Đánh giá các biện pháp quản lý nhập khẩu phế liệu nhựa của Việt Nam trong tuân thủ các quy tắc của WTO, EVFTA và một số khuyến nghị

0
219
  1. Nguy cơ trong quản lý nhập khẩu phế liệu nhựa tại Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về lượng rác thải nhựa với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm [1]. Tuy nhiên, nước ta không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành Công nghiệp nhựa mà phụ thuộc phần lớn vào thị trường nhập khẩu. Trong khi đó, sự khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu và lệnh cấm nhập khẩu phế liệu nhựa tại Trung Quốc năm 2017, đã khiến các quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Singapore,… có nguy cơ trở thành các “bãi chứa phế liệu” độc hại của thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam cần thiết phải xây dựng các biện pháp, chính sách quản lý để ngăn chặn những nguồn hàng hóa kém chất lượng, không thân thiện với môi trường để bảo vệ sức khỏe, cuộc sống con người trước những hóa chất nguy hại từ phế liệu nhựa.

Mặc dù việc tạo ra các rào cản nhằm kiểm soát chất lượng phế liệu nhập khẩu là hợp lý, song các biện pháp quản lý nhập khẩu của Việt Nam vẫn đứng trước nhiều nguy cơ vi phạm các cam kết quốc tế. Cần nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất mà các hiệp định hướng đến chính là thúc đẩy các thành viên mở cửa thị trường, xóa bỏ hoặc giảm thiểu thuế quan, xóa bỏ các rào cản phi thuế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới WTO và tham gia ký kết rất nhiều các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Theo đó, các đối tác thương mại quan trọng của ngành Nhựa Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) [2],… đều được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp, có xu hướng giảm về 0% trong tương lai. Như vậy, biện pháp thuế quan dường như không thể phát huy vốn có của nó. Ngoài ra, các biện pháp phi thuế quan nhằm quản lý nhập khẩu được ban hành còn bị ràng buộc bởi các quy định của môi trường quốc tế, phải đảm bảo được tính “hợp lý”, “cần thiết” mà việc chứng minh những khái niệm này vô cùng khó khăn.

Quản lý nhập khẩu phế liệu nhựa là một biện pháp thiết yếu để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu nhựa phục vụ sự phát triển công nghiệp, vừa là công cụ để bảo vệ môi trường và mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, cần nhìn nhận sự tiến thoái lưỡng nan của chính phủ trước những nguy cơ của các biện pháp này trong sự ràng buộc của các cam kết quốc tế nhưng lại phải chống lại sự bùng nổ của phế liệu nhựa trên toàn thế giới.

  1. Đánh giá quy định pháp luật Việt Nam về quản lý nhập khẩu phế liệu nhựa trong sự tương quan với cam kết của WTO và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

Biện pháp thuế quan

Theo Biểu thuế nhập khẩu tại Nghị định số 53/2021/NĐ-CP ngày 21/5/2021 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len giai đoạn 2021 – 2022 (Nghị định số 55/2021), thuế nhập khẩu ưu đãi Việt Nam dành cho tất cả các thành viên WTO đối với phế liệu nhựa (HS 3910) là 10%. Chúng ta cần lưu ý, trong quá trình đàm phán gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới WTO, Việt Nam hoàn toàn nhượng bộ và không có bất kỳ quyền hạn chế nhập khẩu mảnh vỡ nào (trong đó có mảnh vỡ phế liệu nhựa)[3]. Việc tái đàm phán để thay đổi Biểu nhân nhượng thuế tại WTO là rất khó khăn.

Dưới góc độ Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các yêu cầu về tự do hóa thương mại còn được đòi hỏi cao hơn so với WTO. Trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), mức thuế nhập khẩu phế liệu, phế thải và mẩu vụn của plastic Việt Nam dành cho các nước thành viên EU là 5% vào năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung là 10% của WTO. Ngoài ra, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ dần đều thuế quan đối với phế liệu mã HS 3915.90.00 trong 6 năm và các phế liệu nhựa còn lại trong 4 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực và hàng hóa sau đó không bị áp thuế quan nữa[4]. Điều 2.7.4 Hiệp định EVFTA ràng buộc “không Bên nào được tăng bất kỳ mức thuế quan đang áp dụng nào nêu tại Biểu cam kết của Bên đó”Như vậy, với thị trường nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam nhiều nhất là Hoa Kỳ, EU, mức thuế nhập khẩu chỉ có thể ngày càng giảm chứ không thể tăng.

Các biện pháp kinh tế nhằm quản lý nhập khẩu phế liệu được nhắc đến nhiều nhất chính là các khoản thuế đánh vào sản phẩm độc hại, nguy hại cho sức khỏe; phí đối với sản phẩm phế thải… Thông tin của Bộ Tài chính cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nylon, bao bì và sản phẩm từ phế liệu nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics)[5]. Điều này là một việc làm không khả thi và rất có thể sẽ vi phạm các cam kết mà Việt Nam đã ký.

Điều XI GATT quy định: “Không một sự cấm hay hạn chế nào khác ngoại trừ thuế quan và các khoản thu khác, dù mang hình thức hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu hay xuất khẩu hoặc các biện pháp khác sẽ được bất cứ một bên ký kết nào định ra hay duy trì nhằm vào việc nhập khẩu từ lãnh thổ của bất kỳ bên ký kết nào hay nhằm vào việc xuất khẩu hay bán hàng để xuất khẩu đến lãnh thổ của bất kỳ bên ký kết nào”. Như vậy, việc bổ sung đánh thêm một loại thuế khác thuế quan đối với phế liệu nhựa ngoài cam kết rất có khả năng vi phạm điều khoản này của WTO. Ngoài ra, cần chú ý rằng việc đánh thuế này không thể chỉ áp dụng cho phế liệu nhập mà còn phải làm tương đồng đối với phế liệu trong nước để đảm bảo nguyên tắc đối xử quốc gia NT. Quan điểm của tác giả cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp tái chế vốn còn non trẻ của Việt Nam.

Rõ ràng, trong bối cảnh của sự bùng nổ nhanh chóng rác thải nhựa và những tác hại của chúng, biện pháp thuế quan hầu như không có tác dụng trong việc ngăn chặn các loại phế liệu độc hại tràn vào Việt Nam. Vì thế, công cụ quản lý đa số là các chính sách phi thuế cũng bị ràng buộc, hạn chế.

Biện pháp phi thuế quan

Để hỗ trợ cho thuế quan, Việt Nam áp dụng các biện pháp phi thuế quan nhằm kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu nhựa, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Bao gồm: hạn chế số lượng nhập khẩu (cấm nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu), thủ tục kiểm tra của hải quan đối với phế liệu nhựa nhập khẩu và các biện pháp chế tài khi xảy ra vi phạm. Nhìn chung, quy định của pháp luật Việt Nam tương thích với các nguyên tắc trong thương mại quốc tế. Song, việc thực hiện nghĩa vụ cam kết, đơn giản hóa các thủ tục hải quan dẫn đến một số khó khăn cho Việt Nam trên thực tế quản lý phế liệu nhựa.

Một là, các biện pháp hạn chế số lượng.

Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất (Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg) đã cấm nhập khẩu 2 mã HS thuộc nhóm phế liệu nhựa bao gồm: phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ polyme styren (PS): Dạng xốp, không cứng (mã HS 3915.20.10); phế liệu và mảnh vụn của plastic (nhựa) từ Polyme Vinyl Clorua (PVC): Dạng xốp, không cứng. Ngoài ra, Việt Nam còn cấm nhập khẩu các loại phế liệu và tạp chất không được phép nhập khẩu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (QCVN 32:2018/BTNMT). Việt Nam chỉ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu vừa đúng công suất sản xuất thông qua giấy phép nhập khẩu và không được trao đổi mua bán qua lại.

Việc áp dụng các biện pháp này của Việt Nam gây ra ảnh hưởng đến lợi ích mua bán phế liệu nhựa của các thành viên WTO. Điều XI GATT quy định: “Không một sự cấm hay hạn chế nào khác ngoại trừ thuế quan và các khoản thu khác, dù mang hình thức hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu hay xuất khẩu hoặc các biện pháp khác sẽ được bất cứ một bên ký kết nào định ra hay duy trì nhằm vào việc nhập khẩu từ lãnh thổ của bất kỳ bên ký kết nào hay nhằm vào việc xuất khẩu hay bán hàng để xuất khẩu đến lãnh thổ của bất kỳ bên ký kết nào”. Điều 2.14.1 EVFTA cũng khẳng định rằng các bên không được áp dụng hay duy trì bất kỳ hình thức cấm hoặc hạn chế nhập khẩu bất kỳ hàng hóa nào của Bên kia. Như vậy, biện pháp cấm và hạn chế số lượng nhập khẩu trên của Việt Nam có thể vi phạm nghĩa vụ mở cửa thị trường tự do hàng hóa theo cả WTO lẫn Hiệp định EVFTA.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể áp dụng ngoại lệ chung điều XX.b GATT, Hiệp định TBT và Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu diệt chung để biện minh cho chính sách của mình. Tại lời mở đầu Công ước Basel thừa nhận hoàn toàn rằng mọi quốc gia có quyền cấm việc đưa vào hoặc tiêu hủy các phế thải độc hại và các loại phế thải khác của nước ngoài trên lãnh thổ nước mình. Với các báo cáo nghiên cứu khoa học quốc tế, nhập khẩu phế liệu nhựa bừa bãi gây ra nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng con người và phá hoại nghiêm trọng môi trường là điều không thể phủ nhận, nhất là đối với cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải của Việt Nam còn chậm so với thế giới. Dựa trên cơ sở đó, Việt Nam có thể viện dẫn XX.b GATT việc cấm và hạn chế số lượng nhập khẩu phế liệu nhựa là “cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật hay thực vật”.

Điều đáng lưu ý ở đây chính là điều kiện để các quốc gia thành viên áp dụng ngoại lệ không thực hiện nghĩa vụ cam kết của mình hầu như không phải dễ dàng. Điều XX GATT quy định một cách minh thị rằng đối với mọi bảo lưu mà quốc gia áp dụng không được trở thành công cụ độc đoán hay phí lý hay tạo ra sự hạn chế trá hình với thương mại quốc tế. Và khi muốn áp dụng điều XX, người ta phải chứng minh được biện pháp quốc gia sử dụng là cần thiết, hợp lý và không tạo ra rào cản. Trên thực tế, WTO không có một định nghĩa nào giải thích về “sự cần thiết”, “công cụ độc đoán hay phi lý” và “sự hạn chế trá hình” đối với thương mại quốc tế.

Hai là, thủ tục hải quan trong việc kiểm tra phế liệu nhập khẩu.

Việc thực thi cam kết về thủ tục hải quan theo hướng giảm thiểu tối đa các rào cản, ảnh hưởng đến việc giao thương của hàng hóa dẫn đến một số các khó khăn cho Việt Nam trong quản lý nhập khẩu phế liệu nhựa.

Thứ nhất, cơ quan hải quan khó đảm bảo việc phòng ngừa, ngăn chặn phế liệu nhựa kém chất lượng ngay từ đầu vào, chất thải nhựa được tuồn vào Việt Nam. So với Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2005, quy định doanh nghiệp nhập khẩu phải thông báo trước chậm nhất 5 ngày trước khi tiến hành bốc dỡ phế liệu trong Luật BVMT 2014 và Luật BVMT 2020 đã bị bãi bỏ. Thậm chí trong Công văn 2188/TCHQ-GSQL cũng không quy định về việc thông báo bảo đảm thông tin để cơ quan quản lý dễ dàng ngăn chặn, phòng ngừa. Việc tiến hành kiểm tra cũng là khi phế liệu đã được vận chuyển vào lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp rất dễ khai gian dối trong bản khai hải quan nhằm đủ điều kiện để dỡ phế liệu xuống cảng. Việc lấy mẫu kiểm tra chỉ được thực hiện trong trường hợp có nghi vấn lô hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình hàng lưu giữ tại cửa khẩu chờ làm thủ tục.

Thứ hai, buôn bán chất thải bất hợp pháp thường được thành lập bởi những tổ chức phạm tội, công ty ma có quy mô nhỏ, hoạt động trong thời gian ngắn lấy lợi nhuận và sau đó nhanh chóng giải thể để thành lập các nhóm mới. Các thủ đoạn của doanh nghiệp ngày càng tinh vi, khó kiểm soát trách nhiệm của doanh nghiệp và chủ các hãng tàu. Lý giải cho điều này là vì lợi nhuận từ việc buôn bán chất thải rất lớn so với nguy cơ bị phạt tiền hay phạt tù là rất thấp. Một phương pháp chính thường được sử dụng để vi phạm hệ thống hải quan là trộn lẫn chất thải bất hợp pháp và hợp pháp để có sự phân loại sai đối với mã HS. Song, việc phân định phế liệu và chất thải là rất mỏng manh. Ngoài ra, các phế liệu nhựa có thể gây ra thiệt hại cho môi trường nếu bị trộn lẫn các tạp chất khác. Trong khi đó, việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện bằng mắt thường và chỉ khi nghi ngờ có dấu hiệu sai phạm hay khiếu nại cơ quan hải quan mới tiến hành lấy mẫu để phân tích.

Ba là, việc xử lý phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu bằng tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam quy định, “Đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”[6]. Điều 9 Công ước Basel khẳng định, “trường hợp việc vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm hoặc các phế thải khác một cách bất hợp pháp thì nước xuất khẩu không được chống lại việc đưa trở về nước xuất khẩu các phế thải này, không ngăn cản hoặc không gây khó khăn”.

Mặc dù theo dựa trên các cam kết quốc tế Việt Nam có thể hoàn toàn xuất trả những phế liệu nhựa không đạt chuẩn về các quốc gia sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế đây là bài toán rất khó khăn. Trường hợp không thể trả về nước xuất khẩu, việc tái xuất phế liệu nhựa không đủ điều kiện nhập khẩu sang nước thứ ba không là một lựa chọn khả thi. Bởi lẽ, việc này vi phạm quy định Công ước Basel về việc cấm vận chuyển chất thải sang nước khác mà Việt Nam là thành viên và nguy cơ có thể bị trả về là rất cao.

Như vậy, từ những đánh giá trên, các quy định pháp luật Việt Nam tương thích với cam kết của WTO và Hiệp định Thương mại tự do EVFTA. Tuy nhiên, việc tuân thủ nghĩa vụ thúc đẩy mở cửa thị trường, giảm thiểu rào cản thương mại tạo ra một số bất cập khó khăn, nhất là trong việc quản lý, ngăn chặn khả năng Việt Nam trở thành “bãi chứa phế liệu” mới của thế giới cũng như giảm thiểu các tác hại của phế liệu nhựa tới môi trường.

  1. Một số gợi ý cho pháp luật Việt Nam về quản lý nhập khẩu phế liệu nhựa

Học tập kinh nghiệm về quản lý nhập khẩu phế liệu nhựa tại một số quốc gia

Để chính sách quản lý nhập khẩu phế liệu nhựa ngày càng trở nên chặt chẽ và hài hòa với pháp luật thế giới, kinh nghiệm từ cách kiểm soát phế liệu từ các quốc gia là nguồn tham khảo hữu ích. Thực chất, Việt Nam có thể xem xét, chắt lọc những nội dung phù hợp để hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia.

Cũng như Việt Nam, Malaysia cho phép nhập khẩu rác thải nhựa vào khoảng 70% tổng công suất của các cơ sở sản xuất nếu điều đó đóng góp cho công nghiệp tái chế của địa phương. Trong Đạo luật Quản lý chất thải rắn và làm sạch Công cộng 2007 (Đạo luật 672), Bộ Quản lý chất thải rắn quốc gia kiểm soát nhập khẩu rác thải nhựa thông qua cấp giấy phép nhập khẩu. Có 18 tiêu chí cho giấy phép nhập khẩu (AP). AP không bắt buộc để nhập khẩu. Mặc dù không có tiêu chí cụ thể cho điều kiện chất thải nhựa được phép nhập khẩu, nhưng Malaysia có hướng dẫn phân biệt chất thải nhựa sạch và đồng nhất. Việt Nam có thể xem xét các quy định này để bổ sung cho việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của quốc gia, nhằm hạn chế việc trộn lẫn chất thải khác hoặc tạp chất vào phế liệu nhựa nhập khẩu.

Trong chính sách cấm và hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa, hiện tại Việt Nam chỉ cho phép nhập khẩu 5 loại phế liệu nhựa là nguyên liệu cho hoạt động sản xuất. Với những ngần ngại vi phạm cam kết của WTO và các hiệp định thương mại, Việt Nam hoàn toàn có thể viện dẫn lý do tương tự Trung Quốc. Theo đó, khi ban hành lệnh cấm nhập khẩu 24 loại rác thải bị cấm nhập khẩu, trong đó chủ yếu là các loại nhựa và giấy phế liệu vào năm 2017, Chính phủ Trung Quốc viện dẫn việc bảo vệ sức khỏe con người và môi trường và khẳng định đây là nỗ lực nhằm tuân thủ Công ước Basel về kiểm soát hoạt động mua bán rác thải nguy hại xuyên biên giới cũng như các chính sách của Trung Quốc. Mặc dù đưa ra lệnh cấm, Trung Quốc vẫn cho phép nhập khẩu các loại phế liệu nhựa đã qua xử lý để đảm bảo không ảnh hưởng môi trường.

Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, 80% nguyên liệu đầu vào cho ngành Công nghiệp nhựa và tái chế của Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu từ nước ngoài. Một thực tế đầy mâu thuẫn khi nước ta lại đứng trong top 4 các quốc gia thải ra nhiều rác thải nhựa nhất trên thế giới. Để giảm thiểu rác thải và tăng cường được sự chủ động nguồn nguyên liệu, giải pháp được đề xuất là Việt Nam nên xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Khác với nền kinh tế truyền thống chỉ tập trung vào việc sản xuất – sử dụng – thải bỏ thì nền kinh tế tuần hoàn tận dụng tái chế tạo ra nguyên liệu mới từ vật liệu bị vứt bỏ. Từ đó làm tăng vòng đời của sản phẩm và giảm nguyên liệu thô đầu vào. Đối với đặc tính bền và khó phân hủy, nhựa phế liệu được tận dụng sau khi sử dụng có thể giải quyết được tình trạng quá tải rác thải tại Việt Nam mà vẫn tiết kiệm năng lượng, duy trì nguồn nguyên liệu chủ động cho sản xuất.

Hiện nay, xu hướng phát triển chuyển dịch từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Tại Trung Quốc, để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, chính phủ đã thực hiện các kế hoạch 5 năm. Đồng thời tiến hành từng lộ trình từ vòng tuần hoàn nhỏ quy mô nhà máy và khu công nghiệp, sang vòng tuần hoàn vừa và hướng đến thực hiện trên toàn bộ nền kinh tế mang tính bắt buộc. Nội dung của nền kinh tế tuần hoàn của Trung Quốc bao gồm: giảm sử dụng, tái sử dụng và tái chế. Để thực hiện các nội dung này, Trung Quốc điều chỉnh chính sách nhập khẩu của mình theo đó, điểm nhấn là chính sách hàng rào xanh, chính sách cấm nhập khẩu rác thải và thí điểm thành phố không rác thải.

Tại Việt Nam, chúng ta cũng thực hiện các chính sách về hàng rào xanh dưới dạng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong nhập khẩu phế liệu nhựa cũng như ban hành danh mục phế liệu được phép nhập khẩu. Mặc dù vậy, các chính sách môi trường tác động đến thương mại này nên được khuyến cáo sử dụng một cách hợp lý, trách vi phạm nghĩa vụ trong các cam kết quốc tế. Đối với thí điểm thành phố không rác thải, dựa trên tiềm lực cũng như tình hình thực tế hiện nay, Việt Nam khó thực hiện được kế hoạch này. Song Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm Trung Quốc trong việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái quốc gia về xử lý và tái sản xuất phế thải một cách nghiêm túc và có đầu tư hơn.

Đầu tư công đoạn thu gom, phân loại cho tái chế – Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu

Tái chế nhựa là khâu quan trọng nhất để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn mặc dù vẫn còn nhiều thách thức về công nghệ và chi phí. Trước đây, nhựa tái chế gần như hoàn toàn được thực hiện bởi một tuyến đường cơ học chỉ phù hợp với chất thải đồng nhất và không gây ô nhiễm, mà hầu hết các chất thải nhựa không có.

Hiện nay, người ta đang hướng đến một phương pháp tái chế mới thông qua các chất xúc tác hóa học, nhiệt và áp suất, chuyển đổi chất thải nhựa thành các nguyên liệu tái chế có khối lượng, chất lượng cao hơn một cách bền vững, khả thi. Mặc dù vậy, chi phí vận hành để tái chế nhựa thường cao, tập trung ở khâu thu gom và phân vì nguồn cung cấp chất thải nhựa có thể tái chế hạn chế. Thu gom và phân loại là một quá trình tốn thời gian và tốn nhiều công sức, chiếm khoảng 40% chi phí tái chế. Tại Việt Nam, việc thu gom phân loại cho tái chế còn thô sơ, chủ yếu ở các cơ sở “đồng nát” nhỏ lẻ, chưa được đầu tư đúng mức. Hiện nay, để thúc đẩy hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng phế liệu trong nước, Việt Nam ban hành quy định từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu tối đa bằng 80% công suất thiết kế; số phế liệu còn lại phải được thu mua trong nước để làm nguyên liệu sản xuất.

Ngoài ra, để phát triển việc thu gom, phân loại chất thải nhựa phục vụ cho tái chế, tại các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, một số thành viên của EU đã áp dụng chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được hiểu là nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với chính sản phẩm thải bỏ của mình. Thông qua một loại phí tương ứng với sản phẩm được sản xuất, phí này đóng góp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí thu gom, phân loại, vận chuyển, tái chế rác thải và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Như vậy, EPR xuất phát từ “nguyên tắc gây ô nhiễm phải trả tiền”. Điều này cho thấy, việc thu gom, xử lý chất thải nhựa không phải chỉ là trách nhiệm của nhà nước, mà còn của cả doanh nghiệp./.

ThS. Lê Thị Minh Trang (Đại học Tài chính – Marketing)

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Văn Ngân, (2023). Mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa. Truy cập tại https://vov.vn/xa-hoi/moi-nam-viet-nam-thai-khoang-18-trieu-tan-rac-nhua-post1021301.vov.

[2] Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

[3] Trần Thị Thùy Dương (2018).  La protection de l’environnement dans le cadre du partenariat commercial entre l’Union européenne et le Vietnam – Impacts sur la garantie de (certains) droits de l’homme au Vietnam”, colloque international Le développement durable et les droits humains dans les accords de partenariat de l’Union européenne avec les pays d’Asie-Pacifique, Université de Rennes II, p.5.

[4] Phụ lục 2A, 2A2 Hiệp định EVFTA.

[5] Tuệ Văn, (2020). Tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý, giảm thiểu chất thải nhựa. Truy cập tại http://baochinhphu.vn/Chi-dao-quyet-dinh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu/Tang-cuong-quan-ly-tai-su-dung-tai-che-xu-ly-giam-thieu-chat-thai-nhua/404901.vgp.

[6] Điểm b, Khoản 6, Điều 58 Luật Hải quan 2014.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here