“Cây cầu nối thiết thực” hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững

0
68
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh và đoàn công tác thăm Phòng Điều khiền trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là những mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội với bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh và đoàn công tác thăm Phòng Điều khiền trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội

Triển khai Chiến lược trên, với vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, quan trọng của cả nước, chiếm gần 65,3% tổng tài sản và gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước hiện nay, Ủy ban đang xây dựng và thực hiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, trong đó tập trung vào một số định hướng sau:

Huy động hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trên cơ sở khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển các tập đoàn, tổng công ty gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển doanh nghiệp. Ưu tiên phát triển/hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ số, công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Với nhận thức rằng, việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh là hết sức cấp thiết nhưng cũng sẽ đòi hỏi huy động nguồn lực rất lớn cho việc triển khai các dự án thân thiện môi trường, đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở…. Do vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho việc thực hiện các mục tiêu nêu trên, ngoài nguồn lực quan trọng của các doanh nghiệp trong nước thì việc hợp tác với các quỹ đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết.

Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh: “Bên cạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Việt Nam kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; dựa vào nguồn lực bên trong là chủ yếu, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”.

Do vậy, Ủy ban mong muốn xây dựng được “cây cầu nối” thiết thực, hiệu quả giữa các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban với các Quỹ Đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế trong triển khai hợp tác các dự án hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”.

Cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng xanh

Thời gian gần đây, Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án với mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Theo đó, mục tiêu tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa bằng các quy định, các tiêu chí cần đáp ứng trong nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết…

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB), để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỉ USD. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần sự tham gia, góp sức chủ yếu từ khu vực ngoài nhà nước…

Nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung vào các chương trình đầu tư giao thông công cộng của ngành giao thông cho các thành phố lớn, các đường cao tốc; các chương trình, dự án hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực, thể chế chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hỗ trợ đầu tư tư nhân, dự án thí điểm. Nguồn đầu tư ngoài nhà nước mang tính quyết định đảm bảo thành công trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, bao gồm: các dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, hộ sản xuất, hộ gia đình, chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo và một phần hiệu quả năng lượng.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là một trong cơ quan đi đầu và tích cực trong việc nghiên cứu, triển khai “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050”, đang xây dựng và thực hiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Với bài toán đòi hỏi sự huy động nguồn lực rất lớn, Ủy ban mong muốn xây dựng thành công “cây cầu kết nối” giữa Quỹ đầu tư, Tổ chức tài chính quốc tế với Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban hợp tác trong các hoạt động cụ thể sau:

Một là, hợp tác đầu tư với các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban triển khai các dự án trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ số, công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Hai là, tham gia mua cổ phần trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty để góp phần đẩy nhanh cơ cấu lại theo hướng nâng cao hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao.

Ba là, kết hợp với các DNNN có tiềm lực, năng lực để xây dựng các cụm liên kết ngành công nghiệp tại các vùng địa phương có lợi thế về nguyên liệu đầu vào, lao động, giao thông… như Thái Nguyên – Lào Cai (khai khoáng – luyện kim sắt, thép); khu vực Tây Nguyên có kết nối với Ninh Thuận, Bình Thuận (khai khoáng – luyện kim nhôm gắn với năng lượng tái tạo (điện), cơ khí chế tạo, vật liệu); Đông Nam Bộ (thác dầu khí – năng lượng (điện ngoài khơi, điện tái tạo, trung tâm điện lực) gắn với cơ khí chế tạo (tàu biển, thiết bị khai thác dầu khí, điện lực))…

Bốn là, hình thành và phát triển các trung tâm logistic cấp vùng thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0 gắn với các cụm liên kết ngành công nghiệp để đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa.

Năm là, chia sẻ kinh nghiệm về tầm nhìn và kinh nghiệm quốc tế trong việc hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động vốn cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng đã được xác định rõ, là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp của Việt Nam. Theo nguyên tắc các bên cùng có lợi, Ủy ban cam kết cùng với các doanh nghiệp trực thuộc sẽ phối hợp trên tinh thần cao nhất với các nhà đầu tư quan tâm trong việc nghiên cứu, xem xét, triển khai các hợp tác giữa các bên đảm bảo hài hòa, hiệu quả, vì sự phát triển chung.

Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here