Tận dụng Sáng kiến WLP để thúc đẩy hợp tác logistics Việt Nam-UAE

0
30

Trong thời gian qua, ngành logistics của Việt Nam và thế giới gặp rất nhiều khó khăn do tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và chi phí vận chuyển tăng cao.

Trong bối cảnh đó, Sáng kiến “Hộ chiếu logistics thế giới” (World Logistics Passport – WLP) của UAE là giải pháp hỗ trợ giao thương giữa các thị trường đang phát triển nhanh tại châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể chuyển mình, mở rộng kinh doanh.

Tháng 1/2020, Bộ Kinh tế UAE chính thức công bố và giới thiệu WLP tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sĩ lần thứ 50. Đây là sáng kiến nằm trong 9 sáng kiến và 33 dự án thuộc Chiến lược “Con đường tơ lụa Dubai”, được Chủ tịch Hội đồng điều hành Dubai – Thái tử Dubai Shaikh Hamdan Bin Mohammad Bin Rashid Al Maktoum phê duyệt ngày 2/3/2019, chính thức khởi động ngày 13/10/2019.

WLP​​ do khu vực tư nhân dẫn dắt, được thiết kế để thông suốt dòng chảy thương mại toàn cầu, mở ra khả năng tiếp cận thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên. WLP được UAE hỗ trợ giao thương giữa các thị trường mới nổi, đang mở rộng hoạt động tại các quốc gia đang phát triển có nền kinh tế phát triển nhanh tại châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi. Cơ chế hỗ trợ của WLP là giảm bớt rào cản phi thuế trong thương mại quốc tế bằng cách giảm thời gian và chi phí vận hành trong các khâu logistics. WLP sẽ được thực hiện và liên kết toàn cầu, tạo ra một sân chơi cho hoạt động logistics “từ điểm đầu đến điểm cuối” (End-to-End Platform).

Được hỗ trợ bởi các đối tác vận tải/logistics quan trọng, như: sân bay, cảng biển và hải quan, WLP cung cấp các lợi ích tài chính và phi tài chính cho các thương nhân và nhà giao nhận vận tải để tăng thương mại của doanh nghiệp.

WLP mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp bằng cách giảm chi phí chuỗi cung ứng của họ và đảm bảo rằng, hàng hóa vận chuyển nhanh hơn và hiệu quả hơn. Điều này đạt được thông qua việc tiếp cận các lợi ích như thông quan nhanh hơn và xử lý ưu tiên, có thể làm tăng giá trị thương mại từ 2%-3% trong khoảng thời gian hai năm.

Tính đến ngày 8/6/2021, mạng lưới WLP trên toàn thế giới có 23 quốc gia đã đăng ký tham gia, bao gồm: 6 quốc gia châu Mỹ La tinh, 9 quốc gia châu Phi và 8 quốc gia châu Á. Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn đã tham gia vào WLP, như: UPS, Pfizer, Sony, Johnson & Johnson, LG…

Khi tham gia WLP, các doanh nghiệp hoạt động tại Dubai hoặc có hoạt động trung chuyển qua Dubai sẽ được cung cấp các thủ tục linh hoạt và hiệu quả cao nhất. Đây là một chương trình tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ thông qua một chế độ ưu đãi thuận tiện và nhanh chóng trong các trung tâm logistics (Hub) tham gia.

Việc áp dụng WLP sẽ giúp tăng hàng hóa luân chuyển tại Dubai, đồng thời tăng cường vị thế về dịch vụ logistics chất lượng cao của Dubai trên thế giới. Tuy nhiên, hộ chiếu này chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp hàng đầu và phải được Chính phủ tin tưởng.

Để thúc đẩy sự hợp tác với UAE trong lĩnh vực logistics, Bộ Công Thương đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Custom World UAE trong năm 2019. Thông qua thỏa thuận này, các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ có thể nâng cao chất lượng dịch vụ. Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi và mời chào các doanh nghiệp UAE nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực logistics.

Sáng kiến WLP sẽ mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực này của Việt Nam và UAE. Tại châu Á, Việt Nam là quốc gia thứ 5 cam kết tham gia WLP, sau Thái Lan, Indonesia, Kazakhstan và Ấn Độ. Với hợp tác này, VLA sẽ là đầu mối cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam và các doanh nghiệp dịch vụ liên quan tham gia vào chương trình của WLP.

Khi tham gia vào WLP, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt khi được UAE cấp hộ chiếu đều được hưởng những ưu đãi nhất định. Các doanh nghiệp sẽ được tạo thuận lợi và hỗ trợ về thông quan, miễn thuế hàng không, giảm thời gian kiểm tra và đưa lên phương tiện vận tải nhanh chóng, miễn phí, giảm thời gian lưu kho lên tới 48 giờ, hàng hóa có thể được thông quan trước khi đến cảng. Nhờ đó, ước tính các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiết kiệm thời gian – yếu tố quan trọng trong ngành logistics – và giảm tới 40% chi phí vận hành.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng dễ dàng theo dõi hàng hóa trong quá trình luân chuyển; giảm chi phí quản lý và có hệ thống thông tin hiện đại. Năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành. Nhờ WLP, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí, khắc phục một trong những nhược điểm lớn.

Riêng tại UAE, một số cảng còn cho các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng miễn giảm thuế, phí cho hàng hóa, hàng hóa khi qua Con đường tơ lụa Dubai sẽ tiết kiệm tiền lưu kho; có thể chuyển hàng thông suốt từ nơi xuất phát cho đến đích. Theo phía UAE, cơ quan hải quan Dubai đang kỳ vọng hàng hóa giao thương từ Việt Nam đến các thị trường mới tăng từ 0,5% lên đến 27%.

Do đó, thông qua WLP, các doanh nghiệp Việt Nam và UAE có thể tăng cường hợp tác thương mại. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể cải thiện được hoạt động logistics cũng như chi phí của doanh nghiệp Việt Nam hiệu quả hơn, đặc biệt là khi Việt Nam là quốc gia có tiềm năng tăng cường xuất khẩu, nhất là với hàng hóa có giá trị cao, trọng lượng thấp, như: hàng điện tử, dệt may thâm nhập vào các thị trường Nam Phi và châu Mỹ Latinh.

Ngoài ra, WLP cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với cơ quan chức năng và các nhà cung cấp dịch vụ logistics của UAE trên toàn cầu. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí vận tải nhờ giảm khoảng cách quãng đường vận chuyển giữa các địa điểm trên thế giới.

Vân Chi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here