Vòng đàm phán 12 về Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ở Brussels kết thúc hôm 26/2, đã đạt nhiều tiến bộ, mở ra triển vọng kết thúc đàm phán vào cuối năm nay.
Vòng đàm phán lần này tập trung vào hợp tác về quy chế và quy tắc đối với thương mại toàn cầu, hai trụ cột kỹ thuật chính và phức tạp nhất trong vòng đàm phán. Các bên cũng đặc biệt thảo luận về những vấn đề xã hội và môi trường, thể hiện tham vọng khá lớn về những vấn đề này.
Phát biểu trước báo giới, trưởng đoàn thương thuyết EU Ignacio Garcia Bercero khẳng định khối 28 quốc gia thành viên sẽ nỗ lực để có thể đạt được một thỏa thuận tích cực với phía Mỹ vào cuối năm 2016. Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ Dan Mullaney cho biết vòng đàm phán còn đề cập tới chủ đề bảo vệ đầu tư, đặc biệt là đề xuất của phía EU thiết lập một tòa án công nhằm giải quyết tranh chấp nhà nước – nhà đầu tư (ISDS). Theo đó cho phép các công ty tư nhân có thể khởi kiện chính phủ nếu họ cho rằng lợi ích của mình bị tổn hại. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về thị trường công và thống nhất sẽ tiếp tục bàn thảo sâu vấn đề này trong 2 vòng đàm phán kế tiếp dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới tại Washington và tháng 7 sau đó tại Brussels.
Hiện cả EU và Mỹ đều đang nỗ lực đẩy nhanh việc đàm phán với hy vọng có thể hoàn tất TTIP trong năm nay, trước thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ. Theo nhà đàm phán Garcia Bercero, thỏa thuận chỉ được ký kết với điều kiện các vấn đề cơ bản được giải quyết tốt.
Các cuộc đàm phán về TTIP được khởi động từ tháng 7/2013, nhưng sau đó bị trì hoãn do phía châu Âu phản đối các điều khoản do phía Mỹ đưa ra liên quan việc bảo vệ các nhà đầu tư, trong đó có cơ chế ISDS. Một số chuyên gia châu Âu lo ngại cơ chế này sẽ thách thức các luật, đặc biệt về thực phẩm và môi trường của “lục địa già”.
TTIP được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn một nửa kim ngạch kinh tế toàn cầu. Nếu được hoàn tất, hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại giữa EU và Mỹ lên đến 1.000 tỷ USD/năm, đồng thời tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm.
MC.