Quy hoạch Điện VIII: Giấc mơ lớn

0
43
(Nhà máy Thủy điện Sơn La. Ảnh: Đ.T)
(Nhà máy Thủy điện Sơn La. Ảnh: Đ.T)

Nhu cầu đầu tư cho ngành điện hàng năm được đặt ra trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII là 12-13 tỷ USD/năm, nghĩa là trong giai đoạn 2021-2045 cần tới 320 tỷ USD.

Đi trước bước dài hay ngắn

Mặc dù quan điểm “điện đi trước một bước, nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân” luôn xuyên suốt trong các lần lập quy hoạch điện quốc gia, nhưng nhìn vào thực tế hệ thống điện hiện nay, câu hỏi cũng cần đặt ra là đi trước bước dài hay ngắn để có chi phí tối ưu hoặc hợp lý nhất với nền kinh tế.

Nếu như hết năm 2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện cả nước đạt khoảng 56.000 MW, thì hết năm 2020, con số này là xấp xỉ 70.000 MW. So với phụ tải của hệ thống năm 2019-2020 chưa đến 40.000 MW, có thể thấy rõ nguồn điện dư thừa rất lớn.

Thống kê cho thấy, năm 2020, tỷ lệ dự phòng thô, chưa kể gió và mặt trời, đã lên tới hơn 34%.

Hiện chi phí đầu tư các nguồn điện sẽ được tính hết vào chi phí sản xuất điện, trong khi các nhà máy trong hệ thống vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo cơ chế chào giá để huy động theo đúng nghĩa của thị trường cạnh tranh hoàn hảo hoặc đang được mua điện làm ra với giá cố định, giá đã được đàm phán với hợp đồng dài hạn. Vì vậy, dư thừa công suất nguồn điện ở mức lớn như vậy gây ra lãng phí lớn trong đầu tư của xã hội.

Thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) trong 2 tháng cuối năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay cho thấy, vào các ngày làm việc trong tuần, tiêu thụ điện ở cao điểm sáng (9 – 11 giờ) lẫn ở thời gian năng lượng mặt trời có bức xạ tốt nhất (10 – 13 giờ hàng ngày) là không cao, chỉ quanh mức 30.000 MW.

Như vậy, nếu so nhu cầu 30.000 MW với tổng công suất đặt của hệ thống đã lên tới khoảng 66.000 MW sẽ thấy rõ một lượng lớn các nhà máy điện, kể cả điện mặt trời lẫn nhiều nguồn điện khác, phải chịu cảnh cắt giảm phát điện.

Ngoài nhu cầu tiêu thụ thấp, việc lưới truyền tải được đầu tư chậm hơn cũng sẽ tạo khó khăn cho các nguồn điện mới.

Thống kê cho thấy, nhìn chung, các dự án lưới truyền tải đều chậm tiến độ 1-2 năm, thậm chí có công trình chậm 4-5 năm, gây khó khăn cho vận hành hệ thống.

Có lẽ vậy, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu, tới năm 2030, tỷ lệ dự phòng thô sẽ giảm xuống còn 16%, sau đó xuống 6,9% vào năm 2040 và tới năm 2045 là 4,6%.

Khi dự phòng thấp hơn, hệ thống hoạt động hiệu quả hơn cũng đồng nghĩa với chi phí sản xuất điện được tối ưu hóa và gánh nặng không dồn lên các hộ tiêu dùng điện cuối cùng.

Tối ưu nguồn

Việc tăng trưởng khoảng 14.000 MW công suất đặt trong chỉ 1 năm được xem là đột phá và chưa từng xảy ra trong lịch sử phát triển ngành điện, nhưng lại đến từ nguồn năng lượng tái tạo là chủ yếu với đòn bẩy giá cao ngất ngưởng.

Theo tổng kết, đến hết năm 2020, nguồn điện mặt trời, điện gió có tổng công suất hơn 17.000 MW trong tổng số 70.000 MW công suất. Điều này cũng có nghĩa, có tới trên 25% tổng công suất nguồn điện là các nguồn bất định (gió, mặt trời), phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.

Nhìn sâu vào cơ cấu nguồn điện hiện nay, có thể thấy, còn có khoảng 30% hệ thống, tương đương 20.000 MW, đến từ nguồn thủy điện, cũng phụ thuộc điều kiện thủy văn theo từng năm.

Một điểm đáng nói là sự bùng nổ đầu tư năng lượng tái tạo tại một số tỉnh không tính toán đến phương án tiêu thụ.

Chẳng hạn, tại Bình Phước, công suất tiêu thụ điện là 419 MW, nhưng có tới 519 MW điện mặt trời áp mái nhà được đầu tư. Tại Ninh Thuận, các con số tương ứng là 111 MW và 360 MW, chưa kể hơn 2.000 MW điện mặt trời quy mô lớn. Tại Đắk Lắk, các con số này là 398 MW và 653 MW. Tại Gia Lai là 296 MW và 608 MW…

Số liệu của EVN cho thấy, trong 9.300 MW điện mặt trời áp mái được bổ sung vào hệ thống năm 2020, có tới 76% có mức công suất quanh 1 MW – tức là không phải nhằm tới mục tiêu tự dùng cho các hoạt động của mình, mà là để bán điện lên lưới.

Thực tế bùng nổ điện mặt trời vượt tới hơn 20 lần kế hoạch ban đầu đặt ra tại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, nhưng có điện năng chỉ bằng 1/3 nhiệt điện than, là nguồn biến đổi và phụ thuộc vào thời tiết cũng được dự báo là khiến đảm bảo cấp điện còn nhiều khó khăn, dù dự phòng hệ thống quá lớn.

Theo ông Lã Hồng Kỳ (Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Phát triển điện lực), hiện chưa có văn bản, hay hướng dẫn nào quy định về tỷ lệ giữa các nguồn cùng là năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà, điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi), dẫn đến tình trạng chạy xin làm dự án, dự án nào dễ làm, có lợi cho chủ đầu tư thì xin bổ sung quy hoạch và xin cơ chế để làm trước. Kết quả là, nguồn điện gió, điện mặt trời phát triển không đồng bộ trong tổng thể chung của cơ cấu năng lượng tái tạo, gây khó khăn trong giải tỏa công suất, quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng cho dự án.

Lượng vốn khổng lồ

Với phương án được lựa chọn về nâng công suất hiện tại từ 69.258 MW năm 2020 lên 102.193 MW vào năm 2025, 137.662 MW vào năm 2030 và đạt 276.601 MW năm 2045, nhu cầu về vốn đầu tư cho ngành điện được tính toán vào khoảng 12,8 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021-2045, tức là khoảng 320 tỷ USD cho cả giai đoạn.

Quy mô vốn tính toán đưa ra trong Dự thảo Quy hoạch cũng được lý giải là do suất đầu tư của điện khí cao, đồng thời khối lượng đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) khá lớn. Dẫu vậy, các giải pháp huy động lượng vốn đầu tư này lại khá mơ hồ.

Trước đó, số liệu về tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện đã thực hiện giai đoạn 2011-2018 được thống kê là khoảng 818.000 tỷ đồng, bình quân 102.000 tỷ đồng/năm.

Hiện giá điện bán lẻ bình quân tương đương 8,14 UScent/kWh, được áp dụng từ tháng 3/2019. Theo tính toán của Dự thảo, chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 11,4 UScent/kWh trong giai đoạn 2021-2030 và 12,3 UScent/kWh trong giai đoạn 2021-2045.

Ngoài ra, giá truyền tải cũng được đề xuất tăng từ 84,9 đồng/kWh năm 2020 lên 137,3 đồng/kWh năm 2025 và khoảng 130 đồng/kWh trong giai đoạn 2026-2030.

“Phát triển lưới truyền tải điện được đưa ra trong Quy hoạch Điện VIII dù rất chi tiết, nhưng khá lớn và đồ sộ. Việc tính toán cần 13 tỷ USD/năm cho ngành điện cũng là thách thức, bởi nền kinh tế không dễ để đảm bảo được. Bởi vậy, nên xem xét kỹ dự án nào cần thì làm, dự án nào chưa cần thì thôi. Công trình nguồn điện, lưới điện phải tính toán tối ưu, chứ không thể chạy theo mong muốn của các địa phương để đưa hết vào”, ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nhận xét.

(Thanh Hương/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here