Trụ cột nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn gì?

0
80
Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để đáp ứng cho các nhà máy sản xuất trình độ cao. (Nguồn: VTV)

Trang asiafundmanagers.com (Đức) đánh giá, lĩnh vực sản xuất là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam và là động lực tăng trưởng chính.

Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để đáp ứng cho các nhà máy sản xuất trình độ cao. (Nguồn: VTV)

Việt Nam đặt mục tiêu ngành sản xuất sẽ đóng góp 30% cho GDP vào năm 2030, trong đó 45% hàng hóa sản xuất là sản phẩm công nghệ cao. Đất nước Đông Nam Á có kế hoạch đạt được mục tiêu này bằng cách nâng tỷ lệ đóng góp của ngành sản xuất ở mức 8,5%/năm.

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam là ngành được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách “Trung Quốc+1” sau khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, chú trọng vào việc xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn cho ngành công nghiệp Mỹ.

Bên cạnh đó, Việt Nam có chi phí lao động cạnh tranh. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành sản xuất của Việt Nam.

Trang asiafundmanagers.com cho hay, các chính sách ưu đãi của chính phủ đóng vai trò tích cực. Theo Nghị định 57 ban hành năm 2021, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Hơn nữa, đất nước hình chữ S cũng đưa ra một số ưu đãi về thuế và miễn thuế cho các dự án sản xuất. Những ưu đãi này đã giúp Việt Nam thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). FDI trong tháng 10/2023 tăng 54% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 15,3 tỷ USD, trong đó, đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 73,1% nguồn vốn FDI.

Nhiều tập đoàn công nghệ bán dẫn và điện tử tiên tiến thiết lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Tháng 10/2023, tập đoàn Amkor chuyên đóng gói chip đã công bố nhà máy đầu tiên trị giá 1,6 tỷ USD tại Việt Nam.

Theo JPMorgan, đến năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất 65% số tai nghe AirPod của Apple, 5% máy tính xách tay MacBook và 20% máy tính bảng iPad cùng với đồng hồ thông minh Apple Watch.

Ngoài sản xuất công nghệ, Việt Nam còn là trung tâm sản xuất linh kiện ô tô. Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc đã thành lập nhà máy sản xuất phụ tùng xe máy tại Hà Nội, trong khi tập đoàn sản xuất Yokowo của Nhật Bản mở nhà máy tại Hà Nam. Hãng Nike cũng sản xuất giày dép, quần áo và thiết bị tại Việt Nam. Thương hiệu thể thao này hiện có 155 nhà máy tại Việt Nam, chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực lân cận.

Việt Nam cũng đang thu hút đầu tư ồ ạt vào các nhà máy sản xuất xe điện. Công suất điện Mặt Trời của Việt Nam tăng gấp 200 lần, từ 85 MW trong năm 2017 lên gần 17.000 MW trong năm 2021.

Trang asiafundmanagers.com đánh giá, nhưng lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam cũng gặp một số thách thức, trong số đó có tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề. Hầu hết đầu tư nước ngoài đều đổ vào ngành công nghệ cao, nhưng lực lượng lao động của Việt Nam có trình độ tương đối thấp. Do đó, đất nước chỉ tham gia vào các hoạt động có giá trị thấp, đơn giản, khó có thể thăng hạng trong chuỗi giá trị.

Việt Nam cũng thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để đáp ứng cho các nhà máy sản xuất trình độ cao. Đất nước có hạ tầng đường sắt và đường bộ lạc hậu, gây khó khăn trong việc vận chuyển nguyên liệu thô và linh kiện giữa các nhà máy.

Để giải quyết cả hai thách thức, chính phủ đang thực hiện một số giải pháp. Tuy  nhiên, báo cáo phân tích của hãng McKinsey cho thấy, nếu muốn vượt qua những thách thức hiện nay, Việt Nam cần khẩn trương chuyển đổi vai trò là địa điểm sản xuất chi phí thấp thành trung tâm sản xuất năng suất cao

McKinsey nhấn mạnh: “Điều này đòi hỏi khu vực công và tư phải phối hợp đồng bộ. Dù Chính phủ Việt Nam liên tục hỗ trợ, nhưng những nỗ lực này cần được thực hiện hiệu quả ở cả cấp tỉnh và khu công nghiệp thông qua các quy trình đơn giản hóa”.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here