Đại dịch COVID-19 đã bước sang tháng thứ 4 với những kỷ lục về số ca nhiễm bệnh và tử vong liên tiếp được thiết lập. Không chỉ khiến hệ thống y tế công cộng của các nước bị kiệt quệ mà COVID-19 còn gây ra cuộc khủng hoảng thất nghiệp với quy mô lớn, khiến nhiều nền kinh tế chao đảo. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia châu Âu đang tăng tốc hỗ trợ người thất nghiệp và nỗ lực làm giảm bớt những tác động của COVID-19 gây ra.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, rủi ro mất việc cao
Sau 4 tháng quay cuồng với đại dịch COVID-19, thế giới hiện có hơn 3,5 triệu người nhiễm bệnh và hơn 248 nghìn người tử vong, trong đó châu Âu là lục địa chịu nhiều tác động nặng nề nhất, chiếm gần 50% ca nhiễm bệnh và hơn 60% ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới. Các nước châu Âu có số ca tử vong lớn nhất do COVID-19 là Italy (với hơn 28,8 nghìn người), tiếp đến là Anh (28,4 nghìn ca tử vong), Tây Ban Nha (25,2 nghìn ca) và Pháp (24,8 nghìn ca).
Không chỉ gây thiệt hại về người, COVID-19 cũng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế châu Âu. Trong quý I-2020, GDP của Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 3,5% so với quý IV-2019. Đây là mức giảm mạnh nhất của EU kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Pháp dự báo suy giảm kinh tế 5,8% trong quý I, Tây Ban Nha là 5,2%, trong khi tại Đức, người đứng đầu Cơ quan lao động Liên bang Đức Detlef Scheele thừa nhận nước này đang trong thời kỳ suy thoái lớn nhất kể từ năm 1949. Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức Peter Altmaier dự báo GDP nước này sẽ giảm 6,3% trong năm 2020. Đây là đợt suy thoái lần đầu tiên sau 10 năm Đức đạt tăng trưởng.
Trong lĩnh vực việc làm, riêng trong tháng 3-2020, tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã tăng lên mức 7,4%. Trong khi đó, khu vực Liên minh châu Âu ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 6,6% với hơn 14 triệu người. Giá nhiên liệu sụt giảm mạnh do khủng hoảng của thị trường dầu mỏ trong những tuần gần đây nhưng giá thực phẩm lại đang tăng vọt (3,6%), nhất là sản phẩm tươi sống. Vào tháng 3/2020, chỉ một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch, giao thông, giải trí… nhưng đến tháng 4, toàn bộ các lĩnh vực kinh tế của khu vực đã “đóng cửa” do chính sách giãn cách xã hội.
Theo các chuyên gia, khoảng 55 triệu người ở châu Âu đang làm việc trong các ngành nghề có rủi ro mất việc cao như nhân viên thu ngân khối bán lẻ, đầu bếp, công nhân xây dựng và nhân viên khách sạn. Trong đó, 80% số công việc có rủi ro mất việc cao là những công việc không yêu cầu cần có bằng đại học và nhân viên làm việc tại các công ty nhỏ đứng trước nguy cơ mất việc cao.
Theo các chuyên gia, nếu như cuộc khủng hoảng năm 2008 tác động chủ yếu đến giới tài chính, thì lần này ảnh hưởng nặng nề đến những người lao động ở độ tuổi còn trẻ trong ngành dịch vụ. Sinh viên sắp ra trường cũng là một trong những đối tượng chịu tác động tiêu cực vì khó có thể tìm được việc trong giai đoạn tồi tệ của nền kinh tế. Các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện hàng loạt giải pháp để tồn tại trong đó có việc giảm bớt nhân lực, không gia hạn hợp đồng ngắn hạn.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, những số liệu mới công bố trên chỉ thể hiện thực trạng của quý I trong khi sang quý II tình hình còn tồi tệ hơn nhiều. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), chưa thấy có triển vọng cụ thể cho nền kinh tế khu vực do biện pháp phong tỏa còn kéo dài và chưa rõ đến giai đoạn nào dịch sẽ được khống chế hoàn toàn.
Trong khi đó, hãng tư vấn McKinsey thì cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể khiến gần 60 triệu việc làm tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh biến mất. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực EU sẽ tăng vọt từ mức 6% lên hơn 11% và tình trạng thất nghiệp cao sẽ còn duy trì trong nhiều năm nếu như dịch bệnh không sớm được kiểm soát. Thậm chí, hãng McKinsey còn đưa ra giả định rằng nếu các quốc gia châu Âu thất bại trong việc khống chế dịch bệnh trong vòng 3 tháng tới và buộc phải tiếp tục các biện pháp cách ly xã hội trong suốt mùa hè năm 2020 thì tỷ lệ thất nghiệp của khu vực EU sẽ đạt mức kỷ lục 11,2% trong năm 2021 và thị trường lao động tại đây sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024.
Tăng tốc hỗ trợ người thất nghiệp
Những ngày gần đây, diễn biến dịch tại châu Âu đã có dấu hiệu giảm đi, phần lớn nhờ vào các biện pháp cách ly xã hội cứng rắn của chính phủ các nước. Theo đó số ca nguy kịch đã giảm đi tại Pháp và Italy. Tây Ban Nha cũng ghi nhận số ca tử vong trong ngày thấp hơn mức 300 ca/1 ngày, thấp hơn nhiều so với khi dịch bệnh lây lan mạnh. Anh ngày 30-4 cũng đã tuyên bố nước này đã qua đỉnh dịch… Nhờ vậy, một số nước đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa từ ngày 4-5.
Đức, Áo, Na Uy, Đan Mạch là những nước dẫn đầu trong việc nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa nhằm giảm thiểu tác động về kinh tế. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết sẽ cho phép các nhà máy và khu vực xây dựng hoạt động từ ngày 4-5 trước khi thông qua việc mở cửa trở lại cho nhiều doanh nghiệp hơn trong những tuần tiếp theo. Đức sẽ mở cửa lại các sân chơi, bảo tàng từ ngày 4-5 và quyết định sẽ tiếp tục từng bước mở cửa các trường học cũng như sự kiện thể thao trong những ngày tới. Pháp thông báo sẽ bắt đầu thận trọng nới lỏng phong tỏa từ ngày 11-5 nhằm tránh thiệt hại thêm về kinh tế. Tuy nhiên, chính quyền Pháp khẳng định sẽ không chấm dứt lệnh phong tỏa toàn quốc nếu như số ca mắc mới không giảm xuống dưới 3.000 ca một ngày…
Nhìn chung, phần lớn các nước châu Âu đã cho phép mở cửa những dịch vụ kinh doanh nhỏ; các cơ sở văn hóa như bảo tàng, công viên, thư viện; nối lại hoạt động thể thao ngoài trời không tập trung đông người. Tuy nhiên, người dân vẫn duy trì các biện pháp giãn cách xã hội. Một số nước cho phép trường hợp mở cửa trở lại nhưng các lớp chỉ đón số lượng học sinh hạn chế…
Bên cạnh nới lỏng lệnh phong tỏa, châu Âu đang xem xét việc khởi động lại nền kinh tế theo 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, các trường học, cửa hàng quy mô nhỏ, công ty… sẽ mở cửa trở lại, người dân được phép ra đường sau thời gian cách ly. Đây cũng là giai đoạn nhiều doanh nghiệp được phép hoạt động nhưng với công suất thấp để bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch bệnh. Trong 3 tuần sau đó, nếu dịch không bùng phát trở lại, giai đoạn 2 sẽ cho phép những cửa hàng quy mô lớn và nhỏ, dịch vụ mở cửa, người dân được tụ tập tối đa 10 người. Khoảng 6 tuần kể từ thời điểm nới lỏng đầu tiên, giai đoạn 3 sẽ bắt đầu và các nhà hàng, rạp chiếu phim… được hoạt động.
Ngoài ra, để hỗ trợ việc khôi phục kinh tế, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua gói tài chính trị giá 540 tỷ EUR dành cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi kích hoạt gói hỗ trợ này trước ngày 1-6 tới. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang trấn an các nước EU và đề cập đến khả năng tăng quy mô hỗ trợ tới mức cần thiết để vượt qua khủng hoảng. Ngoài ra, ECB tuyên bố giảm tiếp lãi suất để các ngân hàng có thể cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. ECB đang tính đến các biện pháp sâu rộng hơn nữa, dự kiến đưa ra trong tháng 6, bao gồm kế hoạch khắc phục hậu quả dịch bệnh trị giá 1.000 tỷ EUR trở lên.
Trong khi đó, nhằm hỗ trợ người thất nghiệp, hãng tư vấn McKinsey đã đưa ra lời khuyên đề nghị các doanh nghiệp và chính phủ cần có biện pháp nhanh chóng để bảo vệ việc làm. Các công ty nên cắt giảm chi phí, tách ca làm việc và cho phép làm việc từ xa, online nếu có thể. Chính phủ các nước cũng nên cung cấp bảo lãnh cho vay, giảm thuế và trả bảo lãnh cho người lao động… Khi dịch bệnh có dấu hiệu đi xuống và nền kinh tế bắt đầu mở ra, chính phủ và doanh nghiệp tại châu Âu cũng nên có những kế hoạch lâu dài, cụ thể và điều chỉnh dần các biện pháp được thực hiện trong thời gian cách ly xã hội./.
Trọng Đức