Châu Âu hậu COVID-19: Bế tắc tài chính và tan rã?

0
281
(Theparliamentmagazin)
Cách tiếp cận của EU đối với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 sẽ xác định độ tin cậy và tính hữu dụng của tổ chức này sau khi đại dịch kết thúc. (Nguồn: Theparliamentmagazin)

Trong những năm vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã phải chịu áp lực ngày càng tăng từ nhiều vấn đề như tiến trình Anh rời EU (Brexit), làn sóng người tị nạn và suy thoái kinh tế, nhưng về cơ bản liên minh này vẫn vượt qua từng thách thức và duy trì sức mạnh của liên minh. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đang khiến cho sự vững vàng của EU bị đặt dấu chấm hỏi. Tác giả Amin Bagheri, trong bài viết đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA), đã đưa ra đánh giá về các vấn đề hiện tại của EU và tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 mang lại.

Lịch sử ghi nhận, trong những sự kiện xảy ra trên thế giới, EU luôn thể hiện là nhà viện trợ nhân đạo hàng đầu, cung cấp một tỷ lệ lớn lượng tài trợ toàn cầu để cứu trợ khẩn cấp cho các nạn nhân của các thảm họa. Tuy nhiên, COVID-19 đang khiến EU mất đi hình ảnh đó khi cuộc khủng hoảng này nguy hiểm và lan rộng đến mọi khía cạnh chính trị, xã hội và kinh tế của khu vực. Ngoài mối lo vì số người nhiễm bệnh và tử vong do bệnh dịch, suy thoái kinh tế hậu đại dịch sẽ là một trở ngại lớn cho sự thống nhất của EU.

Kinh nghiệm năm 2008 cho thấy, EU có thể vượt qua được khủng hoảng kinh tế, song đại dịch COVID-19 đã tạo ra cú sốc y tế thực sự đối với liên minh này. Dịch bệnh đã buộc hầu hết các quốc gia giữ người dân ở trong nhà và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khiến các hoạt động kinh tế, xã hội bị đình trệ. Người dân sẽ làm việc ít đi, đầu tư ít hơn và chi tiêu cũng giảm sút. Cuộc sống người dân bị đảo lộn, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề và thậm chí nhiều nơi phải cầu cứu tới sự hỗ trợ của chính phủ.

Tuy nhiên, vấn đề là chính phủ các quốc gia khó có thể đảm bảo sự hỗ trợ tài chính như vậy. Tại Italy, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu bởi dịch bệnh đã nhiều lần phải kêu gọi sự hỗ trợ của EU để giúp giải quyết khủng hoảng, song gần như không nhận được hồi đáp. Trước khi đại dịch xảy ra, tỷ lệ nợ trên GDP tại Italy là 134%, con số này ở Pháp và Tây Ban Nha là 100%. Với sự gia tăng mạnh về lợi suất trái phiếu, không có kích thích kinh tế đáng kể tại nhiều quốc gia EU.

Ngay cả các cường quốc kinh tế của EU như Pháp, Đức cũng chịu tác động tiêu cực bởi COVID-19 đến mức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra những dự báo tăng trưởng kinh tế tiêu cực trong năm 2020. Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã phải thực hiện các biện pháp chưa từng có để giữ nền kinh tế phát triển và không có hy vọng có thể giúp đỡ nhiều cho các nước EU khác như đã từng làm trong các cuộc khủng hoảng trước đó.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố quốc gia của mình đã bị bỏ rơi trong cuộc chiến với COVID-19. Tuyên bố tương tự cũng đến từ Chính phủ Tây Ban Nha đối với EU và các nước phát triển như Pháp và Đức. Các quan chức EU luôn theo đuổi một chủ nghĩa đa phương, tuân theo các nguyên tắc và quy tắc của EU, sự hợp tác và hỗ trợ của các thành viên trong việc đưa ra các quyết định. Tuy nhiên, giờ đây EU không chỉ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dịch bệnh mà còn là một cuộc khủng hoảng ngày càng tăng về tính hợp pháp và bản sắc.

Mặc dù sự bất mãn của chính phủ và thậm chí cả người dân các nước Italy và Tây Ban Nha về việc thiếu sự hỗ trợ trong khủng hoảng, gốc rễ của cuộc khủng hoảng của EU dường như còn sâu sắc hơn là chỉ đổ lỗi cho đại dịch hiện nay. Điều đó có thể bắt nguồn từ mối quan hệ kinh tế của các quốc gia Bắc Âu như Đức, Hà Lan, Pháp và các nước Nam Âu như Italy và Tây Ban Nha. Mối quan hệ đó phản ánh sự tương phản về khác biệt kinh tế giữa phía Bắc và phía Nam của “lục địa già”.

Đại dịch dường như chỉ là chất xúc tác làm rõ hơn các vấn đề còn tồn tại ở EU, đặc biệt là sau khi các nước phía Nam không nhận được sự hỗ trợ của các nền kinh tế phát triển phía Bắc. Chính phủ Italy và Tây Ban Nha đã thẳng thắn tuyên bố sự bỏ rơi đó là vi phạm các nguyên tắc của EU.

Mặc dù EU cho đến nay đã phân bổ các khoản tiền lớn để chống dịch ở các quốc gia thành viên, nhưng những con số này là không đủ và châu Âu nhiều nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Dường như các nước EU không thể đạt được thỏa thuận về việc thông qua kế hoạch tài chính chung mạnh mẽ trước một cuộc khủng hoảng y tế lớn chưa từng có.

COVID-19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và tính hợp pháp của EU. Cựu Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jacques Dolour đã đưa ra cảnh báo trong kịch bản xấu nhất, đại dịch có thể “đánh sập” nền kinh tế EU, nhấn mạnh sự bất hợp tác và mâu thuẫn giữa chính phủ các nước thành viên là yếu tố đe dọa lớn nhất.

Tóm lại, cách tiếp cận của EU đối với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 sẽ xác định độ tin cậy và tính hữu dụng của tổ chức này sau khi đại dịch kết thúc. Với sự thiếu hụt về thanh khoản tài chính trên thị trường và sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên EU trong tình huống nguy cấp, hậu quả của cuộc khủng hoảng là rất đáng lo ngại.

EU đang không có phương án hợp lý đối với nền kinh tế cho đến nay. Bi quan hơn, sự phản đối công khai của Anh đối với EU khi đưa ra quyết định rời khỏi tổ chức này có thể được nhiều nước xem xét lại. Sự bế tắc tại Italy, Tây Ban Nha và các thành viên khác có thể là bước ngoặt dẫn đến sự sụp đổ của EU trong thời gian tới./.

Hoàng Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here