Tin Kinh tế Trung Quốc

0
183
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

1. Trung Quốc tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh

Ngày 21/7/2020, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến về việc tiếp tục thực hiện tối ưu hóa môi trường kinh doanh để phục vụ tốt hơn nữa các chủ thể thị trường”. Ý kiến chỉ ra, môi trường kinh doanh của Trung Quốc được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khâu yếu kém, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, vấn đề khó khăn của doanh nghiệp càng được thể hiện rõ. Do vậy, cần tiếp tục tập trung quan tâm hơn nữa đến các chủ thể thị trường, áp dụng các biện pháp cải cách để giải quyết các vấn đề trong sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường mức độ phục vụ đối với các chủ thể thị trường, đẩy nhanh xây dựng một môi trường kinh doanh quốc tế hóa, pháp trị hóa và thi trường hóa.

Ý kiến đưa ra các biện pháp cụ thể: (i) tiếp tục nâng cao mức độ thuận lợi trong đầu tư và xây dựng, thúc đẩy việc thực hiện phê duyệt trực tuyến đối với các dự án xây dựng, thúc đẩy hợp nhất các quy định, thống nhất tiêu chuẩn và quy tắc kỹ thuật; (ii) tiếp tục đơn giản hóa điều kiện và phê duyệt sản xuất và kinh doanh cho doanh nghiệp, bao gồm việc loại bỏ các quy định tiếp cận thị trường bất hợp lý trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thể thao; (iii) tiếp tục tối ưu hóa môi trường ngoại thương và đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu xuất thông quan xuất nhập khẩu, giảm thiểu các hạn chế về kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp ngoại thương, doanh nghiệp nước ngoài; (iv) hạ thấp tiêu chuẩn việc làm và khởi nghiệp, tối ưu hóa điều kiện hành nghề đối với một số ngành nghề như người điều khiển xe hàng, bác sỹ thú y; (v) nâng cao hiệu quả và chất lượng các dịch vụ liên quan đến doanh nghiệp.

Ngoài ra, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng ban hành “Thông báo về việc chuẩn hóa việc thu phí của các hiệp hội, thương hội ngành nghề”, đưa ra yêu cầu về “5 nghiêm cấm”: nghiêm cấm cưỡng chế gia nhập hội và thu phí gia nhập hội; nghiêm cấm lợi dụng chức trách được chính phủ ủy thác để thu phí trái quy định; nghiêm cấm thu phí thông qua các hoạt động đánh giá, biểu dương; nghiêm cấm thu phí trái quy định thông qua việc nhận định trình độ chuyên môn; nghiêm cấm chỉ thu phí mà không cung cấp dịch vụ hoặc thu phí nhiều lần.

Một thông tin khác, tại cuộc họp báo ngày 22/7, Bộ Thương Mại Trung Quốc cho biết sẽ triển khai xây dựng 30-50 tuyến phố đi bộ điển hình toàn quốc tại các thành phố trực thuộc trung ương, thủ phủ các tỉnh trong vòng 3 năm tới.

2. Không có việc dịch chuyển vốn với quy mô lớn khỏi Trung Quốc

Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp nước ngoài tạm thời đóng của các cửa hàng và công xưởng tại Trung Quốc, dẫn đến lo lắng về việc vốn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc và ảnh hưởng đến vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên điều này không thật sự như vậy.

Số liệu Bộ Thương mại cho thấy, FDI của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 472,1 tỷ NDT (67,4 tỷ USD), giảm 1,3% so với cùng kỳ, mức giảm thu hẹp 9,5 điểm so với quý 1. Trong đó, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong 4, 5, 6 đều tăng so với cùng kỳ. Điều này chứng tỏ tình hình thu hút FDI của Trung Quốc có sự phụ hồi rõ rệt, vốn đầu tư nước không những không rút khỏi Trung Quốc mà kỳ vọng và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đang dần ổn định và tốt lên.

Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, dịch bệnh đã thay đổi nhận thức của chính phủ các nước và các công ty đa quốc gia về chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp toàn cầu. Trước đây, hệ thống chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp chú trọng nhiều đến ưu thế về chi phí. Trong tương lai, cùng với ưu thế về chi phí, ưu thế về độ an toàn sẽ trở thành một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp. Việc Trung Quốc dẫn đầu trong kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy toàn diện khôi phục sản xuất, làm cho Trung Quốc trở thành “cảng tránh gió” an toàn, khiến những nhà đầu tư nước ngoài chưa đầu tư tại Trung Quốc trước đó sẽ xem xét về khả năng đầu tư tại Trung Quốc.

Đồng thời, nhu cầu thị trường khổng lồ của Trung Quốc cũng sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong mối quan hệ cung cầu toàn cầu. Theo dữ liệu hàng tháng, sự sụt giảm của tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc đã thu hẹp trong bốn tháng liên tiếp. Khi công tác phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc bước vào trạng thái thường xuyên, nhu cầu và thị trường tiêu dùng của Trung Quốc đang hồi phục nhanh chóng. Trong bối cảnh như vậy, các công ty đa quốc gia sẽ không rút vốn, ngược lại sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Trung Quốc.

Trong thời gian qua, Trung Quốc cũng nỗ lực xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và có thể dự đoán được thông qua tăng cường cải cách và mở cửa. Từ đầu năm 2020, “Luật đầu tư nước ngoài” và “Quy định thực thi” chính thức có hiệu lực, đã cung cấp sự bảo đảm mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đầu tháng 6/2020, Trung Quốc chính thức công bố “Phương án tổng thể về xây dựng Cảng thương mại tự do Hải Nam”, về nguyên tắc chính phủ sẽ hủy bỏ việc cấp phép và phê duyệt, ngoài trừ các tiêu chuẩn bắt buộc và bị cấm theo pháp luật. Cuối tháng 6/2020, Trung Quốc công bố Danh sách hạn chế tiếp cận đầu tư nước ngoài toàn quốc giảm từ 40 mục xuống 33 mục và Danh sách hạn chế tiếp cận đầu tư tại Khu thí điểm thương mại tự do giảm từ 37 điều xuống 30 điều.

Sau thử thách toàn cầu về đại dịch, các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đã cảm nhận đầy đủ về khả năng phục hồi, sức sống và triển vọng của kinh tế Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm, trong số các nguồn đầu tư chủ yếu, kim ngạch đầu tư từ Singapore và Mỹ tăng lần lượt 7,8% và 6%; đầu tư từ các quốc gia “Vành đai và Con đường” tăng tăng 2,9% so với cùng kỳ; đầu tư từ ASEAN tăng 5,9%. Nhiều công ty đa quốc gia đang nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh. Ví dụ, kể từ đầu năm nay, nhiều dự án đầu tư nước ngoài đã được ký kết và thực hiện tại Thượng Hải như nhà cung cấp khí công nghiệp và thiết bị sản xuất khí công nghiệp hàng đầu thế giới Air Products, đã ký hợp đồng tăng vốn đầu tư 450 triệu USD.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới ảm đảm, các nhân tố bất ổn tác động đến đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng, công tác ổn định đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vẫn còn nhiều thử thách và gian nan. Do vậy, Trung Quốc cần tiếp tục khai thác tiềm lực thị trường trong nước, kích thích sức sống đổi mới, tối ưu hóa môi trường kinh doanh, tiếp tục nâng cao sức thu hút đầu tư nước ngoài.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here