Kinh tế thế giới bị đe doạ vị Covid-19

0
63
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Ngày 02/3/2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố Báo cáo đánh giá kinh tế tạm thời “Coronavirus: Kinh tế thế giới bị đe dọa”. Theo Báo cáo, sự đình trệ sản xuất tại Trung Quốc do dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, thể hiện vai trò ngày càng tăng của nước này trong các chuỗi cung cứng, cũng như nhu cầu đối với thị trường du lịch và hàng hóa toàn cầu. So với dịch SARS 2003, sự phụ thuộc lẫn nhau của kinh tế toàn cầu đã lớn hơn đáng kể và Trung Quốc ngày nay đã đóng vai trò quan trọng hơn nhiều trong sản xuất, thương mại, du lịch và thị trường nguyên liệu thô toàn cầu (chiếm 17% GDP, 22% công nghiệp, 11% thương mại, 9% du lịch, 7% FDI, 58% nhu cầu nhôm, 52% đồng, 48% nickel, 46% kẽm, 44% chì,… toàn cầu).

Việc dịch bùng phát tại một số nước khác (Hàn Quốc và Italia) cũng có ảnh hưởng tương tự, tuy nhiên ở quy mô nhỏ hơn.

Dịch Covid-19 diễn ra trong bối cảnh kinh tế tiếp tục ảm đạm trong Quý IV/2019 do tác động của thương chiến Mỹ – Trung (mặc dù một số chỉ số sản xuất và dịch vụ bắt đầu cho thấy dấu hiệu ổn định, thậm chí được cải thiện). Thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc là tín hiệu lạc quan, tuy nhiên trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, khả năng Trung Quốc thực thi cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ là rất khó khăn nếu không có sự thay đổi trong thương mại với một bên thứ ba, do các hàng rào thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã cao hơn nhiều so với 2 năm trước đây. OECD đánh giá thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ giúp giảm thiểu các tác động của thương chiến Mỹ – Trung trong suốt 2 năm qua ở mức 0,1% đối với tăng trưởng toàn cầu.

Về triển vọng kinh tế toàn cầu sắp tới, OECD đánh giá trên 2 kịch bản :

Kịch bản thứ 1 là dịch đạt đỉnh tại Trung Quốc trong Quý I và được hạn chế không bị bùng phát ở quy mô lớn tại các quốc gia khác, tăng trưởng toàn cầu có thể giảm ở mức 0,5% và đạt 2,4% trong năm 2020 (so với mức dự báo 2,9% vào tháng 11/2019). Tăng trưởng thậm chí có thể ở mức âm trong Quý I/2020. Tăng trưởng của Trung Quốc được điều chỉnh giảm đáng kể, ở mức 4,9% (giảm 0,8% so với mức dự báo trước dịch). Hầu hết các nền kinh tế G20 (trừ Ả-rập Xê-út, Brazil) đều trong tình trạng tương tự, đặc biệt là các nền kinh tế có sự liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Trong khi đó tăng trưởng khu vực đồng euro được dự báo tiếp tục ảm đạm, ở mức dưới 1% trong giai đoạn 2020 – 2021, Pháp được dự báo chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm 2020 (điều chỉnh giảm 0,3%). Điều này được OECD giải thích do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với lòng tin, các thị trường tài chính (lãi suất 10 năm trái phiếu kho bạc Mỹ ở mức thấp nhất trong lịch sử), lĩnh vực du lịch, vận tải và sự xáo trộn của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Cũng trong kịch bản này, nhờ các biện pháp khôi phục lòng tin và phản ứng của các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, tăng trưởng toàn cầu sẽ khôi phục ở mức 3,25% trong năm 2021 (điều chỉnh tăng 0,3% so với dự báo trước đó), riêng kinh tế Trung Quốc được điều chỉnh tăng 0,9% đạt mức 6,4%.

Kịch bản thứ 2 là dịch tiếp tục lan rộng và kéo dài tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ. Trong trường hợp này, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ giảm tới 1,5% trong năm 2020 và khiến nhiều nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái, đặc biệt là Nhật Bản và các nước khu vực Eurozone. Tăng trưởng của Trung Quốc có thể mất đến 1,4% và chỉ đạt khoảng 4,3% năm 2020. Bên cạnh dịch Covid-19, nhiều nguy cơ, rủi ro lớn khác cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu như khả năng leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và châu Âu, khủng hoảng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, khả năng EU và Anh không đạt thỏa thuận về quan hệ thương mại trước khi kết thúc năm 2020, khả năng các nước áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế thương mại và đầu tư nhằm gây áp lực trong đàm phán về thuế đánh vào các doanh nghiệp lớn xuyên quốc gia, rủi ro trên thị trường tài chính do tăng trưởng chậm lại, nợ doanh nghiệp tăng cao, chất lượng tín dụng giảm (trong đó có cả rủi ro của Trung Quốc)…

OECD cho rằng các chính phủ cần có các biện pháp kịp thời và mạnh mẽ để vượt qua các tác động của dịch bao gồm: (i) các biện pháp về sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe, bảo đảm điều kiện làm việc cho nhân viên y tế; (ii) giảm giờ làm đồng thời vẫn bảo đảm thu nhập cho người lao động, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương; (iii) ngăn chặn tình trạng phá sản của doanh nghiệp thông qua các biện pháp hỗ trợ như gia hạn thời hạn thanh toán các chi phí cố định (như thuế VAT, lãi suất ngân hàng); (iv) các biện pháp hỗ trợ kinh tế vĩ mô (chính sách hỗ trợ của ngân hàng trung ương, giảm tiền gửi bắt buộc để đảm bảo thanh khoản…).

Các biện pháp vĩ mô có thể giúp khôi phục lòng tin và nhu cầu sau khi dịch lắng xuống tuy nhiên không thể bù đắp ngay lập tức các thiệt hại do việc các doanh nghiệp phải đóng cửa và hạ chế đi lại. Trong kịch bản tăng trưởng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề, các biện pháp đồng bộ của G20 và các tổ chức đa phương khác sẽ là công cụ hữu hiệu nhất để khôi phục lòng tin, đảm bảo triển khai hiệu quả các biện pháp về y tế, hạn chế sự lây lan của dịch, hỗ trợ các nền kinh tế thu nhập thấp và thực thi các biện pháp tăng chi tiêu công cần thiết.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here