Chủ động, sáng tạo trong công tác ngoại giao kinh tế, Thái Bình gia nhập câu lạc bộ tỷ USD về thu hút FDI

0
143
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công thương của các doanh nghiệp Thái Bình với doanh nghiệp Hàn Quốc. (Nguồn: Báo Thái Bình)

Năm 2023, vốn FDI dự kiến tại Thái Bình đạt trên 1 tỷ USD (chưa tính dự án nhà máy nhiệt điện LNG vốn đầu tư đăng ký gần 2,0 tỷ USD). Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, tỉnh đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công thương của các doanh nghiệp Thái Bình với doanh nghiệp Hàn Quốc. (Nguồn: Báo Thái Bình)

Theo báo cáo “Tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024” do UBND tỉnh Thái Bình mới ban hành, từ đầu năm đến ngày 20/11/2023, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt 42.336,9 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (bao gồm 122 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng số vốn đăng ký là 21.511,1 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022 và 20 dự án phát triển nhà ở với tổng mức vốn đầu tư là 20.825,8 tỷ đồng); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến cả năm đạt trên 1,0 tỷ USD (chưa tính dự án nhà máy nhiệt điện LNG vốn đầu tư đăng ký gần 2,0 tỷ USD). Như vậy, năm 2023, Thái Bình chính thức gia nhập câu lạc bộ các địa phương tỷ USD về thu hút FDI.

Tỉnh thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.098 doanh nghiệp (tăng 5,5%) với số vốn đăng ký 13.253,4 tỷ đồng (tăng 38,1%) và 572 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2022; có 271 doanh nghiệp hoạt động trở lại, 575 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 122 doanh nghiệp giải thể tự nguyện… Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 59.779 tỷ đồng, tăng 5,8% so với năm 2022.

Năm 2023, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đã được Thái Bình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Tỉnh đã chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; tổ chức thành công các đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Vương quốc Anh… qua đó, đã ký được một số thỏa thuận hợp tác quan trọng.

Thái Bình đã tổ chức đón tiếp và làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh như: Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Đoàn công tác Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam, Công ty TNHH Dentsu Kensetsu Việt Nam, Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thành Việt Nam và Công ty Tokyo Gas Nhật Bản, Hiệp hội cơ điện, điện tử Đài Loan; Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc; Công ty TNHH Hyosung Việt Nam; Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Tổng Công ty nhà đất Hàn Quốc; Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc…; làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về phương án phát triển mạng lưới cấp điện của tỉnh, với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam về triển khai một số dự án đầu tư của Tập đoàn tại tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức và tham gia một số hội nghị khác như: Hội nghị chứng kiến ký kết thỏa thuận MOU giữa Công ty cổ phần Green i-Park và Tập đoàn Hitejinro; hội nghị chứng kiến ký kết thỏa thuận nguyên tắc cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng giữa Công ty cổ phần Green i-park và Công ty Pegavision; hội nghị gặp mặt những người thành đạt đang công tác ở một số ngành, lĩnh vực, các doanh nhân tiêu biểu là người Thái Bình; gặp mặt Hội đồng hương Thái Bình tại Hà Nội và Đà Nẵng… Đặc biệt năm 2023, Thái Bình đã tổ chức thành công hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thái Bình – Hàn Quốc.

Hỗ trợ các nhà đầu tưu, Thái Bình đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng; Tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng lập, thẩm định và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục chủ trương đầu tư các dự án; ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai đối với dự án đầu tư….

Năm 2024, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Kinh tế, thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thái Bình đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình và các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là công trình giao thông trọng điểm, liên kết vùng và hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Hải An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here