Năm 2023, kinh tế châu Á – Thái Bình Dương sẽ vẫn vững vàng vượt qua khó khăn

0
687
Kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo có những chuyển biến tích cực trong năm 2023. (Nguồn: channelnewsasia)

Dù kinh tế thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương không thực sự khởi sắc trong năm qua, nhưng sang năm 2023, tình hình rất có thể sẽ chuyển biến tích cực hơn.

Kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự báo có những chuyển biến tích cực trong năm 2023. (Nguồn: channelnewsasia)

Nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã bị cản trở bởi nhiều “cơn gió ngược” trong năm nay, đáng chú ý là tăng trưởng toàn cầu chậm lại, xung đột Nga-Ukraine và các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ. Tuy nhiên, theo Tân Hoa xã, trong năm tới, khu vực này sẽ tiếp tục con đường phục hồi khi nhu cầu tăng mạnh, được kỳ vọng sẽ bù đắp cho suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do khu vực.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho các nước đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương. ADB dự kiến nền kinh tế của khu vực sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,6% trong năm tới, thấp hơn so với dự báo trước đó vào tháng 9 lần lượt là 4,3% và 4,9%.

Dù vậy, dự báo của ADB khẳng định, nền kinh tế châu Á vẫn sẽ hoạt động tốt hơn so với các khu vực khác trên toàn cầu, đặc biệt là về tốc độ tăng trưởng.

Cụ thể, trong ba năm qua, mặc cho ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, châu Á-Thái Bình Dương vẫn là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Sang năm 2022, khu vực gặp không ít thách thức như lạm phát, dòng vốn chảy ra ngoài và tiền mất giá, cùng nhiều vấn đề khác.

Đang dần phục hồi kể từ khi nới lỏng dần các biện pháp kiểm soát Covid-19, tuy nhiên, nền kinh tế của khu vực này đã phải đối mặt với nhiều thách thức vào năm 2022, bao gồm lạm phát cao hơn.

Báo cáo chỉ rõ: “Lạm phát khu vực tăng cao hơn nữa trong nửa cuối năm 2022 có thể đã đạt đỉnh ở nhiều nền kinh tế”. Đồng thời, ADB cũng đưa ra dữ liệu rằng lạm phát chung ở các nước châu Á đang phát triển đạt 5,6% trong tháng 9, tăng từ mức 3,0% so với đầu năm, sau đó giảm xuống còn 5,2% trong tháng 10.

Đáp lại, các ngân hàng trung ương đã tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, do đó thắt chặt các điều kiện tài chính, điều này đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất chuẩn lên mức cao nhất trong 15 năm qua vào ngày 14/12.

Đối với các nền kinh tế phát triển, năm 2023 sẽ là một thách thức lớn nhằm tránh tình huống tốc độ tăng trưởng giảm tốc mạnh, trong bối cảnh các điều kiện tài chính và tiền tệ bị thắt chặt tại Mỹ và khu vực đồng euro.

Những vấn đề này có thể sẽ có tác động tiêu cực đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng về mặt tích cực, sự năng động của các nền kinh tế khu vực, nhất là trong bối cảnh một số ngành mũi nhọn như du lịch, thương mại và đầu tư đang có sự phát triển tích cực, sẽ giúp viễn cảnh kinh tế năm 2023 tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, vào đầu năm nay, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực. Với 15 quốc gia thành viên thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, RCEP được nhiều chuyên gia kinh tế tin tưởng là “chìa khóa” giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực.

Không những vậy, khi Trung Quốc bắt đầu có những thay đổi trong chính sách phòng chống Covid-19 như mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly, điều này sẽ giúp mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia trong khu vực nối lại các kênh cung ứng, đẩy mạnh thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tạo đà tích cực cho kinh tế chung của khu vực.

Ví dụ, việc Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới sẽ là một động lực thúc đẩy hơn nữa cho ngành du lịch Thái Lan, do du khách Trung Quốc chiếm gần 1/3 trong tổng số khoảng 40 triệu khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan vào năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết nền kinh tế nước này có thể tăng tốc trong năm tới và đạt mức tăng trưởng 3,8% nếu khách du lịch Trung Quốc quay trở lại, giúp bù đắp cho hoạt động xuất khẩu suy yếu thời gian qua.

Duy Quang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here