
Mặc dù các chuyên gia kinh tế nhận định rằng triển vọng kinh tế Mỹ La tinh sẽ khả quan hơn trong năm 2021, khu vực này ghi nhận những dấu hiệu mơ hồ về cách thức và thời điểm công ăn việc làm sẽ được kích hoạt trở lại, đây là một trong những dấu ấn sâu sắc nhất mà cuộc suy thoái đã để lại sau sự lây lan trên diện rộng của địa dịch Covid-19.
Hiện nay, Mỹ La tinh ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp chính thức lên tới hơn 10%, trong đó những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thuộc thị trường lao động phi chính thức. Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực này được dự báo tăng 3,7% trong năm 2021, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 11,2%.
Giám đốc Phòng Phát triển Kinh tế của Ủy ban Kinh tế Mỹ La tinh và Caribe (CEPAL) Daniel Titelman cho rằng thách thức lớn nhất là tăng trưởng kinh tế đi đôi với tạo ra công ăn việc làm và nhấn mạnh rằng để kích hoạt lại nền kinh tế khu vực, CEPAL dự báo Mỹ La tinh sẽ phải đối mặt với 5 rủi ro lớn trong năm 2021:
(i) Diễn biến của đại dịch chưa thể được kiểm soát triệt để: Kịch bản mà CEPAL đưa ra là những tác động tiêu cực của đại dịch sẽ được khống chế trong nửa đầu năm 2021. Nếu giai đoạn tiêm chủng đại trà được áp dụng cho khu vực này, tăng trưởng kinh tế có thể được ghi nhận trong nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, nếu các điều kiện dự kiến không được đáp ứng, dự báo tăng trưởng 3,7% trong năm 2021 trước đó chắc chắn sẽ còn giảm hơn nữa.
(ii) Không gia hạn các chính sách kích thích tiền tệ và tài khóa: CEPAL nhận định rằng việc không tiếp tục cung cấp các chính sách tài khóa và các biện pháp mà Ngân hàng Trung ương các nước tung ra nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế trước đó có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế, tạo ra tác động tiêu cực đến khu vực Mỹ La tinh. Chính vì vậy, tổ chức này khuyến nghị các quốc gia trong khu vực nên duy trì các hỗ trợ tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo tính thanh khoản trên toàn thế giới.
(iii) Các điều kiện tài chính toàn cầu tồi tệ hơn: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ La tinh cũng phụ thuộc rất nhiều vào tình hình tài chính thế giới. Đối với các quốc gia nghèo nhất trong khu vực, tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính là vấn đề sống còn. Tuy nhiên, triển vọng tài chính xấu đi có thể tạo ra một vấn đề bức bách đối với những quốc gia vốn đã tăng các khoản vay của họ trong bối cảnh đại dịch. Một vấn đề khác có thể đến từ sự mất giá của tiền tệ do các nhà đầu tư tìm kiếm nơi nương tựa vào các đồng tiền ổn định hơn với mức độ rủi ro thấp hơn. Nếu xu hướng này xảy ra, áp lực lên những quốc gia có khoản nợ ngoại tệ sẽ gia tăng.
(iv) Khả năng giá hàng hóa giảm: Các dự báo cho thấy giá hàng hóa sẽ tăng vào năm 2021. Tuy nhiên, nếu dự báo này không chính xác, các quốc gia chủ yếu dựa vào ngành xuất khẩu mũi nhọn ở khu vực Nam Mỹ sẽ bị giáng một đòn nặng nề vào doanh thu và triển vọng tăng trưởng của họ.
(v) Gia tăng căng thẳng xã hội và địa chính trị: Sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói và bất bình đẳng có thể làm gia tăng căng thẳng xã hội tiềm ẩn ở các nước Mỹ La tinh, tạo ra tác động tiêu cực lên các hoạt động kinh tế. Những căng thẳng nội trị có thể được cộng thêm bởi các xung đột chính trị gồm cả những xung đột về công nghệ và thương mại giữa các quốc gia.
Chuyên gia kinh tế Daniel Titelman kết luận, các rủi ro kinh tế có thể tạo ra cơ hội để các quốc gia Mỹ La tinh hướng đến sự phát triển bền vững và bao trùm hơn và nhấn mạnh rằng “các quốc gia không chỉ thực hiện các biện pháp tái kích hoạt nền kinh tế trong ngắn hạn, mà còn hướng đến tương lai, gắn với các chính sách môi trường và công nghiệp nhằm chuyển đổi mô hình phát triển cho phù hợp với xu thế chung của thế giới”.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)