Cuộc chiến OPEC – dầu đá phiến Mỹ sắp trở lại?

0
94

Rủi ro lớn nhất đối với thị trường dầu lửa thế giới trong năm 2017 là khả năng xảy ra một cuộc chiến thị phần giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ.

Đây là nhận định được bà Kate Richard, Giám đốc điều hành (CEO) công ty đầu tư năng lượng Warwick Energy, đưa ra trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC. Nhận định được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô giao sau ở Mỹ có phiên giảm thứ 7 liên tiếp tính đến phiên giao dịch ngày 14/3, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016.

Nhằm giảm bớt tình trạng thừa dầu trên toàn cầu và vực dậy giá dầu, OPEC và một số nước sản xuất dầu lớn ngoài khối này, bao gồm Nga, vào cuối năm ngoái đã đạt một thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Thỏa thuận này đã giúp đưa giá dầu lên trên mức 50 USD/thùng và duy trì ngưỡng này cho tới tuần trước.

Tuy nhiên, giá dầu tăng đã giúp hoạt động khai thác dầu đá phiến ở Mỹ – ngành đòi hỏi chi phí sản xuất cao – có lãi trở lại. Do đó, hoạt động khai thác dầu đá phiến ở Mỹ đã phục hồi mạnh, đe dọa phá hỏng nỗ lực của OPEC nhằm lập lại sự cân bằng cung-cầu trên thị trường dầu vốn đang bị dư cung.

Ngoài ra, hoạt động gia tăng của các nhà khai thác dầu đá phiến cũng đe dọa sức khỏe nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu lửa của các nước thuộc OPEC.

“OPEC đã cho thấy rõ họ không thể chịu nổi mức giá dầu 40-50 USD/thùng. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu của Mỹ đã trở nên ngày càng hiệu quả trong 2 năm qua”, bà Richard nói.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã “điều chỉnh là cơ cấu chi phí, cắt giảm chi phí xuống mức rẻ hơn, nhờ đó trở nên hiệu quả hơn và thực sự có lãi khá với mức giá từ 40-50 USD/thùng dầu”, bà Richard phát biểu.

Tuy nhiên, vị CEO này cũng nhấn mạnh rằng không phải nhà sản xuất dầu đá phiến nào của Mỹ cũng “sống” được với mức giá dầu như trên. Chẳng hạn, các nhà khai thác dầu ở vùng Permian Basin của Texas hay vùng Scoop và Stack ở Oklahoma có thể có lãi với giá dầu 40-50 USD/thùng, nhưng các nhà khai thác dầu ở vùng phía Nam Permian và một số phần của vùng Rockies vẫn chật vật với mức giá như vậy.

Theo báo cáo mới nhất từ OPEC, sản lượng dầu của khối này giảm 139.500 thùng/ngày trong tháng 2 so với tháng 1. Trong đó, sản lượng dầu của Saudi Arabia, “anh cả” của OPEC, giảm 68.000 thùng/ngày. Đây là lần đầu tiên từ năm 2015, tổng sản lượng của OPEC giảm dưới 32 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của nước này vượt mức 9 triệu thùng/ngày trong tháng 2. Số lượng giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ hiện tăng gần gấp đôi so với hồi tháng 5 năm ngoái.

Trái với quan điểm của bà Richard, một số chuyên gia cho rằng khó có khả năng xảy ra một cuộc chiến thị phần mới giữa OPEC và các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, bởi loại dầu sản xuất ở Mỹ có thị trường hạn hẹp hơn.

Bên cạnh đó, cũng có những dấu hiệu cho thấy giá dầu có thể sớm phục hồi trong ngắn hạn, bao gồm việc OPEC mới đây điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu và nói rằng dự trữ dầu thô của nhiều nước ngoài Mỹ đang giảm dần.

Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, việc các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tăng sản lượng đang đặt OPEC vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Để “đấu” với các nhà khai thác dầu đá phiến, OPEC có thể sử dụng lại chiến lược hồi năm 2014: tăng mạnh sản lượng nhằm khiến giá dầu giảm sâu và các nhà khai thác dầu đá phiến không thể có lãi. Tuy nhiên, cách làm này có thể khiến nguồn thu của các nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu hao hụt chóng mặt.

Một cách khác là OPEC cắt giảm sản lượng mạnh hơn nữa để giảm tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu. Tuy nhiên, cách làm này đồng nghĩa với việc khuyến khích Iran và Iraq đẩy mạnh việc tăng sản lượng giữa lúc hai nước này vốn dĩ không muốn giảm sản lượng.

Trong bối cảnh như vậy, giá dầu thế giới vẫn đang chịu sức ép giảm. Vào tuần trước, giá dầu đã lần đầu tiên giảm dưới 50 USD/thùng từ năm ngoái. Trong phiên ngày 14/3, giá dầu thô tại thị trường Mỹ có lúc giảm 2,2%, còn 47,3 USD/thùng.

An Huy (VNeconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here