Trong những năm 1960s, Bộ trưởng Tài chính Pháp Valery Giscard d’Estaing phàn nàn rằng sự thống trị của đồng đô la Mỹ tạo cho nước này một “đặc quyền thái quá”, nước Mỹ có thể vay mượn với giá rẻ từ phần còn lại của thế giới và sống vượt hơn cả nguồn lực của mình. Từ đó, các đồng minh và đối thủ của Mỹ thường than phiền tương tự. Tuy nhiên, đặc quyền lớn này cũng kéo theo gánh nặng khổng lồ đối với sự cạnh tranh thương mại và việc làm của Mỹ và ngày càng trở nên bất ổn khi tỷ trọng kinh tế Mỹ trong tương quan toàn cầu ngày càng thu hẹp. Các thiết chế tài chính và các tập đoàn doanh nghiệp lớn được hưởng lợi từ sự thống trị của đồng USD trong khi những chi phí của nó lại do tầng lớp lao động gánh chịu. Vì vậy, việc duy trì bá quyền đồng USD đe dọa gia tăng bất bình đẳng và phân cực chính trị trong nội bộ nước Mỹ.
Bá quyền đồng USD không phải được định đoạt trước. Thời gian qua, nhiều nhà phân tích đã cảnh báo Trung Quốc và các cường quốc khác có thể quyết định từ bỏ đồng USD và đa dạng hóa dự trữ tiền tệ vì những lý do kinh tế và chiến lược. Tuy nhiên, cho đến nay, nhu cầu USD trên toàn cầu không có dấu hiệu giảm. Dù vậy, Mỹ vẫn có thể mất quy chế phát hành đồng tiền dự trữ chủ đạo trên thế giới theo một cách khác: Mỹ có thể tự nguyện từ bỏ bá quyền đồng USD vì giá kinh tế và chính trị nội bộ đã trở nên quá cao. Dưới chính quyền Trump, Mỹ đã từ bỏ các cam kết an ninh đa phương khiến nhiều nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tranh luận liệu có phải Mỹ đang từ bỏ bá quyền theo nghĩa chiến lược lớn. Mỹ có thể từ bỏ bá quyền đồng USD theo cách tương tự, thậm chí ngay cả khi phần còn lại của thế giới muốn Mỹ duy trì vai trò của đồng USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu, giống như khi thế giới muốn Mỹ tiếp tục bảo đảm an ninh toàn cầu và Washington quyết định không thể tiếp tục như trước.
Giá của sự thống trị của đồng USD. Sự thống trị của đồng USD xuất phát từ lực cầu trên toàn thế giới. Dòng tiền từ nước ngoài đổ vào Mỹ vì đây là địa điểm an toàn và vì không có nhiều lựa chọn khác. Lượng tiền này lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu tài chính thương mại và khiến Mỹ thâm hụt lớn tài khoản vãng lai. Nói một cách khác, không phải nước Mỹ sống vượt quá nguồn lực tài chính của mình mà Mỹ đang chứa chấp tư bản thặng dư của thế giới. Bá quyền USD cũng có những hậu quả phân phối nội bộ, tạo ra bên thắng là những ngân hàng và bên thua là các nhà sản xuất và người lao động. Lực cầu làm tăng giá đồng USD, tăng giá xuất khẩu hàng hóa Mỹ dẫn đến thiệt hại thu nhập và việc làm trong ngành sản xuất chế tạo. Điều này đặc biệt tổn hại đối với các bang miền Trung Tây, nơi chịu hậu quả kinh tế xã hội nặng nề dẫn đến phân cực chính trị. Không ngạc nhiên là những bang bị tác động nặng nề nhất của việc dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài đã bầu cho Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2016. Phí tổn nội bộ để điều tiết dòng tiền lớn từ nước ngoài sẽ tiếp tục tăng và có khả năng gây bất ổn cho nước Mỹ trong tương lai. Khi kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác tiếp tục tăng trưởng và tỷ trọng kinh tế Mỹ trong kinh tế toàn cầu tiếp đà suy giảm, dòng tư bản đổ vào Mỹ sẽ tăng trong tương quan với nền kinh tế thực. Điều này sẽ làm trầm trọng hơn những hậu quả phân phối, phục vụ lợi ích của các thiết chế trung gian tài chính và gây tổn hại cho cơ sở công nghiệp của Mỹ.
Tiền lệ nước Anh. Mỹ không phải là cường quốc đầu tiên từ bỏ sự thống trị tiền tệ. Từ giữa thế kỷ 19 đến Thế chiến lần thứ I, Vương quốc Anh là chủ nợ lớn nhất thế giới và đồng Bảng là đồng tiền thanh toán chủ đạo trong giao dịch thương mại quốc tế. Trong thời kỳ này, giá trị đồng tiền được gắn với vàng, gọi là chế độ bản vị vàng vì nước Anh có dự trữ vàng lớn nhất thế giới và các nước khác dự trữ vàng hoặc đồng Bảng. Trong nửa đầu thế kỷ XX, kinh tế Anh suy giảm và xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh. Anh cùng với một số nước quyết định ngừng chế độ bản vị vàng trong Thế chiến I. Đến sau Thế chiến I, nước Anh trở thành con nợ và nước Mỹ với dự trữ vàng mới tích lũy khổng lồ, thay thế Anh trở thành chủ nợ chính của thế giới. Năm 1902, Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách các thuộc địa của Anh Joseph Chamberlain đã nổi tiếng với mô tả nước Anh lúc đó là “người khổng lồ mệt mỏi”. Ngày nay, miêu tả này thích hợp đối với nước Mỹ khi nền kinh tế suy yếu tương đối sơ với các cường quốc khác đặc biệt là Trung Quốc. Các học giả quan hệ quốc tế và phân tích chính sách đối ngoại tranh luận về quy mô và mức độ của sự suy yếu của Mỹ và thậm chí bàn thảo về triển vọng thế giới “hậu Mỹ”. Một số lập luận dưới chính quyền Trump, Mỹ đã chủ ý từ bỏ dự án “bá quyền tự do” thông qua việc tạo ra sự mập mờ trong cam kết an ninh của Mỹ. Số khác cho rằng Mỹ rời bỏ bá quyền như một phần trong kế hoạch cắt giảm cơ cấu dài hạn. Dù là kịch bản nào cũng có thể được hiểu Mỹ sẽ theo tiền lệ của nước Anh và sẽ tự nguyện từ bỏ bá quyền tiền tệ. Điều ngạc nhiên là việc liệu điều này có xảy ra và sẽ xảy ra như thế nào hầu như chưa được bàn tới.
Trường hợp áp thuế đối với nguồn tiền đầu cơ. Vào thời điểm hiện nay, hơn bao giờ hết, đồng USD vẫn giữ vị trí thống trị. Ngay cả khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, hàng triệu người mất việc làm, lực cầu USD vẫn tăng, đúng như thời kỳ sau khủng hoảng tài chính 2008. Các công ty nước ngoài bán tháo một loạt trái phiếu CP Mỹ vào tháng 3/2020 nhưng để đổi lại lấy USD. Cục Dự trữ Liên bang (FED) bơm hàng nghìn tỷ USD vào kinh tế toàn cầu để ngăn chặn sự tắc nghẽn của các thị trường tài chính quốc tế, mở rộng hệ thống mức tín dụng hoán đổi với các Ngân hàng TW như đã làm năm 2008. Ngay cả khi các biện pháp ứng phó với đại dịch của chính quyền Trump thất bại, cùng cố quan điểm Mỹ là cường quốc suy yếu, hành động của FED và các nhà đầu tư trên thế giới càng cho thấy rõ vai trò trung tâm của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu. Dù vậy, điều này không thể trấn an được nước Mỹ. Dòng tiền đổ vào Mỹ sẽ tiếp tục làm tổn hại các nhà sản xuất và suy thoái kinh tế do đại dịch sẽ càng làm trầm trọng tình cảnh của người lao động. Để giảm thiểu áp lực kinh tế, chính trị gia tăng ở vùng Rust Belt, Mỹ cần xem xét việc tăng cường hạn chế nhập khẩu vốn, có thể là bằng cách hạn chế việc bơm tiền vào kinh tế toàn cầu, nâng giá trị đồng USD tới mức các nhà đầu tư nước ngoài không muốn mua. Như vậy, thương mại Mỹ sẽ giảm tính cạnh tranh nhưng sẽ giúp giảm lạm phát vốn đã rất thấp.
Ngược lại, Mỹ có thể vô hiệu hóa lời kêu gọi giảm vai trò toàn cầu của đồng USD từ những nước như Trung Quốc và EU. Hiện không có nước kế nhiệm rõ ràng đối với vai trò của Mỹ, nhà cung ứng đồng tiền dự trữ chủ đạo thế giới. Để vốn tư bản có thể di chuyển tự do vào, ra khỏi Trung Quốc đòi hỏi sự cải tổ cơ bản nền kinh tế Trung Quốc, một vấn đề chính trị khó khăn. Eurozone cũng chưa thể đảm nhiệm khi tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và tư bản. Tuy nhiên, việc thiếu vắng một nước kế nhiệm rõ ràng chưa hẳn đã khiến Mỹ ngừng việc từ bỏ bá quyền đồng USD. Mỹ có thể sẽ áp thuế trừng phạt các khoản đầu tư nước ngoài có tính chất đầu cơ ngắn hạn. Chính sách này sẽ xử lý tận gốc mất cân bằng thương mại thông qua hạn chế dòng vốn chảy vào (rào cản thương mại chỉ tác động đến triệu chứng chứ không phải nguyên nhân), giảm thiểu sự phản đối thương mại tự do hiện nay và lợi nhuận thiếu hiệu quả kinh tế của các thể chế tài chính.
Trong một kịch bản lạc quan, ba trung tâm kinh tế thế giới là Trung Quốc, Mỹ và EU – sẽ thống nhất tạo dựng một rổ tiền tệ tương tự các quyền rút vốn đặc biệt của IMF, và trao quyền cho IMF điều tiết hoặc thành lập một thể chế tiền tệ quốc tế mới để thực hiện việc điều tiết này. Theo kịch bản bi quan hơn và cũng nhiều khả năng xảy ra hơn là căng thẳng đặc biệt giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ việc hợp tác bất khả thi và tăng khả năng xung đột giữa các cường quốc xung quanh các vấn đề kinh tế. Ngay cả khi không thể tìm được một giải pháp hợp tác, việc Mỹ đơn phương từ bỏ bá quyền đồng USD vẫn có thể hợp lý vì như vậy, sẽ buộc Trung Quốc và Eurozone triển khai sử dụng nguồn tiết kiệm dồi dào tại thị trường nội địa, đòi hỏi những nước này có những điều chỉnh lớn đối với mô hình phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng cân bằng và công bằng hơn. Nó cũng sẽ hạn chế nguồn lợi nhuận quá mức của các trung gian tài chính Mỹ, mang lại lợi ích cho người lao động và tăng tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Mỹ. Nói tóm lại, từ bỏ bá quyền đồng USD có thể tạo điều kiện tăng cường sự ổn định và công bằng hơn cho nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Sỹ)