Chiến lược của Chính phủ Đức “cứu” lĩnh vực công nghiệp

0
737

Đức – nền kinh tế mạnh nhất châu Âu đang suy yếu. Lý do chính là do chi phí năng lượng cao. Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức đã lên kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, nhưng kế hoạch đó đang phải đối mặt với nhiều sự chỉ trích.

Tâm trạng chung của nền kinh tế Đức hiện ở mức ảm đạm.

Tâm trạng chung của nền kinh tế Đức hiện ở mức ảm đạm. Trong khi nền kinh tế của hầu hết các quốc gia công nghiệp lớn khác trên thế giới đang phát triển tốt, thì Đức – nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và lớn nhất châu Âu – lại phải đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Theo dự báo, kinh tế Đức có thể suy giảm 0,4% trong năm nay. Kết quả một cuộc khảo sát do Hiệp hội các nhà sử dụng lao động Đức (BDA) thực hiện vào tháng 10/2023 cho thấy có tới 82% số doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát thể hiện sự không chắc chắn về câu hỏi liên quan tới việc định vị Đức là một địa điểm kinh doanh hấp dẫn, 88% cho rằng chính phủ không có chiến lược phù hợp để giải quyết khủng hoảng.

Bài viết trên tạp chí Focus nhận định, căng thẳng địa chính trị, sự chuyển đổi tốn kém sang một nền công nghiệp trung hòa với khí hậu, cơ sở hạ tầng nhiều năm bị bỏ quên, thiếu số hóa, thiếu lao động lành nghề và tình trạng quan liêu vẫn còn phổ biến: tất cả những yếu tố này đang khiến nền công nghiệp Đức phải chịu áp lực rất lớn. Trong khi đó lĩnh vực công nghiệp vẫn là cốt lõi của nền kinh tế Đức.

Chiến lược công nghiệp mới

Vào giữa tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Binh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck đã công bố chiến lược công nghiệp mới của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu. Theo chiến lược, một trong những nội dung quan trọng là chính phủ phải cung cấp sự hỗ trợ lớn hơn cho nền kinh tế Đức trong vài năm tới, tương tự như cách tiếp cận của Mỹ trong việc thiết lập chương trình đầu tư trị giá tổng cộng gần 740 tỷ USD thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA). Trong chương trình này, ngoài các biện pháp chống biến đổi khí hậu và định hướng lại nền kinh tế Mỹ theo hướng tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, Washington còn thực hiện biện pháp giảm thuế toàn diện cho các doanh nghiệp.

Vấn đề ở đây là chiến lược công nghiệp do Bộ trưởng Habeck đưa ra chưa được phối hợp tốt ngay trong nội bộ liên minh “Đèn giao thông” (gồm đảng Dân chủ xã hội SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do FDP). Một số chính trị gia thể hiện sự ngạc nhiên khi Bộ trưởng Habeck thuộc đảng Xanh lại vội vã công bố chiến lược này. Họ cho rằng một số nội dung trong chiến lược công nghiệp sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế và cả các công đoàn lao động.

Trợ cấp lớn cho giá điện

Yếu tố trọng tâm trong chiến lược công nghiệp mà Bộ trưởng Habeck công bố là việc cung cấp khoản trợ cấp lớn cho giá điện công nghiệp. Trong nhiều thập kỷ, mô hình kinh tế của Đức là các sản phẩm được sản xuất bằng năng lượng giá rẻ (chủ yếu là khí đốt từ Nga) và được bán ra thị trường thế giới với giá cao.

Nước Đức là cường quốc xuất khẩu hàng đầu thế giới, cụm từ “Made in Germany” là lời khẳng định về chất lượng. Nhưng từ khi cuộc xunug đột Nga-Ukraine nổ ra, khí đốt giá rẻ từ Nga chảy qua hệ thống đường ống tới Đức không còn được cung cấp nữa, thay vào đó là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền vận chuyển tới Đức bằng tàu biển từ các quốc gia khác.

Từ đó, giá năng lượng tại Đức bùng nổ, giá điện cũng tăng vọt và hiện đã thuộc nhóm các quốc gia có giá điện cao nhất thế giới. Giá điện bình quân cho người dân hiện nay là 40 xu euro/KWh, trong khi giá điện công nghiệp là 24 xu euro/KWh. Trong nhiều tháng, Bộ trưởng Habeck đã nỗ lực thiết lập mức giá điện công nghiệp do nhà nước trợ cấp là 6 xu euro/KWh nhưng chỉ cho các doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều năng lượng.

Tranh cãi trong liên minh “Đèn giao thông”

Trên thực tế, việc làm cho giá điện trở nên rẻ hơn không phải là yêu cầu hàng đầu của đảng Xanh mà Bộ trưởng Habeck là một thành viên cốt cán. Nhưng đảng Xanh đã nhận ra rằng nền kinh tế và xã hội không nên bị đánh thuế quá cao, vì điều đó sẽ khiến người dân ngày càng lựa chọn đi theo các đảng phái khác nhiều hơn. Quan điểm này cũng được nhóm nghị sỹ đảng SPD chia sẻ. Tuy vậy, Thủ tướng Olaf Scholz của SPD vẫn đang thể hiện sự hoài nghi về điều này.

Thủ tướng Scholz lo ngại rằng giá điện quá rẻ sẽ làm tăng nhu cầu và tạo ra tình trạng tắc nghẽn nguồn cung. Mặt khác, khi các công ty nhận được năng lượng giá rẻ do trợ cấp của nhà nước, họ sẽ không còn chịu bất kỳ áp lực nào trong việc nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình hoạt động trung hòa với khí hậu nữa.

Đảng FDP cũng phản đối mạnh mẽ kế hoạch trợ cấp giá điện của Bộ trưởng Habeck. Đảng này cho rằng việc củng cố ngân sách quốc gia là điều không thể bàn cãi. Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner thuộc đảng FDP nhấn mạnh không có nguồn tài chính trị giá hàng tỷ euro nào để có thể cung cấp hỗ trợ lớn cho giá điện như vậy. Ông đưa ra ý tưởng giảm thuế điện cho tất cả mọi người dân và doanh nghiệp thay vì chỉ cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.

Năng lượng đắt đỏ ảnh hưởng tới nền công nghiệp Đức

Nhưng không chỉ Bộ trưởng Habeck lo ngại về giá điện cao, ngành công nghiệp và các công đoàn lao động Đức cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng nền kinh tế rất khó hoạt động nếu chính phủ không trợ giá điện. Trong một hội nghị công nghiệp gần đây, Bộ trưởng Habeck nhấn mạnh nước Đức đang đối mặt với nguy cơ dần mất đi các ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng – cốt lõi của chuỗi giá trị công nghiệp Đức – do xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài của các doanh nghiệp.

Trước đó Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) cũng đã cảnh báo nguy cơ các công ty sử dụng nhiều năng lượng của Đức sẽ di chuyển ra nước ngoài, do giá năng lượng ở Đức quá cao. Điều này sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Ông Jürgen Kerner, lãnh đạo Liên đoàn công nghiệp Metall, cho biết không chỉ các công ty lớn cần được hỗ trợ, mà nhiều công ty quy mô vừa và nhỏ cũng đang rất cần điều này. Hoạt động sản xuất sẽ dịch chuyển ra nước ngoài hoặc dừng lại. Ông cho biết nhiều nhà máy luyện nhôm hay các xưởng rèn, đúc kim loại đang phải ngừng sản xuất. Nguy cơ sa thải công nhân, đóng cửa nhà máy hoặc phá sản ngày càng tăng.

Theo bài viết trên báo NTV, sau các cuộc thảo luận khó khăn, ngày 11/9, chính phủ “Đèn giao thông” ở Đức đã đạt được một thỏa thuận về việc giảm giá điện cho nền kinh tế thông qua cải cách thuế (thỏa thuận này có nhiều khác biệt so với đề xuất giảm giá điện trực tiếp xuống còn 6 xu euro mỗi kilowatt/giờ điện của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức). Một trong những nội dung cốt lõi của kế hoạch này bao gồm việc giảm thuế điện cho toàn bộ nền kinh tế, cũng như mở rộng mức hỗ trợ giá điện hiện tại cho các tập đoàn tiêu thụ nhiều điện năng với giá cao.

Theo thỏa thuận, mức thuế điện sẽ giảm từ khoảng 2% hiện nay xuống mức tối thiểu 0,05%. Ngoài ra, 350 doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế đặc biệt lớn và phải chịu giá điện cao sẽ nhận được sự hỗ trợ bổ sung trong 5 năm. Bên cạnh đó, thỏa thuận còn cung cấp nhiều biện pháp hỗ trợ khác cho nền kinh tế.

NTV cho biết, nếu so sánh trên phạm vi quốc tế, giá điện của Đức hiện ở mức rất cao đối với cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp, đặc biệt là với các ngành sử dụng nhiều năng lượng như công nghiệp hóa chất, sản xuất thép, nhôm, vật liệu xây dựng… Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy các ngành công nghiệp ở Đức phải trả chi phí giá điện cao gấp ba lần so với ở Mỹ hoặc Canada.

Vũ Tùng 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here