Thực hiện “Tự trị thôn dân” trong xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc (Phần cuối)

0
54
Ảnh minh họa

2. Tự trị thôn dân trong xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc

Hội nghị Trung ương 5 khóa XVI (10-2005) Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra chủ trương xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa. Hội nghị chỉ rõ: “Từ yêu cầu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, phát triển văn minh nông thôn, quản lý dân chủ, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa”. Với bốn nội dung cơ bản là phát triển kinh tế, thực hiện dân chủ pháp quyền, phát triển văn hóa, phát triển xã hội và xây dựng pháp quyền, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thực hiện tự trị thôn dân, quản lý dân chủ ở cơ sở vùng nông thôn vừa là một nội dung của xây dựng nông thôn mới, vừa là một nhân tố quan trọng đảm bảo cho tính bền vững của công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc. Nghiên cứu hàng nghìn thôn/làng điển hình về xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc cũng cho thấy đây cũng là những thôn/làng điển hình về thực hiện dân chủ pháp quyền và coi trọng việc vận dụng cơ chế tự trị thôn dân vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Việc vận dụng cơ chế tự trị thôn dân trong xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, thông qua bầu cử dân chủ để lựa chọn ra Ủy ban thôn dân có năng lực và phẩm chất triển khai, tổ chức xây dựng nông thôn mới. Giống như Nhật Bản và Hàn Quốc, xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc cũng lấy xây dựng và phát triển thôn/làng làm cơ sở. Tuy nhiên, khác với Phong trào Làng mới của Hàn Quốc trước đây, khi việc tổ chức triển khai Phong trào Làng mới không phải do Trưởng thôn phụ trách mà do hai lãnh đạo do dân bầu ra phụ trách; ở Trung Quốc, Ủy ban thôn dân vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý ở thôn theo quy định, vừa là chủ thể trực tiếp phụ trách nhiều nội dung về xây dựng nông thôn mới. Để có thể bầu ra Ủy ban thôn dân (Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm và các ủy viên), trên cơ sở Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân, nhiều thôn/làng ở Trung Quốc đã thông qua bầu cử dân chủ để lựa chọn ra những người xứng đáng vào Ủy ban thôn dân. Trước bầu cử, chính quyền xã và đội ngũ cán bộ thôn đã coi trọng việc tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về các văn bản luật và quy định có liên quan, nhất là “Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân” và “Luật bầu cử Ủy ban thôn dân”, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của quần chúng đối với tầm quan trọng của công tác bầu cử, cũng như quyền và nghĩa vụ của thôn dân trong bầu cử. Với trình tự luật định, việc bầu cử Ủy ban thôn dân được thực hiện theo phương thức trực tiếp, bỏ phiếu kín, có số dư, nhờ đó đã làm cho người dân trong thôn có thể lựa chọn ra những thành viên có phẩm chất, đảm bảo về trình độ văn hóa. Sau khi được bầu, đội ngũ cán bộ thuộc Ủy ban thôn dân được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về nhiều mặt; đồng thời được sự hỗ trợ của đội ngũ nhân viên kỹ thuật phụ trách về xây dựng nông thôn mới của cấp xã trong quá trình triển khai các nhiệm vụ có liên quan về xây dựng nông thôn mới. Ủy ban thôn dân cũng phối hợp chặt chẽ với Chi ủy Chi bộ thôn trong quản lý và phụ trách các công việc trong phạm vi thôn.

Thứ hai, thông qua quyết sách dân chủ để đảm bảo quyền thảo luận, quyết định và lựa chọn của thôn dân về các vấn đề có liên quan, nhất là các dự án về xây dựng nông thôn mới. Trong những năm đầu của xây dựng nông thôn mới, do nhiều nguyên nhân nên nhiều địa phương ở Trung Quốc, chính quyền cơ sở đã chưa coi trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, chưa tôn trọng quyền quyết định của người dân ở thôn/làng trong các dự án xây dựng nông thôn mới. Ở một số địa phương, xây dựng nông thôn mới là ý chí của chính quyền, xung quanh các vấn đề như làm dự án nào trước, dự án nào sau, làm cái gì và không làm cái gì đều do chính quyền “quyết”. Điều này đã không mang lại hiệu quả và tính bền vững của xây dựng nông thôn mới. Để khắc phục điều này, trong những năm gần đây, trên cơ sở “Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân”, nhiều địa phương đã thực hiện theo nguyên tắc “nhất sự nhất nghị” – tức bất cứ việc gì liên quan đến cuộc sống và lợi ích của người dân ở thôn đều phải do người dân ở thôn thảo luận và quyết định. Theo đó, nhiều thôn/làng, Ủy ban thôn dân đã triệu tập Hội nghị thôn dân hoặc Hội nghị đại biểu thôn dân để người dân thảo luận và quyết định đối với các công việc lớn, quan trọng ở thôn, nhất là các công việc liên quan mật thiết đến lợi ích và cuộc sống của người dân ở thôn, chẳng hạn như làm đường, sửa đường, sinh đẻ có kế hoạch, thu chi tài chính, hỗ trợ cho các hộ khó khăn ở trong thôn, thu hồi đất, đền bù và giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, việc xác định “mỗi thôn làng một báu vật” cũng thông qua sự thảo luận và quyết định của người dân trong thôn/làng.

Thứ ba, thực hiện quản lý dân chủ nhằm phát huy tốt tinh thần tự quản của người dân ở thôn. Trên cơ sở “Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân”, nhiều địa phương của Trung Quốc đã coi trọng thực hiện quản lý dân chủ nhằm phát huy tinh thần tự quản của người dân. Theo đó, nhiều thôn/làng đã xây dựng nên “Điều lệ tự trị thôn dân”, “Hương ước làng”, “Quy ước làng”. Theo đó, trên cơ sở “Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân” và từ điều kiện cụ thể của từng thôn/làng, “Điều lệ tự trị thôn dân” của các thôn/làng đã quy định rõ về trình tự, quyền hạn, phương thức hoạt động của tự trị thôn dân cũng như quyền hạn, phạm vi trách nhiệm, nhiệm vụ của Ủy ban thôn dân và các cán bộ có liên quan. Dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính hợp pháp, tính toàn diện, tính khả thi và tính dân chủ, Hương ước, Quy ước do thôn/làng ban hành ra đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của thôn dân và các yêu cầu trên các phương diện về quản lý kinh tế, trị an xã hội, xây dựng văn hóa, hôn nhân gia đình, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường… Điều lệ tự trị thôn dân, hương ước và quy ước đã có tác dụng điều chỉnh đối với mọi hoạt động của thôn, phát huy tinh thần tự giác, tự quản của cư dân thôn trong xây dựng thôn/làng văn minh, giàu đẹp.

Dựa trên Điều lệ tự trị thôn dân, hương ước, quy ước, các thôn đã triển khai các hoạt động về giáo dục pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh trật tự.Về tuyên truyền, giáo dục pháp luật và giữ gìn an ninh trật tự, các thôn/làng đã đề ra kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật trong từng năm, trên cơ sở đó thông qua các hình thức, như hình thành mạng lưới phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng thư viện pháp luật, mở lớp bồi dưỡng pháp luật, cung cấp tài liệu pháp luật miễn phí cho người dân, triển khai tư vấn pháp luật… để tuyên truyền, giáo dục cho thôn dân về các chủ trương cơ bản của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là tuyên truyền cho người dân về hiến pháp, Luật Nông nghiệp, Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân, các quy định pháp luật về sản xuất nông nghiệp, về hôn nhân gia đình, về kế hoạch hóa gia đình…Nhiều thôn đã sử dụng trung tâm văn hóa thôn để mở các lớp phổ biến, giáo dục pháp luật cho thôn dân. Chẳng hạn, trong hai năm 2013-2014, thôn Thượng Cam Đường, xã Hạ Tầng Phổ, huyện GiangVĩnh, tỉnh Hồ Nam đã mở 16 lớp phổ biến, giáo dục pháp luật cho thôn dân tại trung tâm văn hóa thôn, với 6.000 lượt người tham gia, phát miễn phí 3.000 cuốn sách phổ biến, giáo dục pháp luật cho thôn dân. Việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật đã góp phần làm cho đội ngũ cán bộ thôn thực hiện quản lý theo pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân. Bên cạnh lập phòng tư vấn pháp luật, các thôn còn xây dựng và kiện toàn mạng lưới tổ chức hòa giải, xây dựng phòng hòa giải. Bên cạnh đó, nhiều thôn đã xây dựng, hoàn thiện mạng lưới trị an, thiết lập đội ngũ phụ trách về an ninh trật tự. Về phát triển kinh tế, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các thôn ở Trung Quốc đều coi việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, các thôn đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm và hàng năm; đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, qua đó nhằm nâng cao thu nhập cho thôn dân. Chẳng hạn, trong 4 năm từ 2010-2014, thôn Zi teng-shu, xã Chuẩn Thành, khu Kiều Châu, tỉnh Sơn Đông đã thu hút được 12 dự án đầu tư với tổng số vốn 260 triệu NDT; tổng thu nhập của thôn vào năm 2010 là 19,8 triệu NDT; thu nhập thuần của kinh tế tập thể là 355.000 NDT; thu nhập thuần của người dân ở thôn không ngừng tăng lên (năm 2011 thu nhập bình quân của người nông dân đạt 1,2 vạn NDT); hộ kinh doanh cá thể không ngừng tăng lên, với tổng số vốn đăng ký mới của năm 2011 là hơn 86 triệuNDT; kinh tế hợp tác cũng phát triển với 05 hợp tác chuyên ngành”. Về phát triển xã hội,với tư cách là một trong các nội dung quan trọng của xây dựng nông thôn mới, các thôn/làng của Trung Quốc đã rất coi trọng việc đầu tư cho phát triển xã hội. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các thôn/làng đã tiến hành làm đường bê tông, lắp đèn thắp sáng ở các tuyến đường chính, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, vận động hộ gia đình xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, xây dựng trường học, nhà văn hóa, nhà tập luyện thể dục thể thao ở thôn. Chẳng hạn, từ năm 2010-2014, tổng số tiền mà Nhà nước và cư dân thôn Zi teng-shu, xã Chuẩn Thành, khu Kiều Châu, tỉnh Sơn Đông đầu tư cho các dự án xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng văn hóa – xã hội là hơn 100 triệu NDT. Cư dân các thôn/làng Trung Quốc cũng đã tích cực tham gia bảo vệ môi trường, nạo vét ao, sông, xử lý ruộng hoang hóa, chăm lo cho nhóm yếu thế (hộ nghèo, người tàn tật…), vận động thôn dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, trong đó nhiều thôn tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. Vê xây dựng thôn văn minh hài hòa, nhiều thôn/làng ở Trung Quốc đã triển khai các hoạt động khác nhau nhằm giáo dục, bồi dưỡng cho người dân tinh thần yêu nước, chủ nghĩa tập thể; triển khai nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh, tích cực triển khai cuộc vận động “hộ gia đình văn minh cấp 10 sao”, coi trọng giáo dục tư tưởng, đạo đức cho thanh thiếu niên, tuyên truyền rộng rãi cho thôn dân “Cương yếu thực thi xây dựng đạo đức công dân”.

Thứ tư, thực hiện công khai thông tín, đảm bảo quyền giám sát dân chủ của thôn dân. Trên cơ sở “Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân”, nhiều thôn/làng ở Trung Quốc đã thực hiện tốt “ba công khai” 1 công khai đang vụ (công khai hoạt động của Chi bộ đảng), công khai thôn vụ (công khai thông tin liên quan đến hoạt động của thôn), công khai tài vụ (công khai tài chính) nhằm đảm bảo tốt “quyền được biết” của thôn dân. Nếu trước đây, ở nhiều nơi, “trong thôn làm việc gì, quần chúng đều không biết, thì hiện nay, thông qua nhiều phương thức khác nhau, quần chúng đều được biết, bàn bạc, hơn nữa những vấn đề người dân phản ánh đã được quan tâm giải quyết”. Đứng ở góc độ cán bộ thôn, nếu trước đây, họ không quan tâm đến vấn đề công khai thông tin và lắng nghe dân, thì bây giờ “thôn dân muốn biết về vấn đề gì nhất, muốn thể hiện cái gì nhất, muốn trong tập thể thôn có được cái gì, chính là vấn đề cốt lõi mà chúng tôi ưu tiên và quan tâm nhất”. Nhờ vận dụng công khai thông tin vào quá trình triển khai, xây dựng nông thôn mới, người dân ở cấp thôn đã có thể tiếp cận được các thông tin liên quan đến các công việc, dự án về xây dựng nông thôn mới, về thu chi tài chính…theo quy định của pháp luật. Điều này giúp phát huy tốt hơn vai trò giám sát của thôn dân. Bên cạnh công khai thông tin, thông qua hội nghị thôn dân hoặc hội nghị đại biểu thôn dân, nhiều thôn/làng cũng đã thành lập tiểu ban giám sát, tổ giám sát Tiểu ban giám sát hoặc tổ giám sát chịutrách nhiệm trước toàn thể thôn dân về hoạt động giám sát của mình. Tiểu ban giám sát chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tài chính cấp thôn, việc chấp hành điều lệ tự trị thôn dân và tình hình thực hiện công khai thông tin. Ngoài ra, định kỳ, thông qua hội nghị thôn dân và hội nghị đại biểu thôn dân, người dân ở thôn còn tham gia đánh giá, nhận xét đối với hoạt động của cấp ủy đảng, Ủy ban thôn dân và Tiểu ban giám sát thôn dân. Việc thiết lập hòm thư để người dân có thể nêu lên các kiến nghị có liên quan và tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật của đội ngũ cán bộ thôn cũng được các thôn/làng coi trọng thực hiện.

3. Một số nhận xét

Cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản, xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc cũng lấy đơn vị thôn/làng làm cơ sở và xuất phát điểm.Chính điều này đã làm cho cơ chế tự trị thôn dân được phát huy đầy đủ trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tự trị thôn dân vừa là một nội dung quan trọng của xây dựng nông thôn mới, vừa là một nhân tố quan trọng thúc đẩy và bảo đảm tính bền vững của xây dựng nông thôn mới. Tuy do nhiều nguyên nhân nên ở một số địa phương việc thực hiện tự trị thôn dân vẫn còn một số vấn đề đặt ra, nhưng với việc nhấn mạnh dân chủ pháp quyền ở cấp thôn/làng trong xây dựng nông thôn mới và thông qua các biện pháp khác nhau để thực hiện tốt điều này, công cuộc xây dựng nông thôn mới đang tạo ra xung lực mới cho Trung Quốc trên con đường hiện đại hóa. Từ kinh nghiệm của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, nên chăng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần chuyển xây dựng nông thôn mới từ lấy xã làm cơ sở sang lấy thôn/làng/ấp làm cơ sở; nhấn mạnh hơn dân chủ pháp quyền với tư cách là một trong các nội dung quan trọng của xây dựng nông thôn mới; thể chế hóa “Quy chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để đảm bảo Quy chế này được thực hiện thực chất, có hiệu quả ở cấp thôn/làng/ấp./.

Bài viết của tác giả Nguyễn Trọng Bình được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 5 (200) 2018.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here