Đại dịch làm thay đổi địa chính trị của chuỗi cung bán dẫn toàn cầu

0
87
(Nikkei Asian Review)
(Nikkei Asian Review)

Công ty chế tạo bán dẫn Đài Loan (TSMC) vừa qua công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chíp trị giá 12 tỷ USD ở bang Arizona, Mỹ, đồng thời quyết định ngừng tiếp nhận các đơn đặt hàng mới từ công ty Hoa Vi. Đây là sự dịch chuyển quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng tại sao lại vào thời điểm này? Là một trong những chuỗi cung giá trị cao với mức độ chuyên môn hóa cao nhất, ngành công nghiệp bán dẫn có một số nút thắt cổ chai. Công nghiệp bán dẫn có mức liên kết toàn cầu cao nhất nhưng lại có mức độ tổn thương cao. Trung thành với nguyên tắc lợi thế so sánh bảo đảm tính hiệu quả cao, ngành công nghiệp này chấp nhận việc thiếu tính bền bỉ, dẻo dai, do đó trở nên dễ tổn thương trước rủi ro toàn cầu của đại dịch và những biện pháp kiểm soát xuất khẩu như áp dụng với công ty Hoa Vi. Những diễn biến trong 6 tháng qua buộc ngành công nghiệp này phải xem xét lại và cân nhắc chuyển đổi theo hướng chấp nhận có sự dư thừa năng lực nhất định.

Chuỗi cung bán dẫn chịu tác động của 4 rủi ro chính. Một là rủi ro của sự tập trung cao độ. Các công ty bán dẫn tập trung phần lớn cơ sở chế tạo và dịch vụ của mình ở một quốc gia nhất định. Nhật Bản gần như độc quyền trong việc cung ứng một số hoá chất cần thiết cho việc sản xuất con chíp. Một công ty ở Đài Loan như TSMC chiếm gần một nửa thị phần sản xuất con chíp theo hợp đồng trên toàn thế giới. Nếu việc sản xuất ở những quốc gia này bị đình lại do đại dịch hoặc do những đứt gãy, xáo trộn khác, không chỉ toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn chịu hậu quả mà cả nhiều ngành khác vốn lệ thuộc vào ngành công nghiệp này như, ô tô, thiết bị y tế, nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo. Hai là rủi ro của sự chuyên môn hóa quá mức xuất phát từ yêu cầu đầu tư vốn vô cùng lớn của ngành công nghiệp này. Chỉ ba công ty Samsung, Sk Hynix (Hàn Quốc) và Micron Technology (Mỹ) cung ứng 97% thị trường DRAM (chíp bộ nhớ) của thế giới. Việc chuyên môn hóa quá cao cũng dẫn đến sự liên thuộc lớn trong một chu trình hoạt động liền mạch không ngừng và không có sản phẩm dư thừa, điều được nhận diện một cách rõ ràng khi xảy ra những biến cố thiên nhiên hoặc địa chính trị. Ba là rủi ro của tính chất liên tục trong hoạt động kinh doanh. Công ty ASML của Hà Lan là nhà sản xuất duy nhất loại thiết bị chế tạo đặc biệt cần cho việc sản xuất các con chíp tân tiến nhất. Các nhà máy sản xuất con chíp lớn nhất thế giới như Samsung và TSMC đều lệ thuộc vào ASML. Nếu việc vận chuyển các lô hàng của ASML bị trì hoãn do đại dịch hoặc các biện pháp kiểm soát thương mại, toàn bộ việc sản xuất dọc theo chuỗi giá trị sẽ bị ảnh hưởng. Bảo đảm hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn ngày càng trở nên khó khăn hơn trong một chuỗi giá trị toàn cầu được chuyên môn hóa và tập trung hóa cao độ. Bốn là rủi ro địa chính trị. Kinh tế học chuỗi cung bán dẫn với đặc tính ít cồng kềnh, giảo hoạt và hiệu quả làm cho ngành công nghiệp này dễ dàng trở thành công cụ địa chính trị. Ngành công nghiệp này được mô tả như là “cuộc chạy đua tiếp sức xuyên lục địa với các chướng ngại vật dấu mặt”. Các quốc gia-dân tộc có thể đặt các chướng ngại vật này trên đường chạy của đối thủ. Điều này thể hiện rõ trong cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chuỗi cung bán dẫn vốn đã không có sức dẻo dai ngay kể từ trước khi xảy ra đại dịch. Căng thẳng địa chính trị có tính cấu trúc giữa Mỹ và Trung Quốc buộc các chính phủ và công ty phải tự vấn về việc quá lệ thuộc vào một số nhỏ nguồn cung ứng công nghệ. Nhưng để bảo đảm có được sự bền bỉ dẻo dai, ngành bán dẫn cần khoản đầu tư vốn vô cùng lớn và đó không phải là lựa chọn kinh doanh thuyết phục. Đại dịch càng làm nổi bật sự mâu thuẫn này. Các chính sách, do đó, sẽ được tư duy lại theo một số hướng sau:

Thứ nhất, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ ngày càng được nhìn nhận nhiều hơn từ góc độ chiến lược so với trước đây. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) đã đệ trình kiến nghị lên Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép sự hoạt động không gián đoạn của ngành này với lý do đây là “hạ tầng thiết yếu”. Điều này có hai hàm ý trái ngược nhau, một mặt cho phép ngành bán dẫn tiếp tục hoạt động trong cuộc khủng hoảng y tế công, nhưng mặt khác về dài hạn đặt ngành này dưới sự kiểm soát lớn hơn của chính phủ. Trong tương lai, các chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát chuyển giao công nghệ, giới hạn đầu tư của nước ngoài, giãn thuế cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ hai, các công ty bán dẫn sẽ ngày càng bị lôi kéo và sử dụng vào cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ Trung – Mỹ nhất là trong bối cảnh đại dịch. Hoa Vi đã chuyển việc sản xuất một phần con chíp khỏi TSMC sang nhà sản xuất nội địa SMIC. Quỹ đầu tư nhà nước Trung Quốc lên kế hoạch đầu tư 2,25 tỷ USD vào SMIC. Chính phủ Anh đã ngăn chặn nỗ lực chuyển quyền kiểm soát công ty bán dẫn Anh Imagination Technology sang một nhà đầu tư có liên hệ với chính phủ Trung Quốc. Những nỗ lực tương tự sẽ diễn ra trong những tháng tới do khủng hoảng kinh tế làm tổn thương đến ngày càng nhiều doanh nghiệp hơn.

Thứ ba, sự đa dạng hóa sẽ diễn ra ở các quy mô khác nhau trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu nhằm hướng đến sự dẻo dai hơn của ngành công nghiệp này. Việc thành lập mới các cơ sở sản xuất con chíp ít khả năng xảy ra do số vốn đầu tư ban đầu là rất lớn trong bối cảnh khó khăn kinh tế toàn cầu hiện nay, thay vào đó là việc thành lập các công ty với quy mô ít tham vọng hơn chủ yếu tập trung vào chi phí nghiên cứu và sở hữu trí tuệ.

Với quy mô lớn hơn, đại dịch lần này sẽ làm thay đổi ngành công nghiệp bán dẫn. Các chính phủ và môi trường địa chính trị sẽ là động lực chủ chốt cho sự chuyển đổi này.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here