Cách các nước kém phát triển hơn trong ASEAN vẫn có thể phát triển mạnh mẽ?

0
29
Nhiều cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp Việt khi tham gia giao thương giữa các nước ASEAN - Ảnh minh họa.

Theo bài viết của nhà nghiên cứu Vichana Sar thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) đăng trên báo Khmer Times, ở Đông Nam Á, các quốc gia kém phát triển nhất (LDC) là Myanmar, Lào và Campuchia phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc duy trì chủ quyền và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi các quốc gia lân cận, gồm Thái Lan và Việt Nam tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng.

Các nước kém phát triển nhất cũng có thể củng cố vị thế bằng cách tận dụng các liên minh khu vực, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN.

Sự phụ thuộc của Thái Lan vào các quốc gia này về vấn đề lao động, cùng với việc Lào và Campuchia bị kiểm soát chiến lược thông qua các biện pháp chính trị và kinh tế, đang tạo ra mạng lưới phụ thuộc phức tạp.

Tuy nhiên, các nước kém phát triển không phải là không có lựa chọn. Bằng cách áp dụng các biện pháp chiến lược, các quốc gia này không chỉ có thể tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong môi trường biến động quyền lực tại khu vực.

Một trong những cách hiệu quả nhất để các nước kém phát triển giảm sự phụ thuộc là đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế. Mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như với các cường quốc toàn cầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, có thể tạo ra những cơ hội mới cho tăng trưởng. Thu hút đầu tư nước ngoài thông qua cơ sở hạ tầng được cải thiện, khuôn khổ pháp lý và ổn định chính trị sẽ giúp các quốc gia này khai thác được nhiều quan hệ đối tác kinh tế hơn, giúp các nước ít bị ảnh hưởng hơn bởi các quốc gia láng giềng lân cận.

Các nước kém phát triển nhất cũng có thể củng cố vị thế bằng cách tận dụng các liên minh khu vực, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN. Nhấn mạnh các nguyên tắc không can thiệp và tôn trọng lẫn nhau của ASEAN, Myanmar, Lào và Campuchia có thể hợp tác với nhau để đảm bảo tiếng nói chung của những nước này được lắng nghe, ủng hộ việc đối xử công bằng hơn và phát triển bình đẳng hơn. Ngoài ra, việc tham gia tích cực vào các nền tảng đa phương như Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Ủy hội sông Mekong (MRC) có thể giúp các quốc gia này xây dựng các liên minh rộng lớn hơn và thu hút sự ủng hộ quốc tế cho các chính sách phát triển.

Tăng cường năng lực trong nước là điều tối quan trọng để các nước kém phát triển trở nên tự lực hơn. Đầu tư vào nguồn nhân lực – thông qua giáo dục, đào tạo nghề và chăm sóc sức khỏe – sẽ cải thiện năng suất và tính bền vững của lực lượng lao động. Dân số khỏe mạnh và có trình độ học vấn cao sẽ được trang bị tốt hơn để tận dụng các cơ hội kinh tế và chống lại sự bóc lột. Hơn nữa, tăng cường quản trị, củng cố các thể chế và chống tham nhũng là những biện pháp thiết yếu để đảm bảo rằng các nguồn lực quốc gia được sử dụng hiệu quả và các khoản đầu tư nước ngoài mang lại lợi ích cho cả nước.

Việc Myanmar, Lào và Campuchia sở hữu những di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên độc đáo có thể là công cụ mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Bằng cách tận dụng du lịch và thúc đẩy ngoại giao văn hóa, các quốc gia này có thể nâng cao hình ảnh toàn cầu của mình và thu hút các quan hệ đối tác quốc tế. Hơn nữa, quản lý chiến lược và quá trình chế biến gia tăng giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên của những nước này – như khoáng sản, gỗ và nông nghiệp – có thể đảm bảo được nhiều lợi ích kinh tế trong nước hơn, giảm dòng chảy của cải ra ngoài và tăng cường tính bền vững của quốc gia.

Ngoại giao khôn ngoan là một chiến lược quan trọng khác của các nước kém phát triển. Bằng cách đàm phán các điều khoản tốt hơn trong các thỏa thuận song phương và khu vực, các quốc gia này có thể bảo vệ chủ quyền của mình và đảm bảo rằng các thỏa thuận với Thái Lan, Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào khác đều có lợi cho hai bên. Việc cân bằng ảnh hưởng bằng cách tận dụng lợi ích của các cường quốc khác nhau để chống lại nhau có thể giúp các nước kém phát triển giành được sự nhượng bộ và tránh trở nên quá phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào. Điều này đòi hỏi phải có hành động ngoại giao thận trọng và hiểu biết sâu sắc về quan hệ quốc tế.

Các nước kém phát triển có tiềm năng vượt qua các giai đoạn phát triển truyền thống, nắm bắt đổi mới công nghệ. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thông và thúc đẩy nền kinh tế số có thể tạo ra các lĩnh vực mới để tăng trưởng và giảm thiểu các lỗ hổng kinh tế. Ngoài ra, việc áp dụng các hoạt động bền vững trong nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp không chỉ bảo vệ môi trường mà còn thu hút các khoản đầu tư xanh, xây dựng khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu.

Một xã hội dân sự mạnh mẽ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng chính phủ các nước kém phát triển có trách nhiệm và đáp ứng nhu cầu của người dân. Khuyến khích phát triển các phong trào cơ sở và các tổ chức xã hội dân sự có thể giúp vận động cho các chính sách bảo vệ lợi ích quốc gia trước những sức ép bên ngoài. Thúc đẩy phát triển toàn diện có lợi cho mọi thành phần của xã hội có thể xây dựng sự ổn định nội bộ và gắn kết xã hội, giúp các nước kém phát triển có khả năng chống chịu tốt hơn trước sự thao túng bên ngoài.

Các nước kém phát triển có thể tham gia một cách chiến lược vào các chương trình viện trợ và phát triển quốc tế để xây dựng năng lực trong các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, điều quan trọng là viện trợ đó phải phù hợp với các ưu tiên quốc gia và không dẫn đến sự phụ thuộc mới. Quản lý cẩn thận nợ nước ngoài, tránh phụ thuộc quá mức vào các khoản vay từ bất kỳ quốc gia nào và tìm cách xóa nợ hoặc tái cấu trúc nợ khi cần thiết có thể ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng kinh tế, vốn có thể làm tăng khả năng dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng bên ngoài.

Trong khi Myanmar, Lào và Campuchia phải đối mặt với những thách thức đáng kể từ ảnh hưởng của Thái Lan và Việt Nam, những nước này không phải là không có chiến lược để tăng cường khả năng phục hồi và vạch ra lộ trình độc lập. Thông qua đa dạng hóa các quan hệ đối tác kinh tế, củng cố các liên minh khu vực, phát triển năng lực trong nước và theo đuổi các cách tiếp cận sáng tạo, các nước kém phát triển này không chỉ có thể tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trước những biến động tại Đông Nam Á.

Với việc lên kế hoạch cẩn thận và hành động chiến lược, các nước kém phát triển có thể đảm bảo sự phát triển được điều hướng bằng các ưu tiên của những nước này, dẫn đến sự thịnh vượng và ổn định lâu dài.

Nguyễn Vũ Hùng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here