Colombia đã chính thức trở thành thành viên thứ 37 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) từ ngày 28/4 sau 07 năm kể từ khi bắt đầu tiến trình gia nhập. Colombia là quốc gia Mỹ Latinh thứ 3 tham gia OECD sau Mexico (1994) và Chile (2010). Tổng thư ký José Angel Gurría cho biết sự gia nhập của Colombia sẽ góp phần vào nỗ lực nhằm biến OECD trở thành một tổ chức đa dạng và toàn diện hơn, giúp phát triển kinh tế toàn cầu và khu vực.
Có rất nhiều lợi ích mà Colombia sẽ đạt được với tư cách là thành viên của OECD. Hỗ trợ cơ bản của OECD là xây dựng các chính sách công vững chắc cho các thành viên, nhiều cải cách cần thiết đã được thực hiện như một phần của quá trình nhằm tương thích các chính sách công của Colombia với tiêu chuẩn của OECD. Trong quá trình gia nhập, Colombia đã thực hiện đầy đủ các khuyến nghị thực tiễn trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, chống tham nhũng, giao dịch quốc tế, quản trị doanh nghiệp, quản trị công, thị trường tài chính, phúc lợi xã hội, thuế, môi trường,… và đảm bảo các điều kiện cam kết. Một chính sách hết sức có giá trị khác theo khuyến nghị của OECD mà Colombia cần phải áp dụng là tránh xa các động cơ tăng trưởng truyền thống (các ngành khai thác thâm dụng vốn) hiện đã đạt đến giới hạn. Cam kết hiện nay của Colombia là tiếp tục nỗ lực cải thiện điều kiện sống, tiếp cận y tế cho người dân, giảm nghèo và hoàn thiện các chính sách xã hội.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế xã hội gây ra bởi đại dịch Covid-19, đây sẽ là một cú hích lớn cho kinh tế Colombia và dự kiến sẽ mở ra cánh cửa thuận lợi hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài; cải thiện các thủ tục và chính sách thương mại quốc tế. Ngay sau khi chính thức gia nhập, Chính phủ đã tổ chức cuộc hội thảo trực tuyến với nội dung “Tái tạo nền kinh tế Colombia theo quan điểm OECD”, một diễn đàn có sự tham dự của nhiều chuyên gia phát triển thuộc các tổ chức đa phương, những người đã từng nghiên cứu và nắm rõ về kinh tế Colombia. Ngoài những đóng góp tích cực, một trong số những lo ngại nổi lên trong hội thảo là tính không chính thức của lực lượng lao động, gây khó khăn cho các chính sách trợ cấp và hỗ trợ việc làm. Vì lý do này, OECD đã hoan nghênh chính sách hoàn thuế VAT của Colombia đối với hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ bởi các hộ gia đình thuộc diện rất nghèo.
OECD đã ghi nhận những cố gắng của Colombia trong quá trình cải cách và phát triển để vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của Mỹ La tinh và là quốc gia có mức thu nhập trung bình. Đối với Colombia, việc gia nhập OECD là bước quan trọng trong nỗ lực nhằm hiện đại hóa đất nước, mở ra những cơ hội to lớn để tăng đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế, hoàn thiện chính sách công; cải thiện phúc lợi và chất lượng cuộc sống cho người dân, tránh sự gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)