Chủ tịch ASEAN 2023: Hãy thực hiện nhiệm vụ với năng lượng tích cực và tinh thần hợp tác kinh tế

0
68
Tổng thống Indonesia Jokowi nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Campuchia Hunsen. (Nguồn: Jakarta Post)

Với chủ đề ASEAN 2023: “ASEAN: Tầm vóc – Tâm điểm của tăng trưởng”, Indonesia đặt ra mục tiêu kép là không bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc và tập trung phục hồi kinh tế khu vực.

Tổng thống Indonesia Jokowi nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Campuchia Hunsen. (Nguồn: Jakarta Post)

Ngày 29/12, tại cuộc gặp người đồng cấp Malaysia Zambry Abdul Kadir tại thủ đô Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết quốc đảo này cam kết đưa ASEAN trở thành động lực cho hòa bình và ổn định, đồng thời là trung tâm tăng trưởng kinh tế.

Indonesia bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023 sau khi kết thúc vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng 11.

Tháng trước, khi phát biểu tại Phnom Penh (Campuchia) trong lễ bàn giao vai trò Chủ tịch ASEAN, bà Marsudi nhận định năm 2023 sẽ có thể không là một năm an toàn đối với thế giới, đặc biệt với ASEAN.

Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh: “Thế giới vẫn chứng kiến nhiều thách thức đa tầng nấc. Các thách thức địa chính trị và kinh tế sẽ còn lớn hơn trong năm tới, vì vậy hãy thực hiện các nhiệm vụ với năng lượng tích cực và tinh thần hợp tác kinh tế”.

Với chủ đề “ASEAN: Tầm vóc – Tâm điểm của tăng trưởng”, Indonesia đặt ra mục tiêu kép để đối phó với hai thách thức lớn nhất của ASEAN hiện nay là không bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc và tập trung phục hồi kinh tế khu vực.

Cụ thể, Indonesia sẽ thúc đẩy ASEAN tăng cường hội nhập kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, khuyến khích dòng chảy thương mại nội khối và tăng cường sức mạnh của ASEAN với tư cách là một khối đoàn kết thống nhất.

Những nỗ lực này trong quá khứ chưa thực sự hiệu quả do các quốc gia thành viên chưa có hành động quyết liệt trong việc phá bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tạo động lực để những quốc gia này giải quyết các mối quan ngại chung về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và thương mại kỹ thuật số.

Ngoài ra, một trong những trọng tâm trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia là thúc đẩy việc kết nạp Timor Leste chính thức trở thành thành viên chính thức của ASEAN.

Sau hơn một thập kỷ vận động hành lang, Timor Leste đã đạt được “chiến thắng ngoại giao” quan trọng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN cuối năm vừa qua khi các quốc gia thành viên chấp thuận về nguyên tắc Timor Leste là thành viên thứ 11 của ASEAN. Indonesia là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Timor Leste trở thành thành viên của ASEAN và Jakarta muốn chứng kiến sự gia nhập chính thức của nước này càng sớm càng tốt, đặc biệt trong năm Indonesia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN.

Nói về vai trò Chủ tịch ASEAN 2023, Tổng thống Indonesia Jokowi đã từng khẳng định: ASEAN mong muốn trở thành một khu vực hòa bình, ổn định, là mỏ neo cho ổn định toàn cầu, nhấn mạnh ASEAN cần hành động mang tính tập thể đoàn kết, thống nhất. ASEAN phải trở thành một khu vực hòa bình và là điểm tựa cho sự ổn định toàn cầu, nhất quán tuân thủ luật pháp quốc tế và không làm ủy quyền cho bất kỳ cường quốc nào”.

Indonesia luôn được kỳ vọng cao khi giữ vai trò chủ tịch ASEAN. Điều này có thể dựa vào những kết quả khi Indonesia giữ vị trí này trước đây. Năm 2003, Indonesia làm Chủ tịch ASEAN đã thông qua Thỏa thuận Bali II, khởi xướng các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN. Năm 2011, Indonesia đã đặt nền móng cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, có hiệu lực vào ngày 1/1/2022. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập chương trình nghị sự cho hàng trăm cuộc họp trong năm Chủ tịch.

Hà Phương (theo Jakarta Post)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here