Vai trò trung tâm tài chính thế giới của Hong Kong “lung lay”?

0
86
Hong Kong là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á và thế giới (Nguồn:: SCMP)
Hong Kong là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á và thế giới (Nguồn: SCMP)
Giới chuyên gia lo ngại rằng nếu Trung Quốc nhất quyết thông qua Quyết định xây dựng và kiện toàn chế độ pháp luật cùng cơ chế chấp hành bảo vệ an ninh quốc gia của Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (thường được gọi là đạo luật an ninh Hong Kong), Trung Quốc khó tránh được khả năng bị Mỹ trừng phạt và trong cơn sóng gió quan hệ Mỹ-Trung, Hong Kong cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Vấn đề được mọi người quan tâm chú ý nhất hiện nay là các nghị sỹ bảo trợ Dự luật Tự trị Hong Kong đã kiến nghị trừng phạt ngân hàng chủ yếu của Trung Quốc. Nếu điều này trở thành hiện thực và Mỹ cấm các ngân hàng liên quan sử dụng hệ thống thông tin của Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT), hệ thống tài chính của Hong Kong sẽ đổ vỡ.
Trước khi Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu thông qua đạo luật an ninh Hong Kong, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã ra tuyên bố nêu rõ Bộ Ngoại giao nước này nhận định Hong Kong có lẽ không còn được Trung Quốc cho hưởng những quyền tự trị nữa và sẽ báo cáo Quốc hội Mỹ về vấn đề này.

Theo các nghị sỹ bảo trợ cho Dự luật Tự trị Hong Kong, sở dĩ họ đưa ra dự luật này là để bổ sung cho Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong (được Mỹ ban hành vào cuối năm 2019 sau những diễn biến liên quan tới Dự luật dẫn độ Hong Kong). Với Dự luật Tự trị Hong Kong, phạm vi trừng phạt được mở rộng, gắn chặt với hệ thống tài chính và giúp tăng cường hiệu quả trừng phạt.

Tờ Economic Journal ngày 28/5 cho rằng khi Mỹ-Trung “lời qua tiếng lại” về đạo luật an ninh Hong Kong, không ít người nhận định nếu Mỹ chấm dứt vị thế đặc biệt của Hong Kong, nước này cũng chịu tổn thất lớn. Cho nên, trừng phạt chỉ là “giơ cao đánh khẽ”. Tuy nhiên, có một sự thật là việc Washington chấm dứt vị thế đặc biệt của Hong Kong chỉ là một trong số những lựa chọn. Mỹ có rất nhiều quân bài đối phó với việc Trung Quốc thông qua đạo luật an ninh Hong Kong và việc bố trí chiến tranh tài chính hay đưa ra các dự luật liên quan đều nằm trong tính toán.

Rõ ràng, hệ thống vận hành của các ngân hàng Trung Quốc về cơ bản vẫn chịu sự khống chế của hệ thống tài chính Mỹ và đồng USD. Cho nên, các nghị sỹ bảo trợ Dự luật Tự trị Hong Kong cho rằng việc áp dụng biện pháp chế tài đối với đại đa số ngân hàng lớn của Trung Quốc sẽ tạo ra sức răn đe hiệu quả. Đây chính là sách lược “ra đòn chính xác” mà Washington muốn áp dụng đối với Trung Quốc và chiêu thức đơn giản nhất là cấm các ngân hàng liên quan sử dụng hệ thống thông tin SWIFT.

Hiện nay, các ngân hàng trên thế giới đều sử dụng hệ thống SWIFT để giao dịch hoặc trao đổi thông tin. Mỗi thành viên SWIFT được cấp 1 mã giao dịch gọi là SWIFT. Các thành viên trao đổi thông tin/chuyển tiền cho nhau dưới dạng các SWIFT message, là các bức điện được chuẩn hóa dưới dạng các trường dữ liệu và ký hiệu để máy tính có thể nhận biết và tự động xử lý giao dịch. Cho nên nếu bị trừng phạt, ngân hàng Trung Quốc sẽ không thể giao dịch với ngân hàng nước ngoài, khiến một lượng lớn tiền gửi sẽ bị rút đi, từ đó tác động mạnh tới hệ thống tài chính của Hong Kong.

Bề ngoài, hệ thống SWIFT là một cơ cấu độc lập, nhưng nhờ sức mạnh của đồng USD, quyền chủ đạo lại chủ yếu nằm trong tay Mỹ. Iran và Nga từng bị chấm sử dụng hệ thống SWIFT khiến hệ thống tài chính và đồng nội tệ của hai nước này bị ảnh hưởng lớn. Hong Kong hiện là trung tâm tài chính thế giới, nếu để tình trạng trên xảy ra, hậu quả sẽ rất khủng khiếp.

Ngoài ra, các quỹ đầu tư rủi ro nước ngoài đã nhiều lần bán khống đồng HKD của Hong Kong để tấn công vào cơ chế neo tỷ giá của đồng HKD, nhưng đều chịu tổn thất lớn. Lần này, nếu Mỹ áp dụng biện pháp chế tài đối với các ngân hàng Trung Quốc, sẽ mang tới thời cơ để các quỹ đầu tư rủi ro nước ngoài tấn công đồng HKD một lần nữa. Với dự trữ ngoại tệ hùng hậu (gần 446 tỷ USD), Hong Kong có thể chống đỡ được đòn tấn công đó, nhưng thị trường tài sản chắc chắn sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Từ khi Mỹ-Trung lâm vào chiến tranh thương mại, giới kinh tế Trung Quốc cơ bản chia thành hai phe: Chủ chiến và chủ hòa. Phe chủ chiến (cứng rắn) cho rằng Trung Quốc là nước lớn về nhu cầu trong nước, khả năng chịu đựng tốt hơn Mỹ, cho nên, chiến tranh thương mại là không đáng sợ. Tuy nhiên, trên phương diện chiến tranh tài chính, dường như mọi chuyên gia kinh tế Trung Quốc đều cho rằng Bắc Kinh phải ra sức tránh. Bởi một khi chiến tranh tài chính bùng nổ, diễn biến như thế nào thì không phải một mình Trung Quốc có thể kiểm soát được.

Xem xét tình hình hiện nay có thể thấy Quốc hội Trung Quốc gần như không thể dừng việc thông qua đạo luật an ninh Hong Kong và các đòn trừng phạt của Mỹ đã như “tên lắp vào cung”. Thị trường tài chính Hong Kong sắp trở thành mặt trận và mức độ khốc liệt của cuộc chiến tranh tài chính sẽ không hề kém so với “cuộc chiến tranh nóng”.

Theo nhiều chuyên gia, phía Mỹ đã từ bỏ sách lược tiếp xúc với Trung Quốc và chuyển sang kiềm chế toàn diện. Điều này cho thấy rõ ý đồ “tách rời” toàn diện với Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Bắc Kinh đã sẵn sàng đối phó với thách thức lớn này hay chưa?

Hà Ngọc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here