổ pháp lý, thể chế chính sách rõ ràng trong phát triển ĐGNK là hết sức cần thiết để bảo đảm việc thu hút thành công các nhà đầu tư nước ngoài do vốn đầu tư lớn và thời gian hoàn thành dự án dài.
(ii) Tính đặc thù của ĐGNK thể hiện ngay ở khâu khảo sát dự án. Với một dự án ĐGNK công suất 1000 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó chi phí khảo sát dự án thường chiếm khoảng 4-5%, tương đương khoảng 120 triệu USD. Việc bảo đảm được tính kết nối giữa giai đoạn khảo sát và giai đoạn triển khai dự án là rất quan trọng đối với các nhà đầu tư.
(iii) Vai trò hỗ trợ của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, hỗ trợ tài chính trong giai đoạn đầu phát triển ngành ĐGNK là chính sách chung được nhiều nước triển khai.
(iv) Phát triển ĐGNK cần có cách tiếp cận tổng thể, toàn diện, đặt trong chiến lược chung về năng lượng tái tạo và có lộ trình triển khai cụ thể theo từng giai đoạn.
(v) Từ góc độ doanh nghiệp, sự phát triển của ĐGNK cho thấy nhiều doanh nghiệp dầu khí đã mở rộng hoặc chuyển đổi thành công sang lĩnh vực mới. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu về ĐGNK hiện nay có xuất phát điểm là các doanh nghiệp dầu khí.
(THKT)
[1] Theo báo cáo “Lộ trình gió ngoài khơi tại Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (2021).
[2] Đây là lĩnh vực tiềm năng nhất ở Việt Nam nhờ có chuyên môn sâu rộng trong ngành đóng tàu và dầu khí.
[3] Việt Nam có tiềm năng phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển để trở thành trung tâm lắp ráp cho các dự án ĐGNK quy mô lớn.
[4] Ngành công nghiệp điện gió trên đất liền và dầu khí ngoài khơi phát triển của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc
nội địa hóa các kinh nghiệm vận hành và bảo trì (O&M) cũng như hậu cần trong lĩnh vực ĐGNK đang phát triển.
[5] Điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi đang được điều chỉnh bởi khung pháp lý và quy định chung.