Cẩn trọng với hiệu ứng lan tỏa từ cuộc chiến giá dầu mới

0
104
đây là cơn chấn động nghiêm trọng nhất xảy ra trên thị trường dầu mỏ thế giới kể từ Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991.

Ngày 9/3, thị trường dầu thô giao theo kỳ hạn trên thế giới ghi nhận giá dầu Brent tại London giảm 30% ngay từ khi mở cửa, mức thấp nhất giữa phiên chạm mốc 31,02 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ ở New York lúc thấp nhất chỉ còn 27,96 USD/thùng. Như vậy, sau khi giảm 10,07% vào lúc đóng cửa phiên cuối tuần trước (6/3), giá dầu thô đã giảm thêm 32% trong phiên đầu tuần này. Số liệu thống kê cho thấy đây là cơn chấn động nghiêm trọng nhất xảy ra trên thị trường dầu mỏ thế giới kể từ Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991.

Đây là cơn chấn động nghiêm trọng nhất xảy ra trên thị trường dầu mỏ thế giới kể từ Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991.

Bối cảnh trong nước khiến cả Nga và Saudi Arabia khó có thể xuống thang trong cuộc chiến giá dầu đã kích hoạt. Thế giới đang rất quan ngại trước hiệu ứng lan tỏa từ cuộc chiến giá dầu mới.

Saudi Arabia bất ngờ hành động

Nguyên nhân trực tiếp gây ra cơn hoảng loạn trên thị trường năng lượng quốc tế là việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài OPEC do Nga đứng đầu không thể đạt được sự thống nhất về thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau tháng 3/2020. Nga từ chối yêu cầu giảm sản lượng của Saudi Arabia, có nghĩa liên minh cắt giảm sản lượng để bình ổn giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia đã đổ vỡ. Từ ngày 1/4/2020, các nước sản xuất dầu sẽ không bị ràng buộc bởi thỏa thuận hạn chế sản lượng nữa.

Nếu đàm phán đổ vỡ là điều có thể dự liệu được thì hành động tiếp theo của Saudi Arabia đã khiến thị trường bất ngờ. Saudi Arabia đơn phương tuyên bố từ ngày 7/3 sẽ bán dầu thô cho các thị trường như châu Âu, Viễn Đông, Mỹ… với mức chiết khấu được cho là cao nhất trong gần 20 năm. Cùng với đó, Saudi Arabia còn ám chỉ nếu cần nước này sẽ tăng sản lượng khai thác dầu mỏ, thậm chí đưa sản lượng lên mức kỷ lục 12 triệu thùng/ngày.

Trước cảnh báo về một cuộc chiến giá dầu, Nga cũng không hề tỏ ra kém cạnh, lập tức công bố chính phủ nước này có 140 tỷ USD dự trữ đủ để can thiệp ổn định thu nhập quốc dân, tỷ giá và phục vụ kinh tế tăng trưởng kể cả khi giá dầu dao động trong khoảng 25-30 USD/thùng trong 6-10 năm. Các nhà phân tích cho rằng việc Nga và Saudi Arabia lao vào cuộc chiến giá dầu giống như hai con voi đi vào cửa hàng đồ sứ, và để lại một bãi chiến trường vỡ nát.

Điều đáng lo ngại là cả Nga và Saudi Arabia đều khó có đường lui. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, Nga rất coi trọng thể diện, hơn nữa ông Putin đang thúc đẩy việc bỏ phiếu ủng hộ những sửa đổi hiến pháp, sẽ khó có thể nhân nhượng. Về phía Saudi Arabia, thông tin lan truyền rằng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tiếp tục thâu tóm quyền lực, chuẩn bị cho việc đăng cơ, nên chỉ có thể “chiến đấu” tới cùng.

Giá dầu đang trong “bẫy nhu cầu”

Sự kiện bất ngờ nêu trên nhất thời gây hoảng loạn, nhưng trên thực tế cần lưu ý rằng nhân tố thực sự quyết định giá dầu mỏ trên thị trường thế giới là quan hệ cung-cầu. Lịch sử đã nhiều lần nghiệm chứng do ảnh hưởng của khủng hoảng địa chính trị hoặc chiến tranh, nguồn cung dầu mỏ bị thiếu hụt khiến giá dầu tăng mạnh. Hiện nay, giá dầu đang ở trong “bẫy nhu cầu”, tức là trong khi nhu cầu thiếu hụt thì nguồn cung lại không ngừng tăng, khiến giá dầu liên tục đi xuống.

Mặt khác theo dự đoán mới nhất của OPEC, mức tăng bình quân/ngày về nhu cầu dầu mỏ của thế giới năm 2020 chỉ là 480.000 thùng/ngày, chưa đến 50% so với mức dự đoán đưa ra hồi tháng 12/2019 (1,1 triệu thùng/ngày). Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra bởi virus SARS-CoV-2 đối với kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2020 có thể sẽ vượt dự đoán, điều này cũng tác động tiêu cực tới nhu cầu dầu mỏ.

Theo phân tích của Ngân hàng đầu tư quốc tế Goldman Sachs, dù OPEC và các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng thì cũng không đủ để ngăn chặn giá dầu thế giới “rơi tự do”. Lượng cung dầu mỏ quý II/2020 trong tình trạng dư thừa đã trở thành nhận thức chung.

Trong bối cảnh như vậy, việc Saudi Arabia bất ngờ tuyên bố tăng sản lượng đã bắn phát súng khởi động toàn diện cuộc chiến giá dầu. Theo tờ Kinh tế Nhật báo, mục đích của Riyadh là giành quyền chủ đạo trên thị trường dầu mỏ, buộc các nước sản xuất dầu ngoài OPEC như Nga phải sớm trở lại bàn đàm phán và chấp nhận thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Cuối năm ngoái, OPEC và các nước sản xuất dầu ngoài OPEC đã đạt được thỏa thuận nâng mức cắt giảm sản lượng từ 1,2 triệu thùng/ngày lên 1,7 triệu thùng/ngày. Cùng với việc Saudi Arabia và các nước khác tự nguyện cắt giảm thêm, giá dầu trên thị trường quốc tế đã tăng lên.

Vấn đề ở chỗ mức cắt giảm mới không đủ để thay đổi cán cân cung-cầu bởi vì thỏa thuận đạt được không vững chắc. Ví dụ: Trong khi Saudi Arabia mong muốn các nước khác chia sẻ việc cắt giảm thêm sản lượng, các nước sản xuất dầu lớn như Iraq, Nigeria… lại mong muốn tăng hạn mức xuất khẩu. Đó là chưa nói tới Mỹ, một tay chơi quan trọng trên thị trường dầu mỏ thế giới, đang từng bước gia tăng thị phần.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, Mỹ sẽ trở thành nước xuất khẩu ròng về dầu mỏ. Sản lượng dầu mỏ của Mỹ năm nay có thể đạt mức 13,2 triệu thùng/ngày, tăng 900.000 thùng so với năm 2019. Mỹ không chỉ thay thế Saudi Arabia thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, mà còn từng bước chiếm lĩnh thị trường khí đốt thiên nhiên ở châu Âu, cạnh tranh với Saudi Arabia và Nga. Để giành lấy thị trường châu Âu, Chính quyền Tổng thống Donald Trump không ngừng nỗ lực ngăn chặn, loại bỏ Nga ra khỏi chuỗi cung ứng khí thiên nhiên cho châu Âu, liên tục áp dụng biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp dầu khí của Nga, bao gồm việc gây khó khăn để Nga không thể hoàn thành dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga qua Tây Âu, xuyên qua Biển Baltic.

Đây không phải lần đầu tiên Saudi Arabia phát động chiến tranh giá dầu. Năm 2014, Saudi Arabia từng tăng mạnh sản lượng, mong muốn đẩy giá dầu xuống thấp để tấn công ngành dầu đá phiến của Mỹ, nhưng cuối cùng không thành công, đành phải lôi kéo 24 nước sản xuất dầu, trong đó có Nga cùng cắt giảm sản lượng. Trải qua lần thử thách đó, Mỹ không chỉ thực hiện được mục tiêu độc lập về dầu mỏ mà ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cũng gặt hái được những thành công lớn. Nhưng cũng có phân tích chỉ rõ, năm đó, các hãng sản xuất dầu đá phiến của Mỹ chủ yếu dựa vào huy động vốn từ thị trường tài chính mới thoát nạn. Hiện nay, các hãng sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đang nợ nần liệu có thể vượt qua thách thức hay không vẫn là ẩn số.

Hiệu ứng lan tỏa không mong muốn

Những gì nêu trên có thể thấy hành động từ bỏ sự ràng buộc bởi thỏa thuận cắt giảm sản lượng, khơi mào cuộc chiến giá dầu của Saudi Arabia là sách lược “một mũi tên bắn hai mục đích”, lấy lùi để tiến.

Dù người ta không biết Saudi Arabia và Nga có “song kiếm hợp bích” trong việc phá bỏ thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không, nhưng cuộc chiến giá dầu bùng nổ, hai nước không hẹn mà gặp ở chỗ giá dầu đi xuống có thể đánh sập ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ. Dù mục đích này một lần nữa có thể “xôi hỏng bỏng không”, nhưng chí ít có thể làm giảm bước phát triển trên thị trường quốc tế của ngành dầu khí Mỹ. Dự kiến cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài một thời gian, chỉ tạm dừng khi thị trường tìm lại được điểm cân bằng sau cơn chấn động mạnh vừa qua.

Trở lại với diễn biến trên thị trường dầu mỏ có thể thấy từ năm ngoái tới nay, dầu mỏ luôn vận hành trong kênh giảm giá. Trước khi các thông tin chấn động nêu trên đưa ra, giá dầu đã giảm tới mốc gần 50 USD/thùng. Cho dù xem xét tới việc dịch COVID-19 sẽ khiến nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm xuống, diễn biến của giá dầu chí ít cũng duy trì sự thống nhất với biểu hiện của kinh tế. Cho nên, lần giảm mạnh của giá dầu lần này phần nhiều xuất phát từ lo ngại của nhà đầu tư trước viễn cảnh cạnh tranh không trật tự trên thị trường dầu mỏ đang tới gần và sự điều chỉnh liên tục diễn ra trên các thị trường khác.

Thông thường giá dầu mỏ ở mức tương đối thấp có lợi cho sự phục hồi của kinh tế thế giới vì có thể giúp giảm giá thành sản xuất của doanh nghiệp và kiềm chế lạm phát tăng cao. Nhưng giá dầu xuống quá thấp lại giống như “con dao hai lưỡi”. Hiện nay, nhiều nước nhập khẩu dầu đang trong tình trạng giá cả hàng hóa xuống thấp, muốn đẩy lên cũng khó. Như vậy, giá dầu giảm quá mạnh sẽ làm gia tăng áp lực giảm giá hàng hóa. Nếu tình trạng trên kéo dài, một số nước rơi vào tình trạng giảm pháp, tăng thêm khó khăn cho việc phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, giá dầu đi xuống còn trở thành đòn giáng mạnh xuống các nước sản xuất dầu mỏ. Sau khi giá dầu mất khoảng 30%, thị trường chứng khoán nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và khu vực Trung Đông đã phải “tạm ngừng” để nhà đầu tư có thể bình tĩnh trở lại. Hiện nay, trên thế giới cơ bản hình thành cục diện cạnh tranh giữa các nước OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC với Mỹ. Nhu cầu dầu mỏ đi xuống, trong bối cảnh đã ở mức thấp một thời gian dài, sẽ đặt kinh tế một số nước trước thử thách, đặc biệt là các nước phụ thuộc tương đối lớn vào xuất khẩu dầu mỏ. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế khó có thể thực hiện trong ngày một ngày hai trong khi trước đó nền kinh tế đã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 này càng khó thực hiện được.

Một vấn đề đáng chú ý khác là trong bối cảnh các nhà đầu tư thế giới thiếu niềm tin, việc thị trường dầu mỏ điều chỉnh mạnh đã và có thể tiếp tục gây ra hiệu ứng dây chuyển trên các thị trường khác như thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường hàng hóa… Khi tâm lý lo sợ ngày càng gia tăng, việc tìm nơi trú ẩn sẽ chủ đạo quá trình quyết sách của các nhà đầu tư.

Mai Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here