Đại dịch COVID-19 và những tác động đến toàn cầu

0
92
(Forbes)
(Forbes)

I. Tình hình

Dịch Covid-19 khởi phát vào cuối năm 2019. Ngày 11/3/3/2020, WHO tuyên bố coronavirus đã bùng nổ thành dịch bệnh toàn cầu. Tính đến ngày 27/3/2010, theo số liệu của WorldOmeters, tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới là 532.926, lan trên 199 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm chết 24.094 người. Mỹ hiện đang là trung tâm dịch của Thế giới với số ca nhiễm kỷ lục và nguy cơ sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

II. Tác động

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, các cơ quan, tổ chức chuyên môn, nghiên cứu lớn của thế giới như ADB, OECD, IMF, WB, UNTACD, CSIS… đều đã đưa ra dự báo các kịch bản về Covid-19 trong đó kịch bản xấu nhất là Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, nhận định về mức độ nguy hiểm và quy mô lây lan của dịch bệnh có khác nhau giữa các quốc gia, dẫn đến các biện pháp và thời điểm ứng phó khác nhau. Đại dịch Covid-19 hiện nay đã, đang và sẽ có những tác động đến thế giới, các quốc gia và người dân như sau:

1. Kinh tế

1. Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu suy giảm trong năm 2020 và có thể hồi phục trong năm 20201. Ngày 19/3/2020, Tổng thư ký LHQ Antonio Guiteres cho rằng gần như chắc chắn kinh tế thế giới bước vào giai đoạn suy thoái. Tổ chức Lao động quốc tế ILO đánh giá người lao động trên toàn thế giới sẽ mất khoảng 3.400 tỷ USD thu nhập trong 2020[1]. Trong khi đó, Báo cáo sơ bộ của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ dưới 2%, như vậy kinh tế thế giới sẽ mất 1000 tỷ USD trong năm 2020[2]. Trường hợp xấu nhất nếu kinh tế thế giới tăng trưởng chỉ 0,5% thì thế giới sẽ mất 2.000 tỷ USD. UNTACD dự báo đầu tư trực tiếp toàn cầu sẽ giảm từ 5-15% trong giai đoạn 2020-2021, mức thấp nhất tương đương giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008-2009[3].

OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% năm 2020 (2019 là 2,9%) và dự kiến năm 2021 sẽ là 3,3%. Kinh tế Trung Quc sẽ tăng trưởng ở mức dưới 5% năm 2020 (2019 là 6,1%). Tuy nhiên, nếu tình hình COVID-19 tiếp tục diễn biến như đã xảy ra ở Trung Quốc thì tăng trưởng toàn cầu sẽ xuống mức rất thấp là 1,5%[4]. Tăng trưởng khu vực Châu Âu sẽ khoảng 1% trong năm 2020 và 2021[5].

Hãng tin Bloomberg cho rằng thiệt hại kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sẽ là 2.700 tỷ USD[6]. Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) dự báo toàn cầu sẽ bị mất khoảng từ 77 tỷ USD cho đến 347 tỷ USD (tương đương từ 0,1% đến 0,4% GDP toàn cầu) do tác động của đại dịch[7].  Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và các Tổ chức uy tín lớn toàn cầu đều chung nhận định khi so sánh tác động của Covid-19 đến kinh tế toàn cầu nghiêm trọng hơn đại dịch SARS và dịch MERS. Năm 2003, dịch SARS lây nhiễm 8.000 người và khiến 774 người chết, làm kinh tế toàn cầu thiệt hải 50 tỷ USD[8]. Năm 2015, dịch MERS ở Hàn Quốc, lây nhiễm 200 người và khiến 38 người chết, khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 8,5 tỷ USD[9].

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những thiệt hại lớn hơn so với SARS và MERS, chỉ số S&P 500 của các công ty Mỹ trong phiên giao tuần từ 24/2 đã giảm 11,5%, tuần giảm sâu nhất kể từ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008[10]. Du lịch, khách sạn và các ngành công nghiệp bổ trợ là những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế (IATA) cảnh báo ngành hàng không thế giới sẽ lỗ trong khoảng từ 63 tỷ USD đến 113 tỷ USD trong năm 2020[11].

Bên cạnh đó, ADB cũng dự báo cho 22 quốc gia Châu Á, trong đó nhấn mạnh Man-đi-vơ, Campuchia và Thái Lan sẽ là các quốc gia chịu ảnh hưởng nhất. Đối với khu vực Châu Phi, hãng Fitch dự báo tăng trưởng tại các nước Châu Phi như Ga-na, Ăng-gô-la, Công-gô, Ghi-nê Xích-đạo, Zăm-bi-a, Nam Phi, Ga-bôn và Nigeria sẽ giảm do các nước này phần lớn xuất khẩu các mặt hàng  sang Trung Quốc [12].

2. Hệ thống cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Thực tế, Trung Quốc thực hiện biện pháp phong toả hoàn toàn nền kinh tế trong một tháng sau kì nghỉ Tết Nguyên Đán đã có những tác động nhất định đến chuỗi cung ứng toàn cầu và tâm lý lo sợ đối với các nhà sản xuất, đầu tư và chính trị toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc bị đình trệ, các nhà máy, hệ thống công xưởng của thế giới bị gián đoạn sẽ kéo theo tác động đến các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc như Mỹ (máy móc, thiết bị tự động và chính xác), Nhật Bản (may móc và thiét bị tự động), Hàn Quốc (thiết bị truyền thông và máy móc), Đài Loan (thiết bị truyền thông và máy văn phòng), Việt Nam (thiết bị truyền thông) [13].

 Đáng chú ý, sản lượng máy tính xách tay toàn cầu giảm 50% trong tháng 2/2020 và sản lượng điện thoại thông minh giảm 12% trong quý I/2020[14]. Các sản phẩm này được sản xuất dựa trên các thiết bị do các nhà sản xuất châu Á cung cấp trong đó lớn nhất là Trung Quốc[15]. Các quốc gia ở Châu Phi chịu ảnh hưởng trước việc Trung Quốc đóng cửa hệ thống sản xuất. Tại U-gan-đa, ¼ hàng nhập của nước này là từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp nhỏ bán hàng dệt, may, điện tử, hàng hoá nhu yếu phẩm hiện đang lâm vào cảnh khó khăn. Tại Ni-giê, giá cả hàng hoá leo thang do nguồn cung bị từ Trung Quốc bị gián đoạn. Tại Zim-ba-guê và Ăng-gô-la, việc xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị ngưng trệ[16].

Trong giai đoạn đối phó với dịch, Trung Quốc, các nước Châu Âu như Đức, Pháp và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ ban hành lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang y tế để phục vụ trong nước. Điều này càng làm gián đoạn nguồn cung thế giới về khẩu trang để đối phó với đại dịch. Đối với Mỹ, do không có sự chuẩn bị đối phó với đại dịch nên thiếu hụt nghiêm trọng các sản phẩm, thiết bị y tế và bộ xét nghiệm Covid-19. Trước bối cảnh như trên, Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump đe doạ các nước đồng minh và củng cố thêm việc Mỹ rút khỏi thương mại toàn cầu khi tuyên bố rằng “sẽ mang các khả năng sản xuất và chuỗi cung ứng mặt hàng thuốc thiết yếu về Mỹ”[17]. Kết quả là, Đức được cho là lo ngại chính quyền Trump sẽ có những bước đi nhằm mua toàn bộ loại vắc-xin mới do công ty của Đức phát triển để sử dụng tại Mỹ. Béc-lin đang cân nhắc việc tham gia đấu giá mua loại vắc-xin trên hoặc ban hành lệnh cấm giao dịch với Mỹ[18].

2. Chính trị – an ninh

Trong bối cảnh các thách thức về y tế và tác động về kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra ngày càng lớn, những hệ luỵ về chính trị, an ninh quốc tế sẽ có nhng tác động về lâu dài. Cụ thể như sau:

Một là, đại dịch Covid-19 đóng góp vào xu hướng cạnh tranh nước lớn vốn đang diễn ra thời gian qua, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington và Bắc Kinh thời gian gần đây liên tục đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân gây ra Covid-19 và chia sẻ thông tin, hợp tác xử lý khủng hoảng hiện nay[19].

Trong bối cảnh tập hợp lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra ngày càng phức tạp, Trung Quốc có các bước đi nhằm phản bác lại các chỉ trích nhằm vào Trung Quốc và thể hiện vai trò nước lớn có trách nhiệm. Trung Quốc đã tận dụng sự lúng túng của Mỹ, khó khăn ở Châu Âu, để cung cấp hỗ trợ và hướng dẫn cho các quốc gia.

Trong khi không có nước Châu Âu nào hồi đáp trước lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp thiết bị y tế của Italy thì Trung Quốc chủ động hỗ trợ Italy 2 triệu khẩu trang, 1.000 máy th, 500.000 bộ xét nghiệm và 100.0000 mặt nạ phòng độc, 20.000 bộ quần áo bảo vệ y tế. Trung Quốc ủng hộ 250.000 mặt nạ và cử đoàn chuyên gia y tế sang hỗ trợ Iran; cung cấp thiết bị cần thiết cho Xéc-bi. Tỷ phú Jack Ma, đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba hứa gửi số lượng lớn bộ xét nghiệm và khẩu trang cho Mỹ; cam kết gửi 200.000 bộ xét nghiệm và 100.000 khẩu trang cho 54 quốc gia Châu Phi[20].

Các sản phẩm Made-in China như khẩu trang, thiết bị y tế chống Covid-19 được Trung Quốc tận dụng chuyển đi khắp toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để Trung Quốc thúc đẩy triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của mình. Trung Quốc triển khai một loạt các hoạt động ngoại giao thông qua các tổ chức khu vực như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), các nước đảo nhỏ Thái Bình Dương, tổ chức họp trực tuyến, cung cấp tư vấn, hướng dẫn cho các nước về Covid-19. Trung Quốc thông qua WHO để thúc đẩy hợp tác đa phương về y tế để đối phó với đại dịch Covid-19.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến G20 ngày 26/3, Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị tổ chức ngay cuộc họp giữa Bộ trưởng y tế G20 để tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác về thuốc, vắc-xin, kiểm soát dịch bệnh…; nhấn mạnh G20 cần chung tay giúp các nước đang phát triển với hệ thống y tế yếu và giúp nâng cao sự chuẩn bị và khả năng đối phó; đề nghị việc thực hiện các sáng kiến trên với sự giúp đỡ của WHO. Ông Tập cũng khẳng định “điều Trung Quốc có thể làm là gia tăng sản xuất các vật liệu y tế, nhu yếu phẩm hàng ngày, hàng hoá chống dịch và các nguồn cung khác cho thị trường quốc tế”[21].

Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp này đã nêu chỉ ra rõ rằng “chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ là sự cản trở lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu”; kêu gọi Lãnh đạo G20 tăng cường hợp tác quốc tế về các chính sách vi mô để khôi phục niềm tin vào tăng trưởng toàn cầu trước những tác động của Covid-19”[22]. Ngoài ra, ông Tập cũng nhấn mạnh rằng “với tầm nhìn về xây dựng cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại, Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ thực tiễn tiêu biểu, tiến hành nghiên cứu chung và phát triển thuốc, vắc-xin và hỗ trợ các quốc gia bị tấn công bởi dịch bệnh ngày gia tăng”[23].

Một số chuyên gia đánh giá rằng Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng hình ảnh là Lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến đại dịch Covid-19 nhằm quảng bá lòng tốt và mở rộng ảnh hưởng của nước này trên toàn cầu[24]. Cũng có ý kiến cho rằng Mỹ đã thất bại khi không thể hiện được vai trò Lãnh đạo thế giới trong việc dẫn dắt toàn cầu chống lại đại dịch này và Mỹ đã không còn được coi là Lãnh đạo thế giới nữa[25]. Điều này đang đặt ra những nghi ngờ về trật tự thế giới sẽ thay đổi sau đại dịch Covid-19 nếu Chính quyền Tổng thống Trump vẫn dậm chân tại chỗ như hiện nay, chỉ tập trung vào lợi ích, thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết” trong bối cảnh thế giới và các nước đang gồng mình chống lại đại dịch.

Tuy nhiên, hiệu quả về lâu dài như thế nào thì chưa thể khẳng định. Các chỉ trích nhằm vào Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn.

Hai là, sau những diễn biến dịch bệnh lần này, sẽ tiếp tục có sự tranh luận gay gắt về những khiếm khuyết của mô hình quản trị toàn cầu, hoạt động của các chuỗi cung ứng…; các nội dung theo hướng cần có “sự thay đổi tích cực” sẽ được thúc đẩy mạnh, như là vấn đề chống biến đổi khí hậu.

3. Biện pháp

Phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh 3 vấn đề ưu tiên: kiểm soát dịch bệnh trước mắt; giúp đỡ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất và chuẩn bị các biện pháp nhằm giúp kinh tế hồi phục. Trên cơ sở tình hình hiện tại và phân tích, đánh giá nêu trên, một số biện pháp được Tổng thư ký Liên hợp quốc, UNTACD, OECD, ADB, IMF và giới nghiên cứu đề xuất nhằm đối phó với những tác động từ đại dịch Covid-19 như sau:

Một là, ưu tiên cao nhất hiện nay là kiểm soát và phòng chống dịch ở mức cao nhất, không cho lây lan diện rộng trong cộng đồng. Các biện pháp cần quyết liệt và có quyết tâm chính trị cao thì mới phát huy hiệu quả tác dụng.

Hai là, chính phủ các nước tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đối phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt là hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu, điều chế vắc-xin và phác đồ điều trị.

Ba là, chính phủ các nước nên trao đổi, hợp tác để đưa ra các chính sách chung thay vì mỗi nước ban hành một chính sách, thiếu sự điều phối, phối hợp trong xử lý khủng hoảng. Một số chính sách có thể tham khảo ban hành như: (i) ban hành các chính sách hỗ trợ về y tế, điều trị miễn phí cho bệnh nhân, bảo vệ y bác sỹ, nhân viên y tế, cung cấp đủ khẩu trang và trang thiết bị y tế cần thiết; (ii) ban hành các kế hoạch về việc làm trong ngắn hạn, giảm bớt các yêu cầu để được thụ hưởng bảo hiểm, đưa tiền mặt cho nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội; (iii) hoãn tính thuế và giảm thuế cho các doanh nghiệp, tạm thời giảm thuế VAT, ban hành các gói cứu trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp về dịch vụ và du lịch.

Bốn là, ngoài ra, các quốc gia cân nhắc hợp tác, điều phối chương trình đầu tư về nghiên cứu về y tế, phát triển và các cơ sở hạ tầng sau khi khủng hoảng kết thúc. Việc ban hành các chính sách đồng loạt và kịp thời là rất cần thiết để khôi phục niềm tin từ người dân và càc nhà đầu tư.

4. Dự báo thời gian tới

Trước những diến biến khó lường như hiện nay, số người nhiễm Covid-19 ngày càng tăng cao và khó kiểm soát, đa số đều dự báo tình hình dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục xấu đi và có thể kéo dài đến tháng 6 hoặc tháng 8/2020. Trước đó ngày 17/3/2020, tờ New York Times trích dẫn một số báo cáo nghiên cứu cho rằng đại dịch Covid-19 có thể kéo dài từ 18 tháng, thậm chí có thể lâu hơn và sẽ xảy ra một vài đợt sóng cao trào của dịch bệnh[26]. Có thể thấy rằng thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và tác động khó lường từ đại dịch Covid-19 trong thời gian tới./.

(Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc)

[1] UN Secretary-General: COVID-19 Pandemic Calls for Coordinated Action, Solidarity, and Hope, xem thêm tại https://unu.edu/news/news/un-secretary-general-covid-19-pandemic-calls-for-coordinated-action-solidarity-and-hope.html

[2] Coronavirus update: COVID-19 likely to cost economy $1 trillion during 2020, says UN trade agency, xem thêm tại https://news.un.org/en/story/2020/03/1059011

[3] Coronavirus could shrink global FDI by 5% to 15%, xem thêm tại https://unctad.org/en/pages/newsdetails.aspx?OriginalVersionID=2299

[4] OECD (2020), OECD Economic Outlook, Interim Report March 2020, OECD Publishing, Paris, xem tại https://doi.org/10.1787/7969896b-en.

[5] OECD (2020), OECD Economic Outlook, Interim Report March 2020, OECD Publishing, Paris, xem tại https://doi.org/10.1787/7969896b-en.

[6] Coronavirus Could Cost the Global Economy $2.7 Trillion. Here’s How, xem thêm tại https://www.bloomberg.com/graphics/2020-coronavirus-pandemic-global-economic-risk/

[7] ADB Briefers, No.128, 6 March 2020, xem thêm tại https://www.adb.org/sites/default/files/publication/571536/adb-brief-128-economic-impact-covid19-developing-asia.pdf

[8] The economic, geopolitical and health consequences of COVID-19, xem thêm tại https://www.weforum.org/agenda/2020/03/the-economic-geopolitical-and-health-consequences-of-covid-19/

[9] he economic, geopolitical and health consequences of COVID-19, xem thêm tại https://www.weforum.org/agenda/2020/03/the-economic-geopolitical-and-health-consequences-of-covid-19/

[10] Coronavirus infects Africa’s economy, xem thêm tại https://www.dw.com/en/coronavirus-infects-africas-economy/a-52620528

[11] The Global Economic Impacts of COVID-19, xem thêm tại https://www.csis.org/analysis/global-economic-impacts-covid-19

[12] The Impact of COVID-19 on Key African Sectors, xem thêm tại https://www.bakermckenzie.com/en/insight/publications/2020/03/the-impact-of-covid19-on-key-african-sectors

[13] Global Trade Impact of Coronavirus (COVID-19) epidemic, xem thêm tại https://unctad.org/en/PublicationsLibrary/ditcinf2020d1.pdf

[14] Will the Coronavirus End Globalization as We Know It?, xem thêm tại https://www.foreignaffairs.com/articles/2020-03-16/will-coronavirus-end-globalization-we-know-it

[15] Will the Coronavirus End Globalization as We Know It?, xem thêm tại https://www.foreignaffairs.com/articles/2020-03-16/will-coronavirus-end-globalization-we-know-it

[16] Coronavirus infects Africa’s economy, xem thêm tại https://www.dw.com/en/coronavirus-infects-africas-economy/a-52620528

[17] Will the Coronavirus End Globalization as We Know It?, xem thêm tại https://www.foreignaffairs.com/articles/2020-03-16/will-coronavirus-end-globalization-we-know-it

[18] Will the Coronavirus End Globalization as We Know It?, xem thêm tại https://www.foreignaffairs.com/articles/2020-03-16/will-coronavirus-end-globalization-we-know-it

[19] Mỹ chỉ trích Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh; Tổng thống Trump gọi Covid-19 là vi-rút Trung Quốc. Trung Quốc cáo buộc quân đội Mỹ mang vi-rút này đến Trung Quốc…

[20] The Coronavirus Could Reshape Order, xem tại https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2020-03-18/coronavirus-could-reshape-global-order

[21] Full text of Xi’s remarks at Extraordinary G20 Leaders’ Summit, xem thêm tại http://www.xinhuanet.com/english/2020-03/26/c_138920685.htm

[22] Full text of Xi’s remarks at Extraordinary G20 Leaders’ Summit, xem thêm tại http://www.xinhuanet.com/english/2020-03/26/c_138920685.htm

[23] Full text of Xi’s remarks at Extraordinary G20 Leaders’ Summit, xem thêm tại http://www.xinhuanet.com/english/2020-03/26/c_138920685.htm

[24] Will the Coronavirus End Globalization as We Know It?, xem thêm tại https://www.foreignaffairs.com/articles/2020-03-16/will-coronavirus-end-globalization-we-know-it

[25] The United States Has Failed the Leadership Test, xem thêm tại https://foreignpolicy.com/2020/03/20/world-order-after-coroanvirus-pandemic/

[26] U.S. Virus Plan Anticipates 18-Month Pandemic and Widespread Shortages, xem thêm tại https://www.nytimes.com/2020/03/17/us/politics/trump-coronavirus-plan.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here