Các ưu tiên nghị sự và thách thức của WTO cũng như tân Tổng giám đốc WTO

0
69
(Internet)
(Internet)

Ngày 01/3/2021, bà Ngozi Okonjo-lweala đã chính thức trở thành tân Tổng giám đốc WTO. Giới phân tích quốc tế nhìn chung cho rằng đây là một dấu hiệu tích cực cho quá trình hồi sinh WTO, tuy nhiên tân Tổng giám đốc WTO cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách trong nỗ lực cải tổ WTO. Một số nét nổi bật về các ưu tiên chương trình nghị sự WTO trước mắt và trong dài hạn của tân Tổng giám đốc WTO bà Okonjo-lweala nói riêng và WTO nói chung, cũng như những thách thức đi kèm.

Cuối tháng 02/2021, trong văn bản gửi đến các Phái đoàn tại Geneva bà Ngozi Okonjo-Iwcala đã nêu các ưu tiên trong chương trình nghị sự của bả bao gồm: (1) Khẩn trương hành động để giúp kiểm soát đại dịch Covid-19 thông qua mối liên hệ giữa thương mại và y tế công cộng; (ii) Mở rộng quyền tiếp cận đối với các vắc-xin mới, thuốc điều trị và chẩn đoán bằng cách thúc đẩy chuyển giao kỹ thuật trong khuôn khổ các quy tắc đa phương; (iii) Nhanh chóng kết thúc đàm phán trợ cấp thủy sản và từ đó vượt qua cuộc thử nghiệm lớn về uy tín đa phương của WTO trong khi đóng góp vào tính bền vững của các đại dương trên thế giới; (iv) Gầy dựng nguồn năng lượng mới cho hệ thống thương mại đa phương từ các sáng kiến tuyên bố chung vốn thu hút được sự quan tâm và ủng hộ lớn hơn, bao gồm từ các nước đang phát triển; (v) Giải quyết trong phạm vi rộng hơn mối liên hệ giữa thương mại và biến đổi khí hậu, dùng thương mại để tạo ra nền kinh tế tuần hoàn và xanh, tái khởi động và mở rộng các cuộc đàm phán về hàng hóa và dịch vụ môi trường, đưa ra sáng kiến để giải quyết vấn đề điều chỉnh biên giới các-bon do chúng có thể ảnh hưởng đến thương mại; (vi) Tạo sân chơi bình đẳng trong thương mại nông nghiệp thông qua cải tiến tiếp cận thị trường và đối phó với các hỗ trợ trong nước làm bóp méo thương mại, miễn áp dụng hạn chế xuất khẩu cho các khoản mua mang tính nhân đạo của Chương trình lương thực thế giới; (vii) Đẩy mạnh kỷ cương trong vấn đề trợ cấp công nghiệp, bao gồm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sở hữu nhà nước; (vii) Giảm bớt bất đồng về Quy chế Ưu đãi đặc biệt (SDT); (ix) Xây dựng một chương trình hành động nhằm khôi phục giải quyết tranh chấp hai tầng nấc để thống nhất muộn nhất là tại Hội nghị Bộ trưởng MC12.

Ngày 01/3/2021, tại phiên họp Đại hội đồng tân Tổng giám đốc Ngozi nhấn mạnh: WTO đang tụt hậu trước những biến chuyển của thế giới; các nỗ lực của các Thành viên và Ban thư ký WTO chưa đưa lại kết quả như mong muốn, cần phải thay đổi cách tiếp cận để tạo ra kết quả. Bà cho rằng, WTO có thể tạo ra kết quả nếu các Thành viên WTO chấp nhận có thể giải quyết các vấn đề một cách khác so với trước đây. Bà cam kết sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy đạt tiến triển. Bên cạnh đó, bà cũng nói rõ, vì WTO là tổ chức do các thành viên quyết định nên bà không thể thúc đẩy WTO đạt tiến triển nếu không có sự hợp tác của tất cả các thành viên và Ban thư ký về các ưu tiên trước mắt và dài hạn của tân Tổng giám đốc WTO cũng như các thách thức kèm theo, có một số điểm đáng lưu ý như sau:

1. Về các ưu tiên và thách thức trước mắt

(i) Chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12

 Ngày 01/3/2021, Phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng WTO sau khi bà Okonjo-lweala nhậm chức đã nhất trí về thời gian và địa điểm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12) là vào tuần lễ bắt đầu từ 29/11/2021 tại Geneva[1]. Trước đó, MC12 đã được ấn định tổ chức tại Nur-Sultan, Kazakhstan vào tháng 6/2020, tuy nhiên sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã buộc WTO hoãn Hội nghị này. Hội nghị Bộ trưởng WTO, vốn được tổ chức hai năm một lần, là cơ chế ra quyết định cao nhất của WTO và nhiều nước xem đây như là thời hạn để thúc đẩy đàm phán thương mại đạt tiến bộ. MC12 được xem là cơ hội để WTO lấy lại vai trò trung tâm trong hệ thống thương mại đa phương. Các thành viên WTO phải chứng tỏ rằng họ vẫn có thể đàm phán được những luật lệ mới và thực thi chung, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới hiện nay[2].

Để gia tăng triển vọng thành công cho MC12, các thành viên WTO phải xác định các vấn đề có khả năng tạo được đồng thuận nhất tại Hội nghị và theo đuổi đàm phán về những vấn đề đó ngay tức thì. Tại phiên họp Đại hội đồng WTO ngày 1/3/2021 , bà Okonjo-lweala cho rằng các thành viên WTO cần phải thống nhất về khoảng 3-4 nội dung chính có thể đạt được trước MC12, trong đó ưu tiên hành động đối phó với đại dịch Covid-19 và hoàn tất đàm phản trợ cấp thủy sản trước giữa năm nay, cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp và thương mại nông nghiệp, cũng như xây dựng kế hoạch hành động cho những nội dung khác như trợ cấp công nghiệp, thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư, quy định trong nước về dịch vụ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs), phụ nữ trong thương mại, và thương mại và biến đổi khí hậu để đưa ra trình Hội nghị MC12[3].

(ii) Hành động ứng phó với đại dịch Covid-19

Ngay từ ngày 15/2/2021 khi được bổ nhiệm làm tân Tổng giám đốc WTO, Bà Okonjo Iweala tuyên bố ưu tiên hàng đầu của bà là đối phó với đại dịch và hy vọng có thể khuyến khích các Thành viên WTO dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu vật tư y tế và vắc-xin. Bà cũng cam kết sẽ thúc đẩy WTO đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc thực thi chức năng theo dõi nhằm giải quyết những hạn chế và ngăn cấm xuất khẩu mà cản trở chuỗi cung ứng cho các hàng hóa và thiết bị y tế. Bà cũng kêu gọi “một con đường thứ ba” để mở rộng tiếp cận thông qua thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong phạm vi các quy tắc đa phương nhằm khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo trong khi đồng thời cho phép các thỏa thuận cấp phép mà có thể giúp tăng cường việc sản xuất các sản phẩm y tế[4].

Với kinh nghiệm 25 năm trong lĩnh vực phát triển (Ngân hàng thế giới) và là Chủ tịch Liên minh vắc-xin Gavi từ năm 2016, bà Okonjo-Iweala được kỳ vọng sẽ đóng góp cho việc tăng cường vai trò của WTO trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Ngân hàng thế giới dự báo một thập kỷ mất mát” cho hoạt động kinh tế do hệ quả của đại dịch. Trong khi đó, Phòng Thương mại quốc tế ước tính “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin” có thể khiến nền kinh tế toàn cầu mất khoảng 9.200 tỷ USD[5]. Trong bối cảnh đó, bà Okonjo-lweala chia sẻ với hãng tin Reuters rằng: “WTO có thể đóng góp nhiều để giúp chấm dứt đại dịch. Một ưu tiên hàng đầu của tôi là đảm bảo rằng trước Hội nghị bộ trưởng quan trọng diễn ra… chúng ta có thể đưa ra được giải pháp cho cách thức mà WTO có thể khiến cho vắc-xin, thuốc trị liệu và chẩn đoán được tiếp cận một cách công bằng và với giá cả hợp lý cho tất cả các nước, đặc biệt là các nước nghèo”[6].

Nhu cầu cung ứng các sản phẩm y tế cần thiết ứng phó với đại dịch Covid-19 đã dấy lên những quan ngại về độ tin cậy của các chuỗi cung ứng và hạn chế xuất khẩu. Điều này đã khiến các Chính phủ đánh giá lại về nhu cầu bảo vệ các ngành công nghiệp địa phương nhằm đảm bảo mức độ tự cung, ít nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Quyết định gần đây của Ủy ban châu Âu trong việc hạn chế xuất khẩu vắc-xin Covid-19 là ví dụ mới nhất về sự thiếu ảnh hưởng của WTO[7].

 Đại dịch Covid-19 cũng đã bộc lộ những chia rẽ tại WTO với việc các thành viên bất đồng về đề xuất miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ cho vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19 do Ấn Độ và Nam Phi đưa ra và được một trăm nước ủng hộ. Bà Okonjo-Iweala đặt mục tiêu gải quyết vấn đề này nhanh chóng. Rộng hơn, bà mong muốn WTO có vai trò lớn hơn trong phản ứng với đại dịch, cụ thể là ủng hộ Covax, chương trình vắc-xin toàn cầu đảm bảo quyền tiếp cận của các nước nghèo hơn[8]. Ngày 15/02/2021, bà đã nêu một số vận dụng linh hoạt hiện nay đối với TRIPS và cảnh báo về rủi ro đầu tư vào vắc-xin để chống lại những biến thể của Covid-19. Thay vào đó, bà muốn tạo ra một khuôn khổ lâu dài để đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hoài nghi liệu khuôn khổ đó có gì khác biệt so với những khuôn khổ đã có hiện nay[9].

(iii) Khôi phục Cơ quan phúc thẩm của WTO

Bà Okonjo-lweala nhấn mạnh hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO là một trong những vấn đề lớn nhất và cấp bách nhất mà bà cần giải quyết khi nhận nhiệm vụ. Cơ quan phúc thẩm của WTO đã ngừng hoạt động kể từ tháng 12/2019 khi chính quyền Trump ngăn cản việc bổ nhiệm thành viên mới do lo ngại về chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc và việc sử dụng trợ cấp công nghiệp của nước này. Mặc dù chính quyền Biden ủng hộ bà Okonjo-lweala cho vị trí Tổng giám đốc, Mỹ chưa thể hiện động thái muốn khôi phục Cơ quan phúc phẩm. Giới chuyên gia cũng nhận định, sẽ là sai lầm khi cho rằng nếu chính quyền Biden đồng ý bổ nhiệm các thành viên mới của Cơ quan phúc thẩm, điều đó sẽ khôi phục niềm tin vào các quy tắc thương mại hiện nay của WTO.

Cơ quan phúc thẩm của WTO từ lâu đã bị chỉ trích vì đưa ra phán quyết tranh chấp quá lâu (thường mất 5 đến 7 năm cho một vụ kiện) và có khuynh hướng tập trung vào các vấn đề không cần thiết để giải quyết tranh chấp. Cũng có những chỉ trích rằng Cơ quan phúc thẩm đã đi quá vai trò của mình và đảm nhiệm chức năng lập pháp trong việc diễn giải các văn bản pháp lý, điều lẽ ra nên do các nhà đàm phán thương mại đảm nhiệm. Trừ phi WTO có thể tìm ra giải pháp đúng đắn nhằm đối phó với các tranh chấp thương mại gia tăng, các thành viên sẽ bỏ qua tiến trình giải quyết tranh chấp của WTO và thay vào đó đi tìm những giải pháp song phương hoặc nhiều bên.

Mặc dù EU và các thành viên khác của WTO, bao gồm Trung Quốc, đã lập ra cơ chế Thỏa thuận nhiều bên tạm thời về phúc thẩm bằng trọng tài (MPIA) – một dàn xếp giải quyết tranh chấp tạm thời, bà Okonjo-Iwcala muốn đưa Mỹ quay trở lại. Bà Okonjo-Iweala chia sẻ ưu tiên của bà là cải tổ hệ thống này để nó có thể hiệu quả cho tất cả thành viên WTO, với mục tiêu đưa ra đề xuất cải tổ tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12[10]. Theo ông Tu Xinquan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu WTO của Trung Quốc: “chúng ta có thể hy vọng lạc quan rằng Cơ quan phúc thẩm sẽ có thể phục hồi dưới thời tân Tổng giám đốc, tuy nhiên tiến trình này khó có thể được hoàn tất trong năm nay do thủ tục phức tạp và cần thời gian để lựa chọn các thành viên mới”[11].

2. Về các tru tiên và thách thức dài hạn

(i) Tái khởi động đàm phán đa phương về thương mại

Bà Okonjo-Iweala cho rằng “WTO quá quan trọng nên không thể cho phép nó bị tụt lại, đình trệ, hay tê liệt”. Bà cam kết thúc đẩy các thỏa thuận thương mại mới về nghề cá và thương mại điện tử. Bà cũng đã nêu các vấn đề môi trường và các cuộc đàm phán trợ cấp thủy sản là một trong những ưu tiên trước mắt của bà, để chứng tỏ rằng WTO vẫn có thể tạo ra kết quả[12].

Tuy nhiên, bà Okonjo-lweala có thể gặp sức ép từ các nước như Ấn Độ và Nam Phi để rút lại cách tiếp cận “sáng kiến chung” do những nỗ lực đó đặt sức ép lên họ để tiến thành cải tổ, ngay cả khi họ không tham gia vào đàm phán. Các cuộc đàm phán đa phương hoặc tương tự tại WTO đã kéo dài hàng năm, thay vì hàng tuần hay hàng tháng, làm nản lòng bất cứ ai hy vọng có kết quả nhanh. Đó là bài học mà bà Okonjo-lweala có thể sớm rút ra[13].

Vòng đàm phán Doha vốn đã bị đình trệ từ năm 2008, nguyên nhân được cho là do cách tiếp cận đồng thuận và nguyên tắc đàm phán “cam kết cả gói” (single undertaking), nghĩa là không có gì được thống nhất cho đến khi tất cả được thống nhất. Trong khi Vòng đàm phán Uruguay trước đó đã thống nhất một khuôn khổ cho nông sản, nó chưa đàm phán về chi tiết cụ thể mà để lại cho các vòng đàm phán sau trong khi nông dân gia tăng tiếng nói và ảnh hưởng chính trị ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển. Trong khi đó, các Hiệp định thương mại tự do đã nở rộ, tạo đà cho việc mở cửa thị trường thông qua các thỏa thuận song phương và nhiều bên. Nói tóm lại, WTO từ lâu không còn là thị trường trung tâm cho việc trao đổi thỏa thuận thương mại dựa trên nguyên tắc tối huệ quốc[14].

Kể từ khi thành lập năm 1995 đến nay WTO mới chỉ đàm phán thành công một Hiệp định, đó là Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại năm 2013 và đạt được một số cam kết liên quan đến trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp. Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại chỉ có thể đạt được bởi vì nó cho các nước đang phát triển một mức độ linh hoạt lớn trong những cam kết mà họ thực hiện. Để đối phó với vấn đề đó, các nước đã bắt đầu đàm phán các hiệp định nhiều bên trong một nhóm nước thành viên có cùng lợi ích trong WTO trong những lĩnh vực như thương mại điện tử.

WTO đã không thể đưa ra các hiệp định thương mại quốc tế mới do thiếu đồng thuận giữa các thành viên có nhiều bất đồng như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Đàm phán vải sợi và trợ cấp thủy sản bị đình trệ trong khi đàm phán về những vấn đề khác như thương mại điện tử, khởi động vào tháng 1/2019, khó khăn để đạt tiến triển. Tất cả những điều này khiến cho WTO bị cho là lỗi thời, là một thể chế của những vấn đề ngày hôm qua.

(ii) Đối phó với chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng chống toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa đang gặp những phản ứng, đôi khi thậm chí là bạo lực từ những người công nhân mất việc làm và các nhà máy sản xuất được đi dời đến các nước đang phát triển với mức lương thấp. Họ đã đổ lỗi cho tự do hóa thương mại đa phương. Các luật lệ của WTO cần phải được định hình lại để tự do hóa thương mại chú ý hơn đến việc làm, phúc lợi công nhân và tính cố kết xã hội. Điều này có thể đạt được trong phạm vi các biện pháp bao vệ của WTO vốn cho phép việc bảo vệ tạm thời của các chính phủ cho các ngành công nghiệp trong nước trước sự gián đoạn kinh tế không lường trước được do hệ quả của tự do hóa thương mại.

Một trong những biểu hiện xu thể chống toàn cầu hóa là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ. Theo WTO, năm 2019, các chính phủ đưa ra những hạn chế thương mại, bao gồm tăng thuế, thủ tục hải quan chặt hơn và áp thuế nhập khẩu và phi xuất khẩu vào khối lượng trị giá 747 tỷ đô la nhập khẩu toàn cầu, mức cao nhất từ năm 2021. Điều này khiến các doanh nghiệp hoãn đầu tư và tác động lên tăng trưởng, tạo ra việc làm và sức mua trên toàn thế giới. Khuynh hướng bảo hộ cũng thể hiện trong đại dịch Covid-19, với việc các chính phủ đơn phương đóng cửa biên giới và tích trữ nguồn cung y tế, bao gồm vắc-xin cho dân của họ.

Mặc dù WTO gặp nhiều thách thức và chỉ trích, nhiều ý kiến cho rằng sẽ là sai lầm nếu “xóa sổ” WTO. Trong kỷ nguyên chủ nghĩa dân tộc và dân túy trỗi dậy, chúng ta không nền cho phép tự do hóa thương mại trở thành vật tế thần cho cái được gọi là những khiếm khuyết của toàn cầu hóa. WTO vẫn có những tác động lớn trên trường quốc tế và hy vọng dưới thời lãnh đạo mới, tổ chức này có thể giúp xây dựng một nền kinh tế thế giới mạnh hơn, sạch hơn và công bằng hơn[15].

 (iii) Điều phối căng thẳng thương mại giữa các thành viên

WTO trong thời gian qua đã trở nên gần như tê liệt vì những bất đồng giữa các nước thành viên lớn. Phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến sau khi được bổ nhiệm, bà Okonjo-Iwcala cho rằng việc xoa dịu bất đồng giữa các thành viên là không dễ do sự thiếu tin tưởng giữa các quốc gia trong một thời gian dài, không chỉ là giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ và EU mà còn là giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển. Bà cho rằng cần phải vượt qua điều này[16].

Chiến tranh thương mại song phương giữa các nước, điển hình là thương chiến Mỹ Trung, là một đòn giáng mạnh vào WTO. Các biện pháp trả đũa thương mại có thể dẫn đến việc khôi phục sử dụng hạn chế xuất khẩu tự nguyện (VER) như là một công cụ giải quyết tranh chấp thương mại, mặc dù biện pháp này đã được loại bỏ trong vòng đàm phán Uruguay. Điển hình là việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sau khi Trump quyết định áp thuế nhằm trả đũa điều mà ông gọi là các thực tiễn thương mại không công bằng của Trung Quốc như trợ cấp, chuyển giao công nghệ cưỡng ép và ăn cắp sở hữu trí tuệ. Mặc dù chính quyền Mỹ đã ủng hộ bà Okonjo-lweala và được cho là sẽ thể hiện cách tiếp cận linh hoạt hơn Trump tại WTO, nhiều quan chức mới được đề cử bổ nhiệm trong chỉnh quyền Biden, bao gồm ứng viên cho Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai và Mark Wu là cố vấn cao cấp cho Văn phòng Thương mại Mỹ đều có kinh nghiệm và hoặc lập trường cứng rắn về Trung Quốc và WTO[17]. WTO có thể đóng vai trò trung gian giữa 2 thành viên lớn nhất. Điều này không dễ, nhưng tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế Mỹ-Trung là rất lớn để thử nghiệm.

Cách WTO xử lý những chỉ trích về Trung Quốc cũng là một điểm quan tâm. Quy chế nước đang phát triển của Trung Quốc bị các nước phương Tây phản đối trong khi Trung Quốc không hài lòng khi bị đối xử như “nền kinh tế phi thị trường. Thực tiễn trợ cấp công nghiệp quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc bị Mỹ, EU và Nhật thách thức WTO khi Trung Quốc yêu cầu các công ty phải chia sẻ các kỹ thuật và bí quyết nhạy cảm để được đầu tư vào Trung Quốc. Một luật đầu tư mới cấm chuyển giao công nghệ cưỡng ép có thể giúp xoa dịu quan ngại. Đã có những đề xuất được đưa ra, ví dụ như EU và Mỹ hướng đến cải thiện tiến trình WTO như chuyển giao công nghệ cưỡng ép, chức năng giám sát của WTO và sự phân biệt quy chế giữa các thành viên WTO theo trình độ phát triển của họ. Những đề xuất này đã gặp sự phản đối của Trung Quốc, vốn xem những đề xuất đó nhằm vào chủ nghĩa tư bản nhà nước của họ. Đã có đề xuất đàm phán khởi đầu từ việc Trung Quốc từ bỏ quy chế nước đang phát triển để được công nhận là nền kinh tế thị trường tại WTO. Trung Quốc cũng đã đưa ra đề xuất cải tổ WTO, trong đó kêu gọi hệ thống thương mại thế giới không nên phân biệt giữa trên nền tảng sở hữu doanh nghiệp (nhà nước)[18].

Trong khi đó, các nước đang phát triển tiếp tục đòi hỏi rằng bất kỳ chương trình nghị sự cải tổ nào cũng không nên làm xấu thêm sự mất cân bằng và bất bình đẳng hiện có mà cần coi trọng phát triển. Chak Mun, cựu Đại sứ Singapore tại GATT (1986-1990) và WTO (1997-2001) cho rằng một cách tiếp cận có thể là bổ nhiệm một nhóm nhân vật quan trọng, bao gồm những nhân vật như cựu đại diện thương mại Mỹ Robert Zoelick và Đại sứ Long Yongtu cựu trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc trong quá trình gia nhập WTO để đảm nhận nhiệm vụ đệ trình một đánh giá độc lập về các thách thức mà WTO đang phải đối diện và đưa ra những đề xuất cải tổ mạnh dạn mà có thể bao gồm các khái niệm như an ninh kinh tế và các điều khoản cạnh tranh công bằng mà có thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng hơn về các thực tiễn cạnh tranh không công bằng[19].

(iv) Cải cách hệ thống thương mại đa phương và luật lệ của WTO

Theo bà Okonjo-Iweala, “các luật lệ của WTO cần phải cập nhật các vấn đề của thế kỷ 21”. Bà cũng nêu các vấn đề như kinh tế số, kinh tế xanh, phụ nữ và thương mại cũng như các doanh nghiệp MSMEs như là ưu tiên của bà trong vai trò Tổng giám đốc mới của WTO. Bà mới đây bình luận rằng “các luật lệ của WTO đang tụt hậu so với các luật lệ của một vài hiệp định thương mại song phương và khu vực vốn bao gồm nhiều đổi mới như thương mại điện tử và kinh tế số”. Bà cũng cho rằng đại dịch đã tăng cường tầm quan trọng và thúc đẩy vai trò của thương mại điện tử, vốn được dự đoán sẽ tăng trưởng đáng kể trong những năm tới. Theo đó, “thương mại điện tử tạo cơ hội quan trọng cho việc bao gồm MSMEs và phụ nữ trong thương mại quốc tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển… Để tạo điều kiện cho một số nước đang và kém phát triển nhất tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại điện tử, chúng ta cần phải phối hợp với các chính phủ và các tổ chức khác để thu hẹp khoảng cách số”[20]. Các luật lệ mới nên cho phép các cuộc đàm phán nhiều bên giữa các nhóm thành viên sẵn sàng chấp nhận những nghĩa vụ cao hơn hoặc những cam kết mới trong những lĩnh vực hoặc vấn đề thương mại cụ thể. Điều này có thể đi ngược lại nguyên tắc tối huệ quốc (MFN), tuy nhiên trên thực tế đây là cách thức đàm phán trong vòng đàm phán Tokyo (1973-79)[21].

Thế giới đã chuyển đổi đáng kể sang một trật tự thương mại toàn cầu mới mà thực sự có thể tác động đến mọi quốc gia. Chính sách thương mại cũng cần phải chú ý nhiều hơn đến khía cạnh phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Ngành tài chính đã thể hiện một số khả năng với việc nhiều nhà quản lý tài sản hiện đặt các rủi ro liên quan đến khí hậu vào vị trí hàng đầu trong những quan ngại đầu tư của họ và định hướng đầu tư theo Hiệp định Paris. Các nhà đàm phán thương mại cũng cần phải tham vọng như vậy. Tăng cường cải cách trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, cải tiến tiếp cận thị trường cho các công nghệ xanh, tái định hướng viện trợ quốc gia cho các ngành công nghiệp có trách nhiệm, củng cố các thị trường các-bon và tăng cường tiêu chuẩn môi trường nhằm ủng hộ tăng trưởng xuất khẩu đều có thể giúp thúc đẩy một sự phục hồi xanh. Nếu các nhà lãnh đạo thế giới thực sự tin tưởng vào việc tái thiết tốt hơn, chương trình nghị sự thương mại cần phải được đưa vào kế hoạch của họ[22].

WTO cũng cần phải hỗ trợ Liên hợp quốc thực hiện chương trình nghị sự phát triển 2030 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến tạo ra tình trạng bất bình đẳng, mất việc làm, và suy thoái kinh tế. Điều này bao gồm hỗ trợ các nước tận dụng lợi ích tiềm năng to lớn của cách mạng công nghiệp 4.0. WTO cần nhanh chóng cập nhật Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ, bằng cách giảm rào cản thương mại đối với thương mại điện tử và giúp các nước nghèo hơn tiếp cận với viện trợ mà họ cần thiết để khai thác công nghệ số cho thương mại và phát triển[23]. Bà Okonjo-Iweala đã cam kết đảm bảo rằng hệ thống thương mại đa phương và các luật lệ của WTO “cho phép thuốc men và các sản phẩm y tế có thể được tiếp cận tới các nước mà cần chúng”. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “thu hẹp khoảng cách” như khoảng cách số giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trong việc đạt được sự phục hồi toàn cầu bền vững và mang tính bao hàm. Bà cho biết điều này có thể được thực hiện khi phối hợp với các tổ chức khác như WB, các ngân hàng phát triển khu vực… và với IMF.

Giới chuyên gia cũng cho rằng mặc dù có nhiều cam kết hứa hẹn, nhưng khi thực thi các ưu tiên của bà tại WTO bà Okonjo-Iweala sẽ gặp thách thức từ chính nguyên tắc vận hành WTO, đó là nguyên tắc đồng thuận, WTO là do các Thành viên tự quyết định. Pascal Lamy-Chủ tịch Diễn đàn hòa bình Paris và là Cựu Tổng giám đốc WTO đã vạch ra tính chất của WTO do “các thành viên quyết định”. Theo đó “việc cập nhật luật lệ của WTO tùy thuộc phần lớn vào sự đồng thuận của các thành viên, chứ ít tùy thuộc vào Tổng giám đốc. Các Thành viên quyết định, chứ không phải bà ấy. Rufus Yerxa, cựu quan chức Mỹ đã từng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc WTO (2002-2013) cũng cho rằng vị trí Tổng giám đốc WTO không có nhiều quyền ra quyết sách lớn và không thể ép buộc các nước thành viên phải chấp nhận điều gì. Tuy nhiên, trong một phát biểu trước báo giới gần đây, bà Okonjo-Iweala chia sẻ bà dự định “đảm bảo rằng nguyên tắc đồng thuận sẽ không phải là vật cản đường”. Khi không thể đạt được đồng thuận, WTO cho phép bỏ phiếu, mặc dù là trong một số hoàn cảnh hạn chế- điều này sẽ cho phép vị Tổng giám đốc thứ 7 của WTO một đòn bẩy để thúc đẩy cải tổ cần thiết ở WTO.

[1] https://www.wto.org/english/news_e/news21_e/minis_0lmar21_e.htm

[2] https://www.cato.org/policy-analysis/reviving-wto-five-priorities-liberalization#introduction

[3] https://www.wo.org/english/news_espno_e/spnol_e.htm

[4] https://www.gtreview.com/news/global/ngozi-okonjo-iweala-inherits-a-wto-in-disarray/

[5] https://www.reutersevents.com/sustainability/polman-amid-rising-vaccine-nationalism-wtos-new-director-general-cant-come-quick-enough

[6] https://www.reuters.com/article/trade-wto-nigeria/wtos-incoming-head-okonjo-iweala-says-top-priority-is-health-idUSL8N2KL4MN

[7] https://www.reutersevents.com/sustainability/polman-amid-rising-vaccine-nationalism-utos-new-director-general-cant-come-quick-enough

[8]  https://www.semp.com/economy/china-cconomy/article/3122001/ngozi-okonjo-iweala-what-are-4-main-challenges-facing-new-wto

[9]https://www.economist.com/finance-and-economics/2021/02/20/the-wto-has-a-new-chief-is-it-time-for-new-trade-rules-too

[10] https://www.gireview.com/news/global/ngozi-okonjo-iweala-inherits-a-we-in-disarray

[11] https://www.globaltimes.cn/page/202102/1215666.shtml

[12] https://sg.news.yahoo.com/wto-chiefs.pile problems-035731464.html

[13] https://www.politico.eu/article/ngozi-okonjo-iweala-new-wto-chief-nigeria-faces-rough-road-ahead/

[14] https://www.straitstimes.com/opinion keychallenges-the-new-toshis-faces

[15] https://www.reutersevents.com/sustainability/polman-amid-rising-vaccine-nationalism-wtos-new-director-general-cant-come-quick-enough

[16] https://www.dw.com/en/daunting-challenges-await-wto-chief-ngozi-okonjo-jwcala/a-56581993

[17] https://www.nytimes.com/2021/02/14/business/economy/wto-world-trade-director-general.html

[18] https://think.ing.com/articles/the-challenges-facing-the-wtos-next-director-general/

[19] https://www.straitstimes.com/opinion/key-challenges-the-new- wto-chief-faces

[20] https://www.gtreview.com/news/global/ngozi-okonjo-iweala-inherits-a-wto-in-disarray/

[21] https://www.straitstimes.com/opinion/key-challenges-the-new-wto-chief-faces

[22] https://www.reutersevents.com/sustainability/polman-amid-rising-vaccine-nationalism-wtos-new-director-general-cant-come-quick-enough

[23] https://www.reutersevents.com/sustainability/polman-amid-rising-vaccine-nationalism-wtos-new-director-general-cant-come-quick-enough

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here