Kinh tế Venezuela

0
267
(Internet)
(Internet)

1. Dự báo kinh tế Venezuela năm 2021

Ủy ban Kinh tế Liên hiệp quốc về Mỹ La tinh và Caribe (CEPAL) cho biết nền kinh tế Venezuela đã giảm sút 30% vào năm 2020 (gần gấp đôi so với dự kiến trước khi đại dịch bùng phát), vượt rất xa so với mức trung bình của khu vực Nam Mỹ (CEPAL dự đoán trước đó mức giảm trung bình 7,3%) và dự báo quốc gia Nam Mỹ sẽ ghi nhận mức giảm GDP là 7% cho năm 2021. Trong giai đoạn 2013-2019, GDP Venezuela mất gần 62,2%, tiếp tục đà giảm trong năm 2020 và ghi nhận những dự báo không mấy khả quan cho năm 2021. Những nhận định này sẽ khiến Venezuela trở thành quốc gia duy nhất ở Mỹ La tinh không thể phục hồi, cho dù chỉ là một phần, từ cuộc khủng hoảng kinh tế mà Covid-19 gây ra trên toàn thế giới.

Bất chấp bức tranh kinh tế ảm đạm này, Giám đốc Cố vấn của Econométrica và chuyên gia phân tích Henkel García cho rằng Venezuela đã trở thành “một khối đá cứng”, đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ suy thoái và nhận định rằng bức tranh toàn cảnh chính trị ở Venezuela có thể trở nên phức tạp, nhưng có ý kiến cho rằng quốc gia này đang trải qua một “cuộc hạ cách mềm” do những thay đổi sâu sắc về mặt chính trị mà chính quyền của Tổng thống Maduro đã được được trong thời gian qua. Bên cạnh đó, ông García lạc quan tin rằng “Venezuela có thể bước vào giai đoạn phục hồi, tuy nhiên quá trình này chưa thể diễn ra mạnh mẽ do nền kinh tế nước này đã bị tàn phá nặng nề trong 7 năm qua và đại dịch Covid-19 làm tê liệt các cơ cấu kinh doanh, hoạt động sản xuất trong nước năm 2020” và nhấn mạnh, để đạt được thành công, Chính phủ phải kiểm soát triệt để diễn biến đại dịch và tiếp tục chính sách nới lỏng kinh tế vốn được triển khai từ năm 2018.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Dịch vụ Quốc gia (Consecomercio), ông Felipe Capozzolo cho biết tình trạng đô la hóa, diễn ra mạnh mẽ tại Venezuela với 70% giao dịch được thực hiện bằng ngoại tệ, cùng với dòng kiều hối sẽ là các nhân tố giúp quốc gia Nam Mỹ thoát khỏi chu kỳ siêu lạm phát kéo dài từ tháng 11/2017.

2. Đồng nội tệ Venezuela mất giá nghiêm trọng so với đồng đô la Mỹ

Sự gia tăng chóng mặt của đồng USD đã ảnh hưởng sâu sắc đến những người dân Venezuela có thu nhập bằng đồng Bolivares (Bs). Trong năm 2020, tỷ giá hối đoái đã tăng từ 56.122 Bs (1/1/2020) lên 1.027.812 Bs vào cuối tháng 12, tương đương tăng 2.000%. Điều này khiến đồng Bs mất đi giá trị ít ỏi còn lại sau 1,5 năm được cải cách theo phương thức chuyển đổi tiền tệ nhằm giải quyết tạm thời các vấn đề tài chính và khan hiếm tiền mặt.

Về cơ bản, sự mất giá của đồng Bs so với đồng USD bắt nguồn từ việc Ngân hàng Trung ương nước này phát hành tiền nhằm tài trợ chi tiêu cho Chính phủ của Tổng thống Maduro. Vào tháng 3/2020, Tổng thống Maduro đã tuyên bố phát hành trái phiếu như một công cụ kinh tế để hỗ trợ người dân Venezuela có Thẻ Tổ Quốc trong bối cảnh đại dịch bắt đầu bùng phát tại quốc gia này. Đúng như các chuyên gia dự đoán, các trái phiếu có mệnh giá bằng đồng Bs đã tăng giá trị trong quý cuối cùng của năm 2020 dựa vào hai yếu tố: (i) sự gia tăng mạnh mẽ trong chi tiêu công vào mùa Giáng sinh và năm mới 2021 và (ii) một phần của chiến dịch nhằm “lôi kéo” người dân tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 6/12/2020.

Đài Quan sát Tài chính Venezuela chỉ ra rằng, sau khi thể hiện sự ổn định tương đối cho đến tháng 9/2020, sự mất giá của tỷ giá hối đoái đã tăng lên đáng kể trong môi trường các giao dịch chủ yếu được thanh toán bằng đồng USD, tạo ra tình trạng tốc độ tăng giá vượt nhanh so với tỷ giá hôi đoái. Đồng USD tăng nhanh trong những tháng cuối năm khiến các nhà kinh doanh ngừng áp dụng tỷ giá song song (do thị trường chợ đen quyết định), chuyển sang sử dụng tỷ giá hối đoái chính thức (do Ngân hàng Trung ương Venezuela – BCV – công bố) để hưởng chênh lệnh do tỷ giá của BCV, vào thời điểm đó, được niêm yết thấp hơn so với ngoài chợ đen. Đây là một chiến lược để “kiếm thêm” thu nhập trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đang tàn phá quốc gia Nam Mỹ.

3. Xuất khẩu dầu thô của Venezuela giảm mạnh trong tháng cuối năm 2020

Theo số liệu do Bloomberg tổng hợp, doanh số bán hàng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) trong tháng 12 đã giảm khoảng 50% so với tháng 11/2020, đứng ở mức 231.613 thùng/ngày do các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm một số lô hàng của Venezuela “mắc kẹt” tại Châu Á. Bất chấp các biện pháp cưỡng chế đơn phương của Mỹ, chính quyền của Tổng thống Maduro đã nỗ lực gửi một số đơn hàng ra nước ngoài, chủ yếu là đến Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington đã tăng cường đàn áp các công ty có giao dịch với PDVSA, khiến Venezuela phải gồng mình để bán được các thùng dầu ở khu vực này, thậm chí các tàu chuyên chở hàng được cho là tắt thiết bị phát tín hiệu vệ tinh để tránh bị phát hiện và thay đổi tên tàu để che giấu danh tính.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here