Chủ nghĩa bảo hộ có những tác động gián tiếp không thể xem nhẹ

0
97

Tờ báo Les Echos ngày 10/10 có bài viết về tác động của chủ nghĩa bảo hộ, với một số nội dung chính như sau:

Bất chấp chính sách bảo hộ của Chính quyền Donald Trump, các số liệu mới nhất vẫn không cho thấy ngoại thương Mỹ được phục hồi. Chính sách bảo hộ ngặt nghèo của Mỹ đang khiến con số các nước trở thành « nạn nhân thế chấp » nhiều hơn dự kiến ban đầu. Bởi vì khi Mỹ chọn cách đánh thuế sản phẩm của nước khác, thì cũng khiến xuất khẩu của họ lập tức bị chững lại. Sự giảm sút này dĩ nhiên cũng ảnh hưởng tới các nước cung cấp sản phẩm cho nước bị đánh thuế, như vậy tạo ra tác động gián tiếp. Theo nghiên cứu của Công ty bảo hiểm ngoại thương của Pháp (COFACE), nếu Mỹ tăng 1% thuế hải quan thì sẽ làm giảm 0,5% xuất khẩu của nước cung cấp hàng hóa cho quốc gia bị Mỹ tăng thuế hải quan. Điều này chủ yếu liên quan tới những hàng hóa trung gian trong các chuỗi giá trị và có tác động khác nhau, tùy theo lĩnh vực.

Lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất là vận tải, trong đó có ngành xe hơi. Theo tính toán, nếu Mỹ tăng 1% thuế hải quan đối với một nước nào đó, thì các nước cung cấp hàng hóa cho nước bị đánh thuế này sẽ bị thiệt hại trung bình 4,4% giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu sang nước bị đánh thuế. Đức, và đặc biệt Nhật Bản là những nước bị ảnh hưởng đầu tiên trong trường hợp Mỹ tăng thuế hải quan đối với xuất khẩu xe hơi và các thiết bị vận tải của Trung Quốc.

Một chuỗi giá trị khác bị đe dọa, đó là lĩnh vực điện tử, nhưng với tác động ít hơn, chỉ bị sụt giảm 1,4%. Ở đây các nền kinh tế bị ảnh hưởng là Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan, là những nhà cung cấp linh kiện cho Trung Quốc để nước này lắp ráp các sản phẩm điện tử.

Mỹ không phải là nước duy nhất áp dụng chủ nghĩa bảo hộ: Đức và Trung Quốc cũng thực hiện biện pháp này, khi trong vòng 10 năm qua thuế hải quan của Đức đã tăng từ 0,7% lên đến 5,7% và của Trung Quốc tăng từ 2,6% lên 9%. Nhưng biện pháp hàng rào thuế quan, dù ngày càng được áp dụng, cũng chỉ mới chiếm 16% (tính đến tháng 8/2018) tổng số các biện pháp bảo hộ được áp dụng hiện nay.

Tổng hợp tất cả các biện pháp (bao cấp của nhà nước cho xuất khẩu, khoanh vùng các thị trường công, hàng rào phi thuế quan), số lượng các biện pháp bảo hộ trên thế giới hiện cao gấp 2,5 lần so với năm 2010 và 73% hàng xuất khẩu của các nước nhóm G20 đã phải chịu những biện pháp bảo hộ. Các con số này cao gấp 10 lần số liệu do WTO công bố./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here