Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và tác động đến các nước ASEAN

0
71
  1. Diễn biến cuộc chiến thương mại

Từ ngày 24/9/2018, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt đầu bước sang giai đoạn II, khi biện pháp áp thuế lần thứ hai của Mỹ đã nâng tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bị tăng thuế lên 250 tỷ USD và Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế lên 110 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Trước đó, ngày 23/7/2018, Chính phủ Trung Quốc quyết định triển khai kế hoạch cung cấp một gói chính sách giảm thuế và tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng dưới dạng trái phiếu đặc biệt trị giá 1,35 nghìn tỷ nhân dân tệ (gần 200 tỷ USD) cho chính quyền địa phương các cấp để giúp nền kinh tế đối phó với “một môi trường bên ngoài đầy bất ổn”. Cũng trong ngày 23/7, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) tiếp tục tung ra 502 tỷ nhân dân tệ (73,9 tỷ USD) để bổ sung thanh khoản cho các ngân hàng lớn, sau khi cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và hàng loạt biện pháp nới lỏng tiền tệ khác. Chưa hết, ngày 07/10/2018, PBC tuyên bố sẽ cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc 1% từ ngày 15/10/2018 để giảm chi phí tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, tỷ lệ dự trữ là 15,5% đối với ngân hàng lớn và 13,5% đối với ngân hàng nhỏ. Đây là đợt cắt giảm thứ 4 trong năm 2018, góp phần giải phóng thêm 750 tỷ CNY (109,2 tỷ USD) để các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng và hạn chế tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Liên quan đến động thái này của PBC, Thời báo Toàn cầu đã đăng tải thông điệp của Chính phủ là, Trung Quốc phải tiến hành các biện pháp kích thích mạnh mẽ để hỗ trợ tăng trưởng.

Động thái chính sách của Trung Quốc đã phát tín hiệu về xu hướng chuyển dịch chính sách từ ưu tiên cắt giảm nợ nần sang hỗ trợ trong cuộc chiến thương mại, trong khi gánh nặng nợ nần tại Trung Quốc đang tăng cao, cả nợ công và nợ doanh nghiệp. Điều này cho thấy, Trung Quốc dường như đang áp dụng chính sách làm cho các doanh nghiệp nhà nước lớn hơn và mạnh mẽ hơn. Kỳ vọng về “phao cứu sinh” này, nhiều doanh nghiệp có mức xếp hạng tín dụng thấp đã từ bỏ kế hoạch để trả nợ.

Theo kết quả khảo sát gần đây của Bloomberg, căng thẳng thương mại sẽ khiến GDP của Trung Quốc được dự báo chỉ tăng 6,3% trong năm 2018, thấp hơn so với 6,6% năm 2017.

Trong phiên giao dịch ngày 10/9/2018, các thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm về mức điểm chỉ cao hơn khoảng 15 điểm so với mức đáy thiết lập vào năm 2016, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố là sẽ đánh thuế lên 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải Composite có lúc giảm xuống 2.678,9 điểm, gần chạm đáy 2.655,66 điểm vào tháng 01/2016.

Chưa dừng lại ở đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 17/9 tiếp tục giảm sâu, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump chính thức áp đặt mức thuế mới lên khoảng 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 24/9/2018. Chỉ số Thượng Hải Composite giảm 29,85 điểm (1,11%) xuống 2.651,79 điểm, xuyên thủng mức đáy 2.655,66 điểm vào ngày 28/01/2016, và là mức thấp nhất kể từ năm 2014. Tính đến nay, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã ghi nhận bốn quý giảm liên tiếp, chuỗi thời gian giảm dài nhất kể từ năm 2008. Tương tự, chỉ số chứng khoán Thâm Quyến Composite giảm 21,53 điểm, xuống 3.141,40 điểm, giảm 27,29% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số Hangseng tại Hồng Kông giảm 353,56 điểm, xuống 26.932,85 điểm, giảm 9,98% so với cùng kỳ năm 2017.

Phiên bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong ngày 10/9/2018 đã khiến thị trường chứng khoán châu Á xuống mức thấp nhất 14 tháng qua, khi giới đầu tư lo ngại về cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong số này, chỉ số chứng khoán Hồng Kông Hangseng giảm trên 19% so với đỉnh cao đạt được vào tháng 01/2018.

Trong phiên giao dịch ngày 08/10/2018, hầu hết các thị trường chứng khoán toàn cầu đều giảm điểm, thị trường chứng khoán các nước mới nổi giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng qua. Nguyên nhân cơ bản bắt nguồn từ một số diễn biến trong tuần lễ 01-05/10/2018 đã đẩy quan hệ giữa hai nước xuống cấp độ thấp hơn, sau khi Mỹ phát hiện Trung Quốc đã cài chip gián điệp vào hệ thống máy tính và điện thoại của Mỹ và những tuyên bố cứng rắn của Phó Tổng thống Mỹ cũng như những đối sách của Trung Quốc như tiếp tục bơm vốn vào nền kinh tế.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở thành một trong những mối lo ngại lớn nhất của các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc, tiếp đến là xu hướng mất giá của đồng nhân dân tệ, xói mòn nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa thị trường chứng khoán trở thành một kênh huy động vốn ổn định cho doanh nghiệp trong nước.

Trong tuần lễ (từ 23-27/7), CNY có lúc đã giảm xuống 6,8349 CNY/USD. Đây là ngưỡng tỷ giá sẽ buộc PBC phải sớm can thiệp để tránh CNY rơi xuống tỷ giá 7,00 CNY/USD. Sau khi Mỹ áp thuế vòng hai lên 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, CNY tiếp tục trượt dốc và ngày 09/10 đã lập đáy mới 6,930 CNY/USD, khi tỷ giá tham chiếu do PBC công bố giảm xuống 6,9019 CNY/USD, và các nhà đầu tư tháo chạy ồ ạt khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc. Đến cuối tháng 10/2018, tỷ giá tham chiếu tiếp tục giảm xuống dưới ngưỡng 6,94 CNY/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 01/2017.

Xu hướng mất giá của CNY và thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm đã khiến các nhà đầu tư phải thận trọng. Đáng chú ý, áp lực giảm trên thị trường bất động sản có nguy cơ sẽ tăng lên, khả năng tháo chạy các dòng vốn lớn ngày càng hiện hữu, mặc dù giá bất động sản vẫn ở mức cao. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn tin rằng, với nguồn dự trữ ngoại tệ trên 3.000 tỷ USD và tiếp tục tăng, các nhà chức trách vẫn có đủ khả năng can thiệp trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, tỷ giá sụt giảm và những chao đảo trên thị trường chứng khoán đang tác động tiêu cực đến nguồn dự trữ quan trọng này. Sau khi tăng lên 3,82 nghìn tỷ USD trong tháng 7, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm trong tháng 8 xuống 3,11 nghìn tỷ USD.

  1. Tác động đến các nước ASEAN

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc có thể can thiệp để kiềm chế tỷ giá ở mức an toàn, nhưng đà trượt giá của CNY đang gây rủi ro cho hầu hết các nước ASEAN, do các mối quan hệ thương mại và đầu tư khá chặt chẽ với Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN và đứng thứ tư trong nhóm các nước có vốn FDI vào ASEAN. Tính đến tháng 5/2017, lượng vốn FDI hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN đạt trên 183 tỷ USD, đầu tư của các nước ASEAN sang Trung Quốc đạt 108 tỷ USD.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, kim ngạch thương mại ASEAN – Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong năm 2017 với tổng giá trị 514,8 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2016. Trong đó, các nước ASEAN xuất khẩu sang Trung Quốc 279,1 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2016; giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 20% lên 235,7 tỷ USD. Tính theo kim ngạch xuất nhập khẩu, ASEAN là đối tác thương mại xếp thứ ba của Trung Quốc, và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN.

Do mối quan hệ thương mại – đầu tư khá chặt chẽ, động thái của Trung Quốc về giảm thuế trên 1.500 mặt hàng nhập khẩu sẽ có tác dụng chia sẻ khó khăn cho các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh nhập khẩu, nhất là nguyên liệu thô từ nhiều nước ASEAN. Đến lượt nó, doanh thu xuất khẩu tăng cũng khuyến khích các nước ASEAN đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc.

Cho đến ngày 13/6/2018, hầu hết các đồng tiền châu Á vẫn giữ được giá trị sau khi giảm nhẹ vào tháng 02/2018, một phần là do CNY chỉ mất giá nhẹ, trong bối cảnh hầu hết các nước châu Á có mối liên hệ chặt chẽ về thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình có vẻ đã thay đổi, khi Trung Quốc tiếp tục nới lỏng tiền tệ nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bên cạnh việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế, PBC đã quyết định giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc, đẩy CNY tuột dốc và đã mất giá tới 5,0% so với ngày 13/6, nhấn chìm các nỗ lực củng cố CNY trong những tháng đầu năm. Do có mối quan hệ khá chặt chẽ về thương mại và đầu tư với Trung Quốc, CNY mất giá đã ảnh hưởng đến hầu hết các đồng tiền châu Á, kể cả won Hàn Quốc và dollar Singapore.

Trong thời gian 13/6-13/7/2018, USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới, đặc biệt là các đồng tiền tại châu Á. Trong số này, đồng kyat của Myanmar ghi nhận mức suy giảm sâu nhất với 5,72%, tiếp đến là nhân dân tệ (4,98%), won Hàn Quốc (4,61%), baht Thái Lan (3,64%), rupiah Indonesia (3,27%), dollar Singapore (2,27%), ringgit Malaysia (1,45%), VND (1,05%), peso Philippines (0,56%). Nếu so với đầu năm, đồng rupee của Ấn Độ ghi nhận mức suy giảm sâu nhất (7,45%), với tỷ giá cuối ngày 19/7/2018 trên thị trường tài chính Phố Wall là 68,445 INR/USD; tiếp đến là peso Philippines (7,08%), với tỷ giá 53,522 PHP/USD; rupiah Indonesia (6,03%), với tỷ giá 14.475 IDR/USD; kyat Myanmar (4,64%), với tỷ giá 1.422 MMK/USD; nhân dân tệ (3,05%), với tỷ giá 6,7757 CNY/USD; baht Thái Lan (2,30%), với tỷ giá 33,43 THB/USD; dollar Singapore (2,13%) với tỷ giá 1,3694 SGD/USD; ring­git Malaysia (0,80%), với tỷ giá 4,0625 MYR/USD.

Từ ngày 26/9/2018, áp lực mất giá bản tệ tiếp tục tăng cao, sau khi Fed tiến hành đợt tăng lãi suất lần thứ ba lên 2,0-2,25%. Theo thống kê của Central Bank News, trong hai ngày 26-27/9, động thái của Fed đã buộc 8 Ngân hàng trung ương (NHTW) phải tăng lãi suất, đưa tổng số 12 NHTW quyết định nâng lãi suất trong tháng 9 qua, trong số này có một số nước ASEAN.

Tại châu Á, NHTW Philippines tăng lãi suất cơ bản từ 4,0% lên 4,5%, nâng tổng mức lãi suất tăng thêm từ đầu năm đến nay lên 1,5%. Tính từ đầu năm đến nay, đồng peso đã mất giá trên 8%; NHTW Indonesia tăng lãi suất cơ bản từ 5,5% lên 7,75%. Indonesia tăng lãi suất cơ bản từ 5,5% lên 7,75%, đây là đợt tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, đồng rupiah đã mất giá khoảng 10%, xuống dưới ngưỡng 15.000 IDR/USD, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á tháng 7/1998. Hai đồng tiền mới nổi này ghi nhận mức sụt giá sâu nhất, chỉ đứng sau mức suy giảm 15% của đồng rupee Ấn Độ.

Ngày 22/10, Bloomberg dẫn báo cáo của khuyên gia Kim Eng đến từ Maybank cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang thu hút thêm nhiều công ty đến mở nhà máy ở Đông Nam Á để tránh hàng rào thuế quan. Trong 9 tháng đầu năm 2018, dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực chế biến – chế tạo tại Việt Nam trong tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, nhờ những dự án đầu tư lớn như nhà máy sản xuất polypropylene trị giá 1,2 tỷ USD của tập đoàn Hàn Quốc Hyosung. Trong 7 tháng đầu năm 2018, lượng vốn FDI ròng đổ vào Thái Lan đạt 7,6 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, riêng dòng vốn chảy vào ngành chế biến – chế tạo tăng gấp gần 5 lần. Tại Philippines, lượng vốn FDI ròng chảy vào ngành chế biến – chế tạo tăng vọt lên 861 triệu USD trong 7 tháng, từ mức chỉ 144 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Theo một cuộc khảo sát thực hiện trong thời gian từ 29/8-5/9, khoảng 1/3 trong số hơn 430 công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cho biết, đã hoặc đang cân nhắc chuyển sản xuất sang một quốc gia khác trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Điều này có thể có lợi cho các nước ASEAN.

Tuy nhiên, chắc chắn là Đông Nam Á không thể “miễn nhiễm” khỏi những tác động bất lợi của cuộc chiến thương mại. Dữ liệu thống kê ngày 22/10 cho thấy, xuất khẩu của Thái Lan bất ngờ giảm trong tháng 9 với mức suy giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng giảm đầu tiên trong 19 tháng. Trong tháng 8/2018, xuất khẩu của Thái Lan tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cảo cập nhật mới nhất về triển vọng kinh tế khu vực, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo GDP năm 2019 tại Trung Quốc xuống 6,2%, giảm 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2018; điều chỉnh giảm GDP tại các nước ASEAN năm 2018 và 2019 lần lượt xuống mức tăng trưởng 5,2% và 5,1%, giảm 0,1% và 0,2% so với dự báo trước đó. Đáng chú ý, IMF giảm 0,6% và 0,4% dự báo GDP năm 2018 và 2019 tại Malaysia lần lượt xuống mức tăng trưởng 4,7% và 4,6%, đây là quốc gia có quan hệ thương mại – đầu tư khá chặt chẽ với Trung Quốc.

Tại Việt Nam, sau đợt giảm cặp lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn hồi tháng 7/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, VND ghi nhận mức giảm giá thấp nhất so với hầu hết những đồng tiền khác trong khu vực. Tuy nhiên, xu hướng mất giá CNY sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chủ yếu là nguyên liệu thô như dầu thô, xi măng, than đá và nhiều loại khoáng sản quan trọng khác. Thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm qua, khi hầu như toàn bộ nguyên liệu thô được xuất sang thị trường này với giá cả được cho là rất rẻ mạt.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùngkỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 28,1 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang Mỹ đạt 34,9 tỷ USD, tăng 12,5%, cao hơn 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 47,1 tỷ USD, nhập khẩu từ Mỹ đạt 9,7 tỷ USD. Diễn biến xuất nhập khẩu có dấu hiệu điều chỉnh tích cực (tăng cường xuất khẩu vào Trung Quốc đồng thời hạn chế nhập khẩu từ thị trường này, xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng thấp hơn so với nhập khẩu khẩu từ thị trường này), phản ánh động thái thận trọng của các doanh nghiệp Việt Nam, do CNY có thể bất ngờ giảm sâu. Trên thực tế, phần lớn hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công, hoàn thiện một vài khâu cuối cùng của quá trình sản xuất với giá trị gia tăng rất thấp, nhất là đóng gói sản phẩm. Vì thế, hoạt động tạm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc để tiếp tục xuất khẩu sang những thị trường khác đang tiềm ẩn rủi ro thua lỗ trầm trọng. Điều đáng lo ngại hiện nay là thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn ở mức cao, thiếu cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc nhìn chung là cực kỳ khó khăn, phản ánh tình trạng thiếu bình đẳng quá mức trong quan hệ thương mại song phương.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam có thể bị tổn thương trầm trọng, nếu Mỹ đánh giá lại chế độ ưu đãi thuế quan (GSP) dành cho các nước đối tác, đây là chương trình được khởi xướng từ tháng 10/2017, và đợt đánh giá đầu tiên sẽ nhắm vào 25 quốc gia tại châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, Việt Nam nằm trong top 16 quốc gia trên thế giới có thặng dư thương mại cao so với Mỹ.

Về hoạt động đầu tư, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam trước năm 2010 khá khiêm tốn, nhưng sau đó bắt đầu tăng mạnh với tốc độ tăng bình quân hàng năm lên tới 18%, nhanh chóng vươn lên top 10 quốc gia và hiện đang đứng thứ 4 trong nhóm các nước có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam.

Theo dữ liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 25,37 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn đầu tư từ Trung Quốc đã vươn lên xếp thứ 6 trong số các quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam. Nếu tính theo số dự án, Trung Quốc xếp thứ 3, chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc.

Xu hướng gia tăng dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam phản ánh quan điểm chiến lược của Chính phủ Trung Quốc là khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để thu lợi từ cổ tức, bù đắp cho những khó khăn ở trong nước do thách thức ngày càng tăng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trong chiến lược này, Việt Nam được coi là điểm đến quan trọng hàng đầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp Mỹ và các nước sẽ chuyển dịch dự án đầu tư và sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động bất lợi của hàng rào thuế quan. Điều này có lợi cho các nước trong khu vực ASEAN và Việt Nam. Tuy nhiên, những vụ thua lỗ của hàng loạt dự án làm ăn với Trung Quốc trong quá khứ được coi là bài học đắt giá, và các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng khi nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc, cũng như việc đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, nhằm tránh những hậu họa và tai tiếng về sau. Từ đầu năm đến nay, VND chỉ mất giá khoảng 2,5% so với USD, trong khi CNY trượt giá trên 5,0%. Như vậy, VND đã tăng giá đáng kể so với CNY. Nếu để VND trượt giá theo CNY, dòng vốn ra sẽ tăng mạnh, và nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung còn kéo dài và tình hình kinh tế có vẻ ngày càng xấu đi tại Trung Quốc, các biện pháp kiềm chế tỷ giá so với USD ở mức nào đó có thể sẽ giúp ổn định thị trường, nhưng quan trọng hơn là phải có cách thức quản lý ngoại hối và chính sách kinh tế vĩ mô thích hợp trong một thế giới đang có quá nhiều biến động./.

Vũ Xuân Thanh (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 12-2018)

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here