Phục hồi sản xuất kinh tế không dễ dàng, Trung Quốc đối mặt với bối cảnh mới

0
78
Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn mới là vừa xử lý dịch bệnh, vừa bắt tay khôi phục sản xuất kinh doanh. (Nguồn: Bloomberg)
Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn mới là vừa xử lý dịch bệnh, vừa bắt tay khôi phục sản xuất kinh doanh. (Nguồn: Bloomberg)

Tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của Trung Quốc đối mặt với bối cảnh mới, đó là dịch bệnh đã lây lan ra toàn cầu và thế giới đang đứng trước rủi ro xảy ra khủng hoảng tài chính, thậm chí là khủng hoảng kinh tế.

Từ giữa tháng 2, Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn mới là vừa xử lý dịch bệnh, vừa bắt tay khôi phục sản xuất kinh doanh. Nước này đã thông báo, cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Việc khôi phục sản xuất kinh doanh không dễ dàng và nhiều chuyên gia cho rằng tới cuối tháng này, mức độ khôi phục hoạt động khôi phục sản xuất kinh doanh của Trung Quốc sẽ quyết định tình hình kinh tế cũng như quyết định mức độ thực thi chính sách tài chính và chính sách tiền tệ của Chính phủ nước này trong năm nay.

Tờ Economic Journal ngày 16/3 cho biết, sau khi nhiều bộ, ngành, địa phương ở Trung Quốc “báo tin mừng” về việc phục hồi sản xuất kinh doanh, hàng loạt vấn đề đã xuất hiện. Cuối tuần trước, Tổ Lãnh đạo công tác phòng chống dịch bệnh Trung ương của Trung Quốc đã nhóm họp và đưa ra yêu cầu phải áp dụng các biện pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tốc độ phục hồi sản xuất kinh doanh. Đằng sau đó là những lo ngại kinh tế Trung Quốc đình đốn trong thời gian dài sẽ làm nảy sinh tình trạng tách rời giữa chuỗi ngành nghề và chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của Trung Quốc đối mặt với bối cảnh mới, đó là dịch bệnh đã lây lan ra toàn cầu và thế giới đang đứng trước rủi ro xảy ra khủng hoảng tài chính, thậm chí là khủng hoảng kinh tế.

Về tình hình hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Tân Quốc Bân cho biết vào cuối tuần trước rằng trừ tỉnh Hồ Bắc, tỉ lệ khôi phục sản xuất kinh doanh bình quân của các doanh nghiệp công nghiệp có doanh thu bán hàng hàng năm từ 20 triệu nhân dân tệ trở lên là hơn 95%; Tỉ lệ cán bộ, công nhân quay trở lại vị trí làm việc bình quân vào khoảng 80%. Đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỉ lệ khôi phục sản xuất kinh doanh là khoảng 60%. Tân Quốc Bân cũng thừa nhận nhiều vấn đề xuất hiện trong quá trình khôi phục sản xuất kinh doanh như lưu thông con người, vật tư không thuận tiện, doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn, vật tư phòng dịch không đủ…

Dẫn một báo cáo tổng kết tình hình kinh tế, tờ Economic Journal cho biết thêm rằng các khâu phục hồi sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc hiện nay vẫn chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chuỗi ngành nghề và chuỗi cung ứng vẫn tồn tại tình trạng ngưng trệ nhất định, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn đối mặt với khó khăn sinh tồn…

Nói một cách cụ thể thì tình hình phục hồi sản xuất kinh tế hiện nay đang đối mặt với vấn đề: Cán bộ, công nhân trở lại vị trí, nhưng không có nghĩa là trở lại làm việc; Cán bộ, công nhân trở lại làm việc, nhưng không có nghĩa là hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục, và nếu được khôi phục thì cũng không có nghĩa hoạt động sản xuất kinh doanh về được trạng thái trước khi dịch bệnh xảy ra.

Một ví dụ minh chứng là có doanh nghiệp 500 công nhân, báo cáo chính quyền rằng đã có 400 công nhân trở lại vị trí, như vậy, tỉ lệ trở lại làm việc là 80%. Vấn đề ở chỗ 100 công nhân đã cách ly tập trung, cho nên dù công nhân đã trở lại vị trí, nhưng không thể làm việc trở lại được. Đó là chưa nói tới tình trạng doanh nghiệp báo cáo không phân rõ thế nào là trở lại vị trí và thế nào là trở lại làm việc.

Vậy tại sao nói rằng cán bộ, công nhân trở lại làm việc, nhưng không có nghĩa là hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục? Ở đây có hai tình huống. Tình huống thứ nhất là cán bộ, công nhân trở lại làm việc là được coi đạt được yêu cầu, và dù họ có làm việc thì cũng không có nghĩa dây chuyền sản xuất được chạy đủ công suất. Tình huống thứ hai là có doanh nghiệp đã khôi phục được sản xuất kinh doanh tới mức trước khi xảy ra dịch bệnh, nhưng do sự thay đổi của tình hình dịch bệnh hoặc yêu cầu của Chính quyền địa phương, hoạt động sản xuất kinh doanh không thể diễn ra bình thường, lúc vận hành, lúc ngừng lại. Đó là chưa nói tới việc sau dịch bệnh, doanh nghiệp đối mặt với vô vàn khó khăn như thiếu hụt về tiền vốn, nguyên liệu đầu vào, vật tư, đơn hàng…

Một số phân tích cho rằng tiến độ khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu phục thuộc vào môi trường tài chính trong nước, vì họ gặp khó khăn trong việc huy động vốn hoặc thiếu vốn. Trong khi đó, doanh nghiệp lớn lại chủ yếu phụ thuộc vào thị trường quốc tế, bao gồm sự hạn chế về nguồn cung nguyên liệu đầu vào và đơn hàng xuất khẩu… Tuy nhiên, cho dù là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ, về cơ bản các doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với khó khăn về vật tư trong nước, khiến cho tiến trình khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không thể diễn ra bình thường.

Yêu cầu mới nhất của Tổ Lãnh đạo phòng chống dịch bệnh trung ương Trung Quốc là cơ chế phòng chống dịch của Chính phủ phải nắm chắc, điều chỉnh và hoàn thiện phương châm, biện pháp phòng chống dịch khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên cơ sở các bước tiến đạt được trong công tác phòng chống dịch. Dưới tiền đề ngăn chặn hữu hiệu dịch bệnh trở lại, chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là khu vực rủi ro thấp đẩy nhanh tốc độ khôi phục toàn diện trật tự sinh hoạt, sản xuất bình thường.

Trong khi đó, các lĩnh vực, các ngành phải đưa ra các biện pháp cụ thể như chính phủ cân nhắc tiếp tục tăng cường thuận lợi hóa thông quan, giảm thuế phí đường bộ, đường sắt và hàng không hay như việc Bắc Kinh mới đây đưa ra một loạt chính sách chống lại dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển lành mạnh lâu dài, trong đó có các biện pháp hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ.

Hà Ngọc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here