Yên Bái đồng hành gỡ khó cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu

0
56
Dự ước giá trị xuất khẩu năm 2023 của tỉnh đạt 355 triệu USD, tương ứng 101,4% kế hoạch năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tăng mạnh nhất vẫn là nhóm hàng nông lâm sản, chiếm tỷ trọng cao nhất với 44%, tăng 42% so cùng kỳ. (Nguồn: Báo Yên Bái)

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Yên Bái thành lập tổ công tác khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức 3 hội nghị đối thoại.

Dự ước giá trị xuất khẩu năm 2023 của tỉnh đạt 355 triệu USD, tương ứng 101,4% kế hoạch năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tăng mạnh nhất vẫn là nhóm hàng nông lâm sản, chiếm tỷ trọng cao nhất với 44%, tăng 42% so cùng kỳ. (Nguồn: Báo Yên Bái)

Năm 2023, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, tỉnh Yên Bái đã có những chỉ đạo sát sao, cùng với sự phối hợp của các cấp ngành, địa phương và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có những dấu hiệu phục hồi tích cực.

Số liệu thống kê từ Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho thấy, dự ước giá trị xuất khẩu năm 2023 của tỉnh đạt 355 triệu USD, tương ứng 101,4% kế hoạch năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tăng mạnh nhất vẫn là nhóm hàng nông lâm sản, chiếm tỷ trọng cao nhất với 44%, tăng 42% so cùng kỳ (45,84 triệu USD).

Khoảng 90 doanh nghiệp của tỉnh có mặt hàng xuất khẩu; trong đó, có 18 doanh nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, 4 doanh nghiệp sản xuất nhựa, 3 doanh nghiệp may mặc, 45 doanh nghiệp khoáng sản, xuất khẩu trực tiếp đến khoảng 50 thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và hơn 30 thị trường khác.

Là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh hàng nông, lâm sản xuất khẩu, Công ty cổ phần Yên Thành (huyện Yên Bình) đặt mục tiêu năm 2023 xuất khẩu khoảng 25.000 tấn măng các loại, 10.000 m3 gỗ các loại, doanh thu khoảng 170 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho công nhân với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Để đạt mục tiêu trên, ông Nguyễn Đức Dũng – Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho hay, ngay từ những ngày đầu năm, Công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, điều hành; chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và mở rộng thị trường kinh doanh.

Công ty đã liên kết với 12 hợp tác xã, tổ hợp tác theo hình thức sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm xuất khẩu ở tất cả các địa phương trong tỉnh; mở rộng vùng nguyên liệu năm 2023 lên 4.000 – 5.000 ha tre măng Bát độ tại tỉnh Sơn La để xây dựng thêm nhà máy chế biến nhằm mở rộng vùng sản xuất, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng nguyên liệu phát triển, người dân có việc làm, thu nhập ổn định.

Với mục tiêu xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động, công ty luôn đề cao và phát huy tinh thần lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Nhờ đó, các sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), tạo uy tín và thương hiệu trên thị trường và đang hướng tới thị trường châu Âu.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nasaki (huyện Yên Bình) chuyên kinh doanh bột đá xuất khẩu và sản xuất ngói màu Nasaki, tấm ốp nano. Mỗi năm, công ty xuất khẩu khoảng 4.000 tấn bột đá siêu mịn. Những tháng cuối năm, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song công ty vẫn nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bà Nguyễn Thị Khuyên – Giám đốc Công ty cho hay, công ty nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác; cơ cấu lại sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới cũng như tăng cường xúc tiến thương mại ở những thị trường mới; đồng thời tận dụng tối đa Hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia để tạo đơn hàng xuất khẩu mới.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái Nguyễn Đình Chiến cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ngành công thương đã tham mưu cho tỉnh thành lập tổ công tác khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu; chủ trì tổ chức 3 hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất khẩu, trọng tâm là các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm quế, chè.

Cùng đó, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, tập trung hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu mới.

Ngành công thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân trồng các loại nông sản theo tiêu chuẩn và quy trình quốc tế.

Mới đây, 10 nông sản chủ lực tiêu biểu của tỉnh Yên Bái đã đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh. Đó là trà quế của Doanh nghiệp tư nhân Phương Nhung (huyện Văn Yên); chè xanh chất lượng cao của Hợp tác xã sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng (huyện Trấn Yên); Diệp trà và Hồng trà Shan tuyết của Hợp tác xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn); miến đao Quy Mông của Hợp tác xã Việt Hải Đăng (huyện Trấn Yên); quế điếu Hòa Cuông loại 100 gam và 500 gam của Hợp tác xã quế Khánh Thành (huyện Trấn Yên); miến đao Giới Phiên của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái); gạo Séng cù Mường Lò của Hội Sản xuất và Kinh doanh Gạo Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ); Gạo nếp Tan Tú Lệ của Hợp tác xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn).

Hoàng Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here