Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và tác động tới quan hệ kinh tế Việt – Trung (phần 2)

0
112
“Ảnh minh họa”

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với quan hệ  thương mại, đầu tư Việt -Trung.

3. AEC tạo ra các cơ hội lớn cho quan hệ thương mại, đầu tư Việt – Trung.

Do việc thành lập AEC dựa trên bốn trụ cột, trong đó nội dung cơ bản của trụ cột thứ nhất là xây dựng một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung với các đặc điểm như tự do lưu chuyển hàng hoá, tự do lưu chuyển dịch vụ, tự do lưu chuyển đầu tư, tự do lưu chuyển vốn, tự do lưu chuyển lao động có kỹ năng, ưu tiên lĩnh vực hội nhập, cũng như thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp. Có thể nói, việc xây dựng một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung với các đặc trưng trên đây đã, đang và sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn không chỉ cho các nước trong khối AEC mà còn cho các nước trong khối ASEAN+6 (gồm cả Trung Quốc), cũng như cho các mối quan hệ thương mại giữa những nước trong khối ASEAN+6. Do vậy, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ và về cơ bản cũng sẽ được hưởng nhiều cơ hội mới đem lại từ việc thành lập AEC.

Một là, xây dựng một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung của AEC sẽ giúp khuyến khích chuyên môn hóa ở các nước trong khối AEC theo hướng dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ những nước có chi phí sản xuất cao để chuyển dần sang những nước có chi phí sản xuất thấp (ví dụ như Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar). Do Trung Quốc không chỉ là một nước có chi phí sản xuất cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của AEC mà nước này còn là một trong những đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới nên về cơ bản thì việc thành lập AEC sẽ giúp mở rộng cơ hội dịch chuyển đầu tư từ thị trường Đại lục sang những nước khác với chi phí sản xuất thấp hơn. Đương nhiên, Việt Nam cũng sẽ là một trong những lựa chọn điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc do môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể cũng như vị trí địa kinh tế rất quan trọng của Việt Nam trong khối AEC cũng như khối ASEAN+6 (hạ thấp đáng kể chi phí logistics giữa Trung Quốc với các nước trong khối ASEAN thông qua cửa ngõ trung chuyển là Việt Nam). Trong trung và dài hạn thì xu hướng dịch chuyển đầu tư từ các nước có chi phí sản xuất cao sang những nước có chi phí sản xuất thấp hơn trong môi trường đầu tư hấp dẫn thông thoáng với lực lượng lao động trẻ có kỹ năng được đánh giá sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác tốt hơn cho mối quan hệ kinh tế (chủ yếu gồm thương mại và đầu tư) giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hai là, việc tự do lưu chuyển lao động có kỹ năng giữa các nước trong nội khối AEC cũng được cho là một trong những nhân tố quan trọng mang lại nhiều cơ hội mới cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi ở Trung Quốc đại lục quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh hơn dự tính của chính quyền nước này thì trái lại Việt Nam lại đang được coi là trong thời kỳ dân số vàng. Những thiếu hụt về lực lượng lao động của Trung Quốc (nhất là lực lượng lao động trẻ có kỹ năng) sẽ phần nào được bù đắp khi các doanh nghiệp Trung Quốc chủ động tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư với các nước trong khối AEC, và Việt Nam cũng được xem là một trong những lựa chọn ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư Đại lục. Lựa chọn này sẽ giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân lực mà quan trọng hơn là có thể nâng cao năng suất tổng hợp các nhân tố (TFP) thông qua việc tối ưu hóa lựa chọn nguồn lao động có kỹ năng phù hợp với trình độ công nghệ và mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nhất là lựa chọn sử dụng lao động ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam) trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Ba là, việc ưu tiên lĩnh vực hội nhập, thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp trong khối AEC cũng được cho là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa AEC nói chung và Việt Nam nói riêng vói Trung Quốc đại lục trong dài hạn. Mặc dù Trung Quốc đang trong quá trình hiện thực hóa chuyển đổi phương thức tăng trưởng và nâng cấp ngành (bao gồm cả nâng cấp ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch và hiện đại) nhưng với quy mô dân số khổng lồ (khoảng 1,4 tỷ người năm 2017) thì nhu cầu tiêu thụ về nông sản sạch của người dân nước này được đánh giá nhiều khả năng vẫn sẽ ở trong tình trạng khó đảm bảo được an ninh lương thực trong dài hạn. Trong khi đó, nhiều nước trong AEC (bao gồm cả Việt Nam) lại được cho là đang có lợi thế so sánh về nông nghiệp với chi phí sản xuất thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc nhưng lại thiếu vốn và công nghệ để phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao. Đây có thể được xem là một trong những tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư dài hạn giữa các nước trong khối ASEAN+1, bao gồm cả quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc trong phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao phục vụ mục tiêu định hướng xuất khẩu vào thị trường Đại lục theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Bốn là, việc tự do lưu chuyển dịch vụ nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng trong AEC cũng được xem là một nhân tố quan trọng giúp tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc trong dài hạn. Sở dĩ có thể đưa ra nhận định này là vì khi tầng lớp trung lưu và thu nhập bình quân của người dân Trung Quốc trở nên cao hơn thì nhu cầu chi tiêu của họ về du lịch cũng ngày càng lớn hơn. Trên thực tế, Việt Nam là một trong những nước nổi tiếng thế giới về phong cảnh thiên nhiên, đồng thời lại có vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc nên về cơ bản có nhiều thuận lợi trong thu hút du khách của Đại lục tới thăm Việt Nam (hiện nay, Trung Quốc đại lục là thị trường khách du lịch lớn nhất của nước ta. Chỉ tính riêng trong năm 2017, du khách Trung Quốc đến thăm Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 4 triệu lượt khách). Khi xu hướng đi du lịch của du khách Trung Quốc ngày càng gia tăng thì nhu cầu về dịch vụ du lịch ở Việt Nam cũng sẽ ngày càng tăng cao. Trong bối cảnh các doanh nghiệp du lịch Việt Nam còn hạn chế về trình độ quản trị doanh nghiệp hiện đại cùng với khan hiếm vốn kinh doanh du lịch thì việc tự do lưu chuyển dịch vụ nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng trong AEC được cho là một trong những nhân tố quan trọng giúp tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam với các doanh nghiệp du lịch và nhà đầu tư của Trung Quốc nhằm nâng cao chất lượng các tour du lịch và cải thiện hiệu quả dịch vụ du lịch song phương.

4. AEC tạo ra các thách thức mới cho quan hệ thương mại, đầu tư Việt – Trung.

Trong số 4 trụ cột nền tảng của AEC thì trụ cột thứ hai liên quan tới tạo dựng một khu vực kinh tế cạnh tranh của AEC trong đó nhấn mạnh không chỉ vào chính sách cạnh tranh mà còn cả chính sách bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như bảo đảm an ninh thương mại điện tử. Đây có thể được xem như một trong những thách thức mà AEC đặt ra cho mối quan hệ thương mại Việt – Trung trong dài hạn vì một số nguyên nhân chủ yếu sau đây.

Thứ nhất, nhóm hàng chế tạo công nghệ thấp đang được xem là mặt hàng xuất khẩu chủ lực không chỉ của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn cả Trung Quốc đại lục tới thị trường tiêu dùng của các nước trong khối AEC kể từ đầu thập kỷ 2010. Cơ cấu xuất khẩu tương đồng liên quan tới nhóm hàng chế tạo công nghệ thấp tới thị trường AEC này có thể tạo ra những thách thức lớn về cạnh tranh dài hạn giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố đã đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển với trọng tâm là nâng cấp ngành nhưng trên thực tế kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng chế tạo công nghệ thấp của Trung Quốc tới AEC giai đoạn 2016-2017 vẫn chiếm tỷ trọng đứng đầu (29,9% tổng kim ngạch xuất khẩu vào AEC). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng chế tạo công nghệ thấp của Việt Nam tới AEC cũng chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 (chiếm 21,3%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào AEC (chỉ đứng sau nhóm hàng chế tạo công nghệ cao). Điều đáng quan ngại là hầu hết xuất khấu hàng công nghệ cao đều thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay các TNCs lớn (tại Việt Nam). Nếu năng lực hội nhập quốc tế và quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa nước ta vẫn không được cải thiện kịp thời thì nhiều khả năng sự tương đồng về cơ cấu xuất khẩu nhóm hàng chế tạo công nghệ thấp sẽ trở thành một thách thức lớn về cạnh tranh cho quan hệ thương mại Việt-Trung.

Thứ hai, nếu như nhóm hàng chế tạo công nghệ cao đang được xem là mặt hàng xuất khẩu chủ lực lớn nhất của AEC tới thị trường Trung Quốc thì nó cũng đồng thời là mặt hàng xuất khẩu chính lớn thứ hai của Việt Nam tới thị trường Đại lục trong cùng kỳ (kể từ sau khi Trung Quốc thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển). Xu hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế tạo công nghệ cao của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn (chiếm tỷ trọng 28,5%) bởi vì chúng hiện đang được sản xuất chủ yếu bởi các tập đoàn TNCs lớn cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chiều hướng chuyển dịch trọng tâm vào xuất khẩu nhóm hàng chế tạo công nghệ cao (chiếm tỷ trọng 33,5%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu của AEC vào Trung Quốc cũng được xác định là mục tiêu dài hạn trong chiến lược nâng cấp ngành của nhiều nước AEC (như Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan), qua đó gia tăng thách thức về áp lực cạnh tranh cao tới xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam tới Trung Quốc.

Thứ ba, nếu phân theo giai đoạn sản xuất thì Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nhập khẩu hàng chế biến trung gian từ Trung Quốc và AEC kể từ đầu thập kỷ 2010. Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu hàng chế biến trung gian của Việt Nam từ Trung Quốc đã suy giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn (52,3%) trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ đối tác này giai đoạn 2013-2017. Trái lại, Việt Nam cũng có xu hướng gia tăng nhập khẩu hàng chế biến trung gian từ AEC (chiếm 52,2%/năm giai đoạn 2013-2017). Trong bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ nước ta còn kém phát triển và chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng về hàng chế biến trung gian và tư liệu sản xuất phục vụ định hướng xuất khẩu thì triển vọng nhập nhiều nhóm hàng này của Việt Nam từ Trung Quốc và AEC sẽ còn cạnh tranh trong dài hạn. Tuy nhiên, thách thức lớn với quan hệ thương mại Việt – Trung lại liên quan chủ yếu tới nguy cơ Trung Quốc đang đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển (gồm cả nâng cấp ngành) để đào thải tư liệu sản xuất dư thừa và tăng đầu tư ra nước ngoài (với công nghê lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, và gây ô nhiễm) ra các nước trong khu vực. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ nếu thiếu hệ thống giải pháp hữu hiệu và kịp thời trong việc nâng cao năng lực quản trị quốc gia gắn với cải thiện hiệu quả thực thi Luật: Đầu tư, Thương mại, Đấu thầu, Sở hữu trí tuệ sửa đổi và Luật An ninh mạng trong bối cảnh bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung./.

(TS. Nguyễn Thị Phương Hoa).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here