Một cuộc khảo sát gần đây do Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải thực hiện cho thấy sau khi lợi thế nghiêng về ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden (theo truyền thông Mỹ), phần lớn các công ty của Mỹ tại Trung Quốc đều vui mừng và cho rằng chính quyền của ông Biden sẽ mang lại sự ổn định hơn trong quan hệ Mỹ-Trung.
Bất luận là về chính trị hay doanh thu, triển vọng kinh doanh của các công ty Mỹ tại Trung Quốc đang trở nên lạc quan hơn. Các nhà phân tích cho rằng, các công ty Mỹ tại Trung Quốc đang tìm cách “thiết lập lại” quan hệ Mỹ-Trung, nhưng “cảnh báo” vẫn chưa được dỡ bỏ.
60% doanh nghiệp “lạc quan”
Theo CNBC, từ ngày 11 – 15/11, Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải đã tiến hành khảo sát 124 lãnh đạo công ty Mỹ. Trong số đó, hơn 60% số người được hỏi bày tỏ sự lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh tại Trung Quốc, trong đó 8,1% số người được hỏi cho biết “rất lạc quan”. Chỉ có 2 người thể hiện bi quan hơn.
Được biết, cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải và PricewaterhouseCoopers phối hợp thực hiện đối với 50 doanh nghiệp thành viên của Hội doanh nghiệp có doanh thu vượt trên 1 tỷ USD trên toàn cầu.
Những người được hỏi cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi sau đại dịch, điều này cũng có lợi đối với các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Chỉ còn hơn một tháng nữa là bước sang năm 2021, 47,6% các công ty được khảo sát dự báo doanh thu năm 2020 sẽ vượt năm 2019. Kết quả này rõ ràng cao hơn so với kết quả của cuộc khảo sát vào tháng Bảy vừa qua, khi đó chỉ có 32,5% số người được hỏi có quan điểm này.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, hầu hết các công ty có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc dự định sẽ tiếp tục ở lại Trung Quốc trong vòng 3 năm tới, chỉ có 3 công ty có kế hoạch chuyển ít nhất 30% hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng leo thang, quan hệ giữa hai nước đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Hai nước áp thuế hàng tỷ USD đối với hàng hóa của mỗi bên. Nhà Trắng còn đưa tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei và các công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen, cấm các công ty này mua các linh kiện của các nhà cung cấp Mỹ.
Về vấn đề này, chỉ có 5,6% số người được hỏi cho rằng chính quyền của ông Biden sẽ áp thuế đối với Trung Quốc. 70,2% cho rằng đội ngũ lãnh đạo mới của Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các nước khác và gây sức ép lên quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Ngoài ra, gần 40% số người được hỏi cho rằng ông Biden sẽ ủng hộ Trung Quốc trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời còn cho rằng ông Biden có thể sẽ đưa Mỹ trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nay được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Gần đây, các giới đều đang thúc giục ông Biden “thiết lập lại” quan hệ Mỹ-Trung. Theo Wall Street Journal, Josh Bolten – CEO Hội nghị bàn tròn kinh doanh Mỹ – đã kêu gọi chính quyền của ông Biden thực hiện bãi bỏ thuế quan, coi đó là một phần của vòng đàm phán thương mại mới giữa Trung Quốc và Mỹ. Hội nghị bàn tròn kinh doanh là một nhóm thương mại bao gồm các công ty lớn của Mỹ.
Tại một diễn đàn do Bloomberg tổ chức gần đây, nhà ngoại giao nổi tiếng và đồng thời là cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng thúc giục ổn định quan hệ Mỹ-Trung. Ông cảnh báo rằng: “Nếu không có một số nền tảng hợp tác hành động, thì thế giới sẽ rơi vào thảm họa tương đương với Chiến tranh Thế giới thứ nhất”.
“Cảnh báo” vẫn chưa được dỡ bỏ
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNBC, Ker Gibbs, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho biết, phần lớn các công ty được khảo sát đều cho rằng việc ông Biden lên nắm quyền là một yếu tố có lợi. Ông cho rằng trong nhiều năm, các công ty Mỹ đều buộc phải đối phó đối với sự không chắc chắn và các chính sách thất thường của chính quyền Tổng thống Trump. Đến nay, các công ty đang phát đi tín hiệu rằng chính quyền của ông Biden sẽ mang lại sự ổn định hơn cho quan hệ Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng “cảnh báo” vẫn chưa được dỡ bỏ, va chạm thương mại sẽ không mất đi. Mặc dù hầu hết các công ty Mỹ tại Trung Quốc đều lạc quan, nhưng kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 13,7% số người được hỏi có kế hoạch tăng đầu tư vào Trung Quốc, phần lớn đều giữ thái độ xem xét đối với các kế hoạch phát triển tại Trung Quốc, hoặc vẫn chưa đưa ra quyết định.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, kể từ khi truyền thông Mỹ công bố lợi thế đang nghiêng về ông Biden, các nước luôn suy đoán liệu vị cựu Phó Tổng thống Mỹ sẽ giữ thái độ cứng rắn với Trung Quốc hay giảm đi.
Những ngày gần đây, khi trả lời phỏng vấn, ông Biden dường như có thái độ cứng rắn. Ông cho biết, Mỹ cần đàm phán với các đồng minh để thiết lập các quy tắc thương mại toàn cầu nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng không tiết lộ liệu có tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được ký kết hay không. Ông Biden cho biết: “Chúng ta chiếm 25% nền kinh tế toàn cầu… Chúng ta cần liên kết với các quốc gia khác chiếm 25% GDP toàn cầu hoặc nhiều hơn để định ra các quy tắc”.
Các nhà phân tích cho rằng ông Biden có thể sẽ không thể đảo ngược tình hình Mỹ-Trung ngay lập tức. Trong những năm gần đây, các tranh chấp do Mỹ khởi xướng trong các lĩnh vực như kinh tế thương mại, chính trị và công nghệ đã làm thay đổi hoàn toàn quan hệ song phương.
Chad Bown – nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) – cho rằng những phát biểu quá khích của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc khiến chính phủ mới khó có thể can thiệp và thay đổi đường lối ngay lập tức. Giáo sư Arthur Dong thuộc trường Đại học Kinh tế McDonough ở Georgetown nhận định, trong nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và các nhà máy đóng cửa đã khiến cách nhìn nhận của người dân Mỹ trở nên cứng rắn hơn, cho rằng Trung Quốc đang gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Mỹ, đặc biệt là tại các bang chiến địa quan trọng như Pennsylvania, Ohio và Michigan.
Có chuyên gia còn cho rằng, nhiệm vụ đầu tiên của ông Biden là quan tâm đến các vấn đề trong nước, đưa nước Mỹ thoát khỏi suy thoái kinh tế, vấn đề thương mại có thể không trở thành vấn đề nóng và trọng tâm./.
Mạnh Cường