Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Bất chấp khó khăn, lạc quan tiến về phía trước

0
126
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trụ cột quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. (Nguồn: The Nation)
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trụ cột quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. (Nguồn: The Nation)

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế ASEAN vẫn nổi lên là một “điểm sáng” với nhiều những chỉ dấu lạc quan, trong đó có sự đóng góp tích cực của Việt Nam.

Trụ cột quan trọng

ASEAN đang duy trì đà xây dựng Cộng đồng thông qua thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và khởi động tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trụ cột quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đến nay, ASEAN đã triển khai được 88,3% trong trụ cột này.

Xét về khung lý thuyết, mặc dù mang tên “Cộng đồng kinh tế” song AEC thực chất chưa thể được coi là một cộng đồng kinh tế gắn kết như Cộng đồng châu Âu (EC) bởi AEC không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và những điều lệ, quy định có tính chất ràng buộc cao và rõ ràng như EC. AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một Thỏa thuận hay một Hiệp định với các cam kết ràng buộc thực chất. Tham gia vào các mục tiêu của AEC là hàng loạt các Hiệp định, Thỏa thuận, Chương trình, Sáng kiến, Tuyên bố… giữa các nước ASEAN có liên quan tới các mục tiêu này. Những văn bản này có thể bao gồm những cam kết có tính ràng buộc thực thi, cũng có những văn bản mang tính tuyên bố, mục tiêu hướng tới (không bắt buộc) của các nước ASEAN.

Rõ ràng, AEC thực chất là sự mở rộng về phạm vi và nâng cao về mức độ tự do hóa của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA), trong đó về cơ bản không còn thuế quan đối với hàng hóa và có sự lưu chuyển thông thoáng hơn về dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, có sự hợp tác khá chặt chẽ trong các lĩnh vực kinh tế ngành và kết nối đáng kể với nền kinh tế toàn cầu (chủ yếu thông qua các FTA với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới).

Thông qua thành lập AEC, ASEAN cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng các tiềm năng trong khu vực với tư cách là một điểm đến đầu tư thống nhất. Thay vì có 10 nền kinh tế bị phân mảnh, ASEAN đang tạo ra một thị trường duy nhất, cho phép các nhà đầu tư tăng phạm vi tiếp cận thị trường của họ lên tổng cộng hơn 650 triệu dân.

Bên cạnh đó, AEC cũng nhắm mục tiêu thành lập một cơ sở sản xuất duy nhất cho phép các doanh nghiệp khai thác các sản phẩm và dịch vụ bổ sung trong khu vực, từ đó thiết lập một mạng lưới các ngành công nghiệp trên khắp ASEAN và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tính đến thời điểm hiện tại, ASEAN đã có 6 FTA ASEAN+1 với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand; ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm 2020; ASEAN cũng đã cơ bản hoàn thành dỡ bỏ thuế cho 98,6% các dòng sản phẩm, trong đó các nước ASEAN-6 đã bỏ 99,3% các dòng thuế, các nước CLMV giảm 97,7%.

Mục tiêu đưa Hiệp hội trở thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất đang được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng như Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) và Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA),… gồm các nguyên tắc điều chỉnh thương mại nội khối dựa trên cơ sở các quy định của WTO và mức độ mở cửa thị trường rất cao.

Việt Nam tích cực đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế trong ASEAN. (Nguồn: vcci.vn)

Lạc quan về thị trường chung

Trả lời phỏng vấn EURACTIV trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN-EU vừa qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bày tỏ lạc quan với mục tiêu về thị trường duy nhất của ASEAN.

Thủ tướng Hun Sen cho rằng các công ty có trụ sở tại ASEAN có thể tiếp cận nguyên liệu thô, đầu vào sản xuất, dịch vụ, lao động và vốn ở bất cứ nơi nào trong ASEAN mà họ chọn để thiết lập hoạt động của mình. Cùng với đó, các doanh nghiệp và công ty có thể tiết kiệm chi phí sản xuất, tập trung vào chuyên môn hóa và/hoặc tối đa hóa lợi ích kinh tế nhờ quy mô.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đứng trước bờ vực suy thoái song theo Thủ tướng Hun Sen, ASEAN là một trong số ít điểm sáng với mức tăng trưởng cao, được dự đoán ở mốc 5% vào năm 2022, sau giảm nhẹ xuống còn 4,7% vào năm 2023, nhưng nhìn chung vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.

Khi cột mốc 2025 đang gần kề, Thủ tướng Hun Sen cho rằng ASEAN vẫn có lý do để lạc quan khi xét đến khả năng thích ứng và phục hồi của nền kinh tế. Theo dự báo của IMF, nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 2,5% trong năm 2023, mặc dù có khả năng mức tăng trưởng thực tế có thể thấp hơn nữa, xuống dưới 2%.

Trả lời cho câu hỏi tại sao ASEAN lại thành công hơn, Thủ tướng Hun Sen khẳng định: “Đó là nhờ những cải cách mà các quốc gia trong khu vực đã thực hiện, cùng với mức độ hội nhập kinh tế trong và ngoài khu vực và phản ứng hiệu quả các của các nước khi đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như các cú sốc khác đang tồn tại”.

Thời gian qua, các đối tác cũng đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường ASEAN. Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti từng khẳng định rằng ASEAN và EU là hai điển hình thành công về hợp tác khu vực trên thế giới. Thị trường ASEAN rất tiềm năng và tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. EU và ASEAN có nhiều cơ hội để hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Giám đốc Chương trình của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai Yaroslav Lissovolik gần đây cũng khẳng định ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc củng cố sự ổn định của khu vực Đông Nam Á, củng cố mạng lưới liên minh toàn cầu rộng lớn do khối nói chung và các thành viên nói riêng tạo ra. Những tiến bộ này sẽ trở thành cơ sở để ASEAN khẳng định vai trò toàn cầu to lớn của mình trong thời gian tới.

Một trong những thành viên đóng góp mạnh mẽ nhất

Là thành viên tích vực, chủ động trong mọi công việc của ASEAN, đến nay, trong trụ cột kinh tế, Việt Nam là một trong hai nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các cam kết trong kế hoạch tổng thể xây dựng AEC (sau Singapore).

Có thể nhận thấy rõ Việt Nam đã tích cực tham gia thúc đẩy xây dựng/triển khai các thỏa thuận hợp tác kinh tế nội khối và giữa ASEAN với các đối tác; đóng góp các sáng kiến hợp tác trên các lĩnh vực như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; thuận lợi thương mại, phát triển thương mại điện tử, tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, thúc đẩy phát triển đồng đều và bền vững.

Trả lời phỏng vấn báo chí tháng 10 vừa qua, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế Satvinder Singh khẳng định rằng Việt Nam là một trong những nước đóng góp mạnh mẽ nhất cho một ASEAN năng động, kiên cường, định vị về kinh tế như hiện nay.

Theo ông Satvinder Singh, bất chấp những thách thức kinh tế mà cả thế giới đang phải đối mặt, ASEAN đang cho thấy cách quản lý khả năng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Một trong những nước đóng góp lớn cho sự tăng trưởng đáng kể nói trên là Việt Nam. Ông Satvinder Singh nhận định Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong việc thể hiện cách thức phục hồi hậu đại dịch, đồng thời tiến hành những chuyển đổi kinh tế quan trọng và giúp người dân ứng phó với những thách thức đang phải đối mặt.

Phó Tổng Thư ký ASEAN Satvinder Singh cho rằng Việt Nam hiện là một đối tác rất quan trọng trong hội nhập ASEAN. Tất cả các lĩnh vực của Việt Nam đang thực sự hoạt động rất tốt. Hiện nay trọng tâm của các doanh nghiệp và lĩnh vực của Việt Nam không phải là trong nước, mà là làm thế nào để phát triển ra khu vực và quốc tế. Nam có tiềm năng tạo ra thế hệ tiếp theo của một số công ty kỳ lân lớn nhất từng thấy ở ASEAN.

“Việt Nam đang đi đúng đường và đang cho phần còn lại của ASEAN thấy những gì cần thiết để chuyển đổi nền kinh tế và làm thế nào để trở nên phù hợp với khu vực và toàn cầu. Việt Nam cũng đang ở vị thế để khai thác tốt nhất từ hội nhập ASEAN”, Phó Tổng Thư ký ASEAN khẳng định.

Như vậy, rõ ràng AEC đang tiến về phía trước bất chấp những khó khăn bủa vây với một tâm thế tự tin. Có được điều này là nhờ tinh thần đoàn kết, một “bản sắc” vốn có của ASEAN. Việt Nam đã và sẽ nỗ lực hết mình đóng góp vào một nền kinh tế ASEAN vững mạnh và phát triển.

Hà Phương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here