Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan tiếp đại diện The Ocean Clean up

0
315

Ngày 20/7/2020, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan đã tiếp ông Rutger de Witt Wijnen, luật sư chính, Trưởng ban cố vấn, đại diện đối ngoại của The Ocean Clean up (gọi tắt là TOC), một Quỹ phi lợi nhuận Phi Chính phủ liên danh Hà Lan và Mỹ, do nhà phát minh, CEO trẻ người Hà Lan Boyan Slat sáng lập và điều hành khi mới là sinh viên 18 tuổi (năm 2013).

TOC có đội ngũ quản lý và trên 90 nhà khoa học, kỹ sư và đối tác là các trường đại học khắp nơi trên thế giới. Công việc của TOC là thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên các đại dương mà báo chí Việt Nam đã nhiều lần đăng tải. TOC đã mang lại nhiều kết quả khả quan cho vấn đề mang tính toàn cầu này nên trong suốt thời gian hoạt động, Quỹ đã được khoảng 1 triệu nhà tài trợ quốc tế cung cấp tài chính.

The Ocean Cleanup (gọi tắt là TOC) ước tính trên các đại dương hiện có khoảng 100 triệu tấn rác thải nhựa, đe dọa 200 loài sinh vật biển và gây ô nhiễm chuỗi thức ăn của 3 tỷ người. Sau một thời gian thành công trên đại dương, TOC đã mở rộng mục tiêu sang các con sông, “tòng phạm” chuyển rác nhựa ra biển. Họ đã khảo sát 1.000 con sông đưa nhiều rác nhựa ra biển nhất trên thế giới (từ 0,8 đến 2,7 triệu tấn/năm, tương đương 80% rác nhựa trên biển), trong đó có 52 con sông ở Việt Nam với 31.000 tấn/năm. Số rác này gây lãng phí cho Chính phủ Việt Nam tới 200 triệu USD, cho ngành nuôi trồng thủy sản 130 triệu USD và ngành du lịch 20 triệu USD.

Năm 2019, TOC và Thành phổ Cần Thơ đã ký hợp đồng thực hiện Dự án thí điểm thu gom rác nhựa trên sông và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu Dự án đi vào hoạt động (dự kiến Quý IV/2020), thì mỗi ngày, một con tàu Interceptor 003 hoàn toàn vận hành bằng năng lượng mặt trời sẽ gom được 50 tấn rác nhựa để đưa lên bờ xử lý. Hiện tại có 4 tàu Interceptors đã và đang được lắp ráp, trong đó, 02 tàu hoạt động ở Jakarta (Indonesia) và Klang (Malaysia). Hệ thống thứ 3 được lắp đặt ở Cần Thơ (Việt Nam) và hệ thống thứ 4 dự kiến được thử nghiệm ở Santo Domingo (Cộng hòa Dominica).

Sau khi thử nghiệm thành công tại Hà Lan và Đông Nam Á, TOC sẽ triển khai trên 1.000 con sông trong vòng 5 năm sắp tới. Với những kết quả khả quan đó, TOC hy vọng sẽ hoàn thành sứ mệnh vào năm 2040, nếu rác nhựa không tiếp tục được thả xuống các dòng  sông, suối.

Ông Rutger de Witt đã thông báo vắn tắt với Đại sứ Phạm Việt Anh về các bước triển khai của dự án, đồng thời đánh giá cao nỗ lực hành động của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn, giảm thiểu rác thải nhựa trong môi trường. Ông cho biết khi thực hiện, dự án nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành và cơ quan chức năng của Việt Nam. Đại sứ ta Việt Nam tại Hà Lan Phạm Viêt Anh tin tưởng Dự án thí điểm tại Cần Thơ sẽ là một điểm sáng thành công, khuyến nghị và hy vọng TOC sẽ phát triển thêm mô hình này tại nhiều con sông ở Việt Nam, góp phần nâng cao ý thức và cổ vũ người dân tham gia tích cực và chủ động vào việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam và trên thế giới.

Đại sứ Phạm Việt Anh cũng cho biết Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh các dự án bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, như của TOC, khẳng định Đại sứ quán sẽ hỗ trợ hết sức để nhiều địa phương biết đến dự án và có thể nhân rộng mô hình độc đáo này ra nhiều nơi./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here