Các công ty lữ hành Bỉ khẳng định tiếp tục quảng bá du lịch Việt Nam

0
46
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU giới thiệu những chính sách mới của Việt Nam để thúc đẩy du lịch. (Nguồn: TTXVN)

Đại diện các hãng du lịch Bỉ quan tâm tới thị trường du lịch Việt Nam, tìm hiểu cách thức đi lại trong nước, khẳng định tiếp tục quảng bá du lịch Việt Nam tới khách hàng Bỉ và châu Âu.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU giới thiệu những chính sách mới của Việt Nam để thúc đẩy du lịch. (Nguồn: TTXVN)

Nhằm thúc đẩy thị trường du lịch hội thảo – hội nghị – nghỉ dưỡng (MICE) ở Việt Nam, sáng 9/11, tại thành phố Anvers của Bỉ, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ đã phối hợp với công ty du lịch Asian Trail Vietnam tổ chức hội thảo xúc tiến du lịch tại thị trường Bỉ. Sự kiện có sự tham dự của đại diện 10 công ty, đại lý du lịch Bỉ hiện đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), đã giới thiệu những chính sách mới của Việt Nam để thúc đẩy du lịch như chính sách visa mang tính cởi mở và thuận tiện của Chính phủ đối với người nước ngoài có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Việc áp dụng visa điện tử đối với công dân tất cả 257 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thúc đẩy mối quan hệ quốc tế.

Trước đó, visa điện tử được Việt Nam áp dụng đối với 80 quốc gia. Ngoài ra, theo chính sách thị thực mới, thời hạn visa điện tử tăng từ 1 tháng lên tối đa 3 tháng, tạo điều kiện để người nước ngoài có thêm thời gian trải nghiệm và khám phá đất nước Việt Nam.

Đại diện cho hãng lữ hành APG – Tổng đại lý của hãng hàng không Vietnam Airlines tại thị trường Bỉ, bà Iako Khomeriki cho biết, Vietnam Airlines là hãng hàng không được du khách ưa chuộng khi bay về Việt Nam. Sau đại dịch Covid-19, kể từ tháng 6/2022, đường bay châu Âu của hãng đang được tăng tần suất trở lại.

Vietnam Airlines đang khai thác 10 đến 11 chuyến bay mỗi tuần giữa Việt Nam và Pháp. Các chuyến bay đều khai thác bằng tàu bay thân rộng Airbus A350. Trong khi đó, đường bay đi Đức tăng tần suất từ 6 lên 7 chuyến/tuần với các chuyến bay xuất phát từ Hà Nội. Đây là những thuận lợi để du khách châu Âu khám phá Việt Nam.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty Asian Trails Vietnam, có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh về những thế mạnh du lịch MICE ở Việt Nam như khám phá ẩm thực các vùng miền, du lịch miệt vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long, khám phá cảnh đẹp của Tràng An, tỉnh Ninh Bình, nơi được mệnh danh “Hạ Long trên cạn”, hay trải nghiệm tại vùng núi phía Bắc của Việt Nam có địa danh nổi tiếng Sapa. Khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Hội An cũng là những điểm đến hấp dẫn. Hơn nữa, Việt Nam cũng là điểm trung chuyển thuận lợi đối với các chuyến bay tới Lào, Campuchia.

Đại diện các hãng du lịch Bỉ đặt nhiều câu hỏi về thị trường du lịch Việt Nam, cách thức đi lại trong nước… và khẳng định tiếp tục quảng bá du lịch Việt Nam tới khách hàng Bỉ và châu Âu.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên cho biết, sau đại dịch Covid-19, cần phải khởi động lại thị trường du lịch MICE. Hơn nữa, đây cũng là thị trường mà khách hàng Bỉ quan tâm nhiều hơn so với các nước khác ở châu Âu như Hà Lan, Anh. Những năm trước đại dịch, du khách Bỉ đã đến Việt Nam khá nhiều.

Ông Tom Van Beek, Trưởng bộ phận quản lý khách hàng cao cấp thuộc công ty du lịch De Buck Agency, cho biết đã hoạt động tại thị trường Việt Nam từ 20 năm nay. Khách hàng của ông rất hài lòng khi đến Việt Nam, có nhiều điều thú vị để khám phá. Đặc biệt, du khách rất yêu thích ẩm thực Việt Nam. Với một chuyến đi từ 8-10 ngày, du khách có rất nhiều lựa chọn ở đất nước này.

Tuy nhiên, theo ông Tom Van Beek, thách thức đối với các công ty du lịch Bỉ nói chung hiện nay, đó là chưa có đường bay thẳng từ Bỉ tới Việt Nam. Các chuyến bay từ 1 đến 2 điểm dừng và thời gian 17-18 tiếng là một hạn chế khi đưa du khách tới Việt Nam.

Theo thống kê, du khách đến từ các nước châu Âu không nằm trong tốp 10 thị trường gửi khách lớn nhất vào Việt Nam trong những tháng đầu năm, nhưng đây luôn là nhóm khách có mức chi tiêu cao, yêu thích văn hóa bản địa Việt Nam.

Để nhóm khách này trở lại đông vui, tấp nập, ngoài chương trình quảng bá, xúc tiến cần có thêm những chính sách hỗ trợ để hấp dẫn du khách chọn Việt Nam chứ không phải điểm đến nào khác. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn thế giới còn khó khăn, du khách e dè hơn trong mua sắm, trong khi du khách châu Âu chủ yếu là người hưu trí.

Chi tiêu mua sắm cho nhóm khách này giảm đi do chi phí cuộc sống, vì thế, các tour tuyến Việt Nam khi làm sản phẩm trong thời gian tới cũng phải có điều chỉnh cho phù hợp.

Hiện một số công ty du lịch đã có những thiết kế tour mới theo hướng tiết kiệm hơn, tối ưu chi phí cho hành trình tour để không giảm chất lượng và không tăng giá bán. Chẳng hạn thêm trải nghiệm tàu hỏa, xe khách trong tour thay vì đi máy bay, lựa chọn thực đơn phù hợp…

Theo kế hoạch, trong hai tháng cuối năm, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón thêm 2,5 – 3 triệu lượt khách quốc tế, và có thể đạt mục tiêu đón hơn 12 triệu lượt khách trong năm nay.

Hoàng Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here