Sáng ngày 2/3/2020, FED đã tuyên bố giảm 0,5% lãi suất cơ bản. Động thái này diễn ra trước cuộc họp chính sách 2 tuần, một việc chưa từng xảy ra kể từ thời khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên, việc FED cắt giảm lãi suất đã không mang lại tác dụng mong đợi. Thị trường đã nhanh chóng sụt giảm sau khi tăng điểm nhẹ. Dow Jones giảm gần 786 điểm tương đương gần 3%, xuống 25.917 điểm; S&P500 giảm 2,8% và Nasdaq giảm 3%. Các nhà đầu tư chuyển sang mua trái phiếu chính phủ, đẩy lợi tức trái phiếu 10 năm xuống dưới 1% lần đầu tiên trong lịch sử. Giá vàng tăng 2,9% ở mức 1.644,40USD/ounce.
Nhiều nhà đầu tư nhận ra rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ không thể có tác dụng ngay với nền kinh tế khi mà những ảnh hưởng tiêu cực của dịch cúm COVID 19 đối với kinh tế còn chưa thể tính hết và nguy cơ lan rộng trong nước Mỹ là hiện hữu.
Không giống như trong thời khủng hoảng tài chính khi các động thái của Ngân hàng Trung ương đã giúp hệ thống tài chính khỏi sụp đổ hoàn toàn, lần này FED đang phải đối mặt với một thách thức hoàn toàn khác, một dịch bệnh mà tác hại của nó chưa thể lường hết.
Các nhà đầu tư và các chuyên gia cho rằng chỉ riêng công cụ tài chính là không đủ để ứng phó với một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Davide Serra, nhà sáng lập công ty đầu tư Algebris có trụ sở tại London, quản lý số tài sản 13 tỷ USD nói “Nếu bạn muốn giải quyết vấn đề sức khỏe bằng cách đến nhà băng thì đó là một sai lầm”. Ông cho rằng “nguy cơ đại dịch là có thật và nghiêm trọng. Người có tiếng nói ở đây là WHO chứ không phải là các Ngân hàng Trung ương”.
Allen Tischler, Phó Chủ tịch cấp cao của Moody cho rằng việc cắt giảm lãi suất là “bước đi tiêu cực đối với ngân hàng Mỹ, gây áp lực thêm cho biên độ lãi và lợi nhuận ròng”.
Một số nhà phân tích cũng khuyên nhà đầu tư nên thận trọng. “Câu hỏi đặt ra là liệu việc cắt giảm lãi suất chính sách có thể hỗ trợ cho nền kinh tế đến đâu khi mà việc cách ly và những hạn chế đi lại vẫn tiếp tục được đưa ra. Seema Shah, chiến lược gia tại Principal Global Investors nói: “Rõ ràng, việc cắt giảm lãi suất không giúp làm đầy lại những kệ hàng trống trơn. Chính sách tiền tệ không thể giúp gì khi mà cung không thể đáp ứng cầu”.
Một chuyên gia khác, Randy Frederick, Phó Chủ tịch Schwab Center for Financial Research cho rằng hiện còn khó để rò đáy thị trường. Ông cho rằng có thể sẽ phải chờ đến khi những hàng tít về coronavirus không còn nóng trên các báo nữa, và không chỉ các chính trị gia mà cả các chuyên gia y tế lên tiếng nói rằng “chúng ta không còn phải hoảng sợ nữa” thì thị trường mới có thể tìm được đáy. “Tôi nghĩ chúng ta chưa thấy được điều đó ngay bây giờ. Mọi người sẽ còn phải thận trọng và chờ đợi. Hiện tại chưa thể biết đâu là đáy”. Tuy nhiên, ông cũng khuyên các nhà đầu tư đừng nên hoảng loạn và bán tháo.
Loretta Mester, Chủ tịch FED Cleveland, Thành viên Ủy ban thị trường mở FED hạ thấp dự báo tăng trưởng của Mỹ trong nửa đầu năm 2020. Bà nói “Quy mô và độ dài của các tác động kinh tế của dịch cúm là rất khó đoán. Dịch cúm sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của Mỹ ít nhất là trong nửa đầu năm 2020 với việc các hộ gia đình và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu”. Bà cho rằng những bất trắc kéo dài sẽ tác động tiêu cực tới lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp và có thể sẽ còn dư chấn tới tận sau khi dịch cúm được khống chế.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)