Đà phát triển dài hạn của Sáng kiến Vành đai và Con đường

0
136
(Nhóm Quản lý Môi trường LHQ)
(Nhóm Quản lý Môi trường LHQ)

Theo nhận định của các chuyên gia, do tác động của dịch bệnh, các dự án tại các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) thời gian qua bị chậm tiến độ do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại. Tuy nhiên, những tác động ngắn hạn này không làm chệch hướng triển khai của các dự án trong những năm tới.

Ông Jangping Thia, Trưởng Ban Kinh tế học của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) cho biết các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI sẽ bị chậm tiến độ do xáo trộn, đứt gãy chuỗi cung và tình hình tài chính yếu đi, nhưng với nhu cầu lớn mạnh và hàng loạt các dự án đã hoàn thành việc phê duyệt, BRI sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại giai đoạn hậu dịch.

Theo ông Jason Yek, chuyên gia phân tích của Fitch Solutions, nhiều dự án cơ sở hạ tầng được tiến hành bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc của các nhà thầu Trung Quốc có giá trị trên 300 tỷ USD tiếp tục bị trì hoãn do dịch bệnh, nhất là các dự án ở thị trường Châu Á bao gồm Indonesia, Pakistan, Sri Lanka và các dự án sử dụng nhiều lao động và chuyên gia của Trung Quốc. Lao động Trung Quốc chưa thể quay trở lại các dự án Thành phố Cảng Colombo (Sri Lanka), Đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung (Indonesia) do các lệnh phong tỏa, cấm đi lại bởi dịch bệnh.

Ông Nicholas Ho, Phó Giám đốc điều hành công ty tư vấn xây dựng công trình tham gia các dự án BRI, cho rằng chất lượng của các dự án cơ sở hạ tầng phải gắn liền với khả năng sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh và do đó các nước đang phát triển sẽ phải tăng cường đầu tư vào hạ tầng y tế công trong thời gian tới, mở ra cơ hội đầu tư mới trong khuôn khổ BRI. Trung Quốc sẽ giúp cung cấp tri thức và kỹ năng y học, trang thiết bị y tế và đáp ứng các nhu cầu nâng cấp hạ tầng y tế công tại các nước dọc BRI giai đoạn hậu dịch.

Theo Song Wei, chuyên gia nghiên cứu Học viện Hợp tác kinh tế và thương mại Quốc tế của Bộ Thương mại Trung Quốc, sự hỗ trợ lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nước Châu Phi trong đại dịch cho thấy BRI không đơn thuần chỉ là về hợp tác kinh tế mà trở thành một cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả. Chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ các nước châu Phi thời gian vừa qua thông qua chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh và viện trợ trang thiết bị y tế. Các thiết bị y tế bao gồm các bộ xét nghiệm và khẩu trang y tế do Quỹ Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba, đã được vận chuyển đến Ethiopia và từ đó được phân phối tới các quốc gia Châu Phi khác. Sự hợp tác ứng phó dịch bệnh càng làm củng cố chiến lược BRI và tăng cường giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc và các nước Châu Phi, nâng cao vai trò của BRI trong quản trị toàn cầu.

Trong khuôn khổ các dự án BRI, ngày 27/3/2020, các nhà thầu Trung Quốc đã lắp đặt 500 mét đường ray đầu tiên trong dự án đường sắt Trung Quốc – Lào dài 414 km nối cửa khẩu Mohan-Boten ở Bắc Lào với thủ đô Viên Chăn, là dự án đường sắt dài nhất ở Châu Á mà Trung Quốc thực hiện bên ngoài lãnh thổ của mình, giúp đưa Lào từ quốc gia không có biển thành quốc gia kết nối với biển. Lần đầu tiên máy lắp đặt đường ray CYP500 được sử dụng để xây dựng đường sắt trong khu vực Đông Nam Á. CYP500 có khả năng lắp đặt 2km đường ray/1 ngày và làm việc liên tục 24 giờ. Từ năm 2016 đến cuối năm 2019, dự án đã hoàn thành rất nhiều hạng mục công việc phức tạp bao gồm xây các cây cầu và đường hầm. Việc xây dựng diễn ra suôn sẻ bất chấp đại dịch và dự kiến sẽ hoàn thành đúng theo kế hoạch vào tháng 12/2021./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here