Chiến lược phát triển của Ngân hàng Phát triển Châu Á đối với Khu vực Đông Nam Á (phần 1)

0
524

 

Trong hơn 50 năm qua, với vai trò là một tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã triển khai nhiều sáng kiến, dự án hiệu quả giúp các nước nghèo, các nước đang phát triển ở Châu Á-Thái Bình Dương vượt qua khó khăn cũng như thách thức của quá trình phát triển. Đối với Việt Nam, các khoản vay từ ADB đã góp phần tích cực hỗ trợ Chính phủ thực hiện các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 I. Chính sách phát triển của ADB

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được thành lập ngày 22/8/1966 và có trụ sở chính tại Manila, Philipines với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của các quốc gia Châu Á. ADB gồm các nước thành viên thuộc Ủy ban Xã hội và Kinh tế Liên Hợp quốc chuyên trách về Châu Á và Thái Bình Dương (UNESCAP) và các nước phát triển ngoài khu vực. Từ 31 thành viên sáng lập ban đầu trong đó có Việt Nam (chính quyền Sài gòn cũ), hiện ADB có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên, trong đó bao gồm 48 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và 19 quốc gia, lãnh thổ ngoài khu vực. ADB duy trì mục đích, tôn chỉ hoạt động kể từ khi thành lập là xóa đói nghèo, nâng cao chất lượng sống, phát triển bền vững và hài hòa của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Để đạt được mục tiêu này, ADB thực hiện các chức năng nhiệm vụ phù hợp cho các quốc gia thành viên đang phát triển và các đối tác khác, đó là: (i) Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng; (ii) Phát triển xã hội; và (iii) Quản lý kinh tế tốt và hiệu quả. Để thực hiện tốt chức năng nói trên, ADB đề ra các mục tiêu hoạt động gồm hỗ trợ hợp tác khu vực, phát triển khu vực tư nhân, bảo vệ môi trường và hỗ trợ bình đẳng giới.

Hiện nay, ngoài cam kết đầu tư hỗ trợ cho các quốc gia thành viên trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, quản trị khu vực công hay hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.., ADB còn cam kết hỗ trợ các nước hội viên đang phát triển xây dựng nền kinh tế năng động, hiện đại và phát triển mạnh mẽ, có tính hội nhập cao trong khu vực và trên thế giới.

Khung chiến lược dài hạn giai đoạn 2008 – 2020 (Chiến lược 2020) được thông qua năm 2008 là một tài liệu hoạch định chính sách và chiến lược trên phạm vi toàn cầu của ADB. Trong Chiến lược 2020, ADB xác định theo đuổi 3 mục tiêu tổng thể là tăng trưởng kinh tế đồng đều lợi ích, tăng trưởng bền vững về môi trường và hội nhập khu vực. ADB cũng đưa ra 10 ưu tiên chiến lược, trong đó 7 ưu tiên đầu tiên nhằm làm sâu sắc hơn và tái cân bằng các hoạt động của ADB, đồng thời nâng cao khả năng đáp ứng đối với môi trường kinh doanh đang thay đổi, và 3 ưu tiên tiếp theo nhằm nâng cao năng lực và tính hiệu quả của ADB. Cụ thể như sau:

(1). Giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế đồng đều lợi ích: ADB sẽ chú trọng hỗ trợ về an sinh xã hội, hài hòa về tài chính, và kinh doanh theo hướng đồng đều lợi ích; giúp tăng cường hệ thống quản trị và năng lực thể chế để hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công một cách hiệu quả, kịp thời và không có tham nhũng; cung cấp thêm các nguồn lực cho các quốc gia thành viên đang phát triển có thu nhập thấp, yếu kém và bị ảnh hưởng bởi xung đột. Đến năm 2020, ADB sẽ gia tăng các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục lên đến 6% -10% và các hoạt động trong lĩnh vực y tế lên 3% -5% trong tổng ngân sách hỗ trợ được phê duyệt hàng năm, so với mức 3% cho giáo dục và 2% cho y tế trong giai đoạn 2008- 2012.

(2). Môi trường và biến đổi khí hậu. (i) Mở rộng quy mô hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời vẫn duy trì sự hỗ trợ của mình cho việc giảm thiểu thông qua các dự án năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả và giao thông bền vững; (ii) Tiếp tục lồng ghép khả năng thích ứng và phục hồi đối với tác động của biến đổi khí hậu vào quá trình quy hoạch phát triển, cũng như trong thiết kế và thực hiện dự án; (iv) Tăng cường tích hợp quản lý rủi ro thiên tai để giảm thiểu các rủi ro thiên tai và môi trường, hỗ trợ tiếp cận của các quốc gia thành viên đang phát triển đối với các quỹ toàn cầu và khu vực trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu.

(3). Hợp tác và hội nhập khu vực: (i) Mở rộng kết nối khu vực và mở rộng chuỗi giá trị bằng cách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng xuyên biên giới và kết nối các trung tâm kinh tế để tăng cơ hội kinh doanh và thương mại; (ii) Tăng cường hợp tác tài chính và tiền tệ nhằm đảm bảo ổn định hơn về tài chính, tài khóa và kinh tế vĩ mô trong khu vực.

(4). Phát triển cơ sở hạ tầng: (i) Tăng cường những kết quả của các dự án cơ sở hạ tầng thông qua cải thiện sự tham gia của các ngành, các thiết kế kỹ thuật, và thực hiện dự án; phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trên một quy mô lớn hơn so với nguồn lực của mình có thể tài trợ đồng thời tận dụng đầu tư tư nhân một cách hiệu quả hơn; (ii) Theo đuổi những cải cách về chính sách, quy định và quản trị công nhằm tăng cường các hệ thống quản lý các cơ sở hạ tầng công cộng cũng như phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng.

(5). Các quốc gia có thu nhập trung bình. ADB sẽ hỗ trợ tăng trưởng đồng đều lợi ích, phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện quản trị công ở các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Đối với nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình cao, ADB sẽ trở thành một nhà cung cấp hiệu quả hơn các giải pháp xúc tác, một đối tác về tài chính, đồng thời là một nguồn tri thức và đổi mới.

(6). Sự phát triển và các hoạt động của khu vực tư nhân. ADB sẽ tăng hỗ trợ một cách có hệ thống đối với sự phát triển và các hoạt động của khu vực tư nhân lên 50% các hoạt động thường niên vào năm 2020. Để hỗ trợ các dự án hợp tác công – tư, ADB sẽ giúp xây dựng các khung pháp lý và thể chế cần thiết, hỗ trợ phát triển dự án, và cung cấp các dịch vụ tư vấn giao dịch; tinh giản các quy trình hoạt động, đặc biệt đối với các giao dịch có quy mô nhỏ hơn của khu vực tư nhân.

(7). Các giải pháp tri thức. Phương pháp tiếp cận “Một ADB” sẽ được áp dụng cho tất cả các vụ và phòng ban của ADB làm việc với nhau để cung cấp các giải pháp tri thức. Các cơ quan đại diện thường trú sẽ tìm kiếm quan hệ đối tác tri thức và cơ hội đối thoại với các quốc gia thành viên đang phát triển đồng thời điều phối hỗ trợ của ADB. ADB sẽ phân bổ thêm nguồn lực cho việc thực hiện các công việc liên quan đến tri thức. Các giải pháp tri thức, cùng với các ưu tiên chiến lược khác, sẽ giúp thúc đẩy các giải pháp phát triển và dịch vụ có tính sáng tạo tại các quốc gia thành viên đang phát triển.

(8). Cam kết hoạt động xứng với giá trị đồng tiền tại ADB. ADB sẽ cố gắng nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động và kinh tế thông qua cải tổ và hợp lý hoá hệ thống đấu thầu, giải ngân theo hiệu quả, tăng cường hệ thống thông tin và công nghệ truyền thông nội bộ, đồng thời áp dụng một cách có hệ thống hơn các khung kết quả ở các cấp cơ quan trung tâm, quốc gia và dự án nhằm đánh giá và giám sát hiệu quả các hoạt động của mình cũng như hiệu lực các biện pháp theo định chế.

(9). Kiện toàn nhân sự nhằm đáp ứng với những thách thức mới. ADB sẽ tăng cường một cách toàn diện về kỹ năng của cán bộ, các cơ chế khuyến khích và sắp xếp bộ máy để trở thành một tổ chức năng động, nhanh nhẹn, và sáng tạo hơn. Các cơ quan đại diện thường trú sẽ được cho phép có nhiều quyền hạn và nhiệm vụ hơn. Cán bộ trong nước sẽ đóng một vai trò lớn hơn.

(10). Phát triển bền vững cũng là một nội dung trọng tâm trong chính sách hỗ trợ các nước của ADB. Hội nghị thường niên lần thứ 50 (Yokohama, Nhật Bản, từ ngày 03-07/5/2017) đã thống nhất các lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược Phát triển bền vững đến năm 2030 của ADB, bao gồm: (i) hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng (dự kiến khu vực Châu Á sẽ cần khoảng 1.700 tỷ USD/năm để đầu tư vào cơ sở hạ tầng đến năm 2030); (ii) y tế, giáo dục; (iii) bình đẳng giới; (iv) tăng cường huy động nguồn lực tư nhân, bao gồm thúc đẩy hợp tác công tư và hỗ trợ tư nhân tham gia các dự án phát triển kinh tế, xã hội; (v) tiếp tục cải cách nội bộ thông qua tăng cường chuyên môn, năng lực cho cán bộ; đơn giản hoá quy trình, thủ tục.

II. Chiến lược của ADB đối với khu vực Đông Nam Á

Cách tiếp cận của ADB đối với hợp tác và hội nhập khu vực trong Đông Nam Á sẽ được quyết định thông qua 6 yếu tố cấu thành riêng biệt nhưng có tính bổ sung lẫn nhau.

  1. Tăng cường tiếp cận dựa trên hoạt động và định hướng kết quả

Đặc điểm khác biệt trong hỗ trợ của ADB đối với hợp tác và hội nhập khu vực của Đông Nam Á là cách tiếp cận dựa trên hoạt động và kết quả của nó. Cách tiếp cận này đã đưa ra một lựa chọn khác cho hợp tác và hội nhập khu vực ngoài hai cách tiếp cận thông thường, đó là (i) cách tiếp cận liên chính phủ và (ii) cách tiếp cận theo thị trường Đông Á, trong đó Đông Á đặt mục tiêu đạt kỷ lục về trao đổi thương mại trong nội khối. Chương trình GMS đã chứng tỏ sự thành công vang dội của cách tiếp cận dựa trên hoạt động. Cách tiếp cận này sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hỗ trợ của ADB đối với hợp tác và hội nhập khu vực của Đông Nam Á trong tương lai thông qua (i) xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên biên giới và chuyển đổi cơ sở hạ tầng qua biên giới sang các hành lang kinh tế và các khu vực tăng trưởng và (ii) phát triển phần mềm hoặc các chính sách khu vực như sau:

(i) Cơ sở hạ tầng xuyên biên giới: ADB sẽ tiếp tục tập trung phát triển cơ sở hạ tầng xuyên biên giới và các phần mềm có liên quan trong GMS, BIMP-EAGA, và IMT-GT. Nội dung này sẽ bao gồm các khoản vay của ADB cho: (i) cơ sở hạ tầng khu vực và tiểu vùng, bao gồm cơ sở hạ tầng đa phương thức xuyên biên giới và các trang thiết bị hậu cần, năng lượng, phát triển đô thị, nông nghiệp và du lịch; và (ii) các dự án và chương trình cơ sở hạ tầng quốc gia liên quan mang tính khu vực hoặc xuyên biên giới.

(ii) Phần mềm liên kết (Chính sách khu vực): Phát triển cơ sở hạ tầng xuyên biên giới đòi hỏi phải có sự hỗ trợ tài chính đáng kể đối với (i) phát triển các chính sách khu vực cần thiết; (ii) hài hòa hóa và đơn giản hóa các quy định, thủ tục và tiêu chuẩn hiện hành; (iii) thành lập các thể chế khu vực; và (iv) đánh giá và giám sát các dự án và chương trình cơ sở hạ tầng xuyên biên giới…

(còn nữa)

Nguyễn Bình

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here