Các nước Châu Á – Thái Bình Dương ký Thỏa thuận Thương mại khu vực lớn nhất thế giới

0
102
(VGP)
(VGP)

Ngày 15/11/2020, các báo của Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt đưa tin Trung Quốc cùng 14 nước khác đồng ý thiết lập khối thương mại lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/3 tổng các hoạt động kinh tế toàn cầu, một thỏa thuận mà nhiều nước Châu Á hy vọng sẽ hỗ trợ họ phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch. Thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký trực tuyến bên lề cuộc gặp cấp cao hàng năm của 10 nước thuộc Hiệp hội Đông Nam Á ngày 15/11/2020 sau 8 năm đàm phán tích cực. Theo Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới này đã chuyển một thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN trong ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thiết lập cơ cấu thương mại mới trong khu vực, khuyến khích thương mại bền vững, hồi sinh chuỗi cung ứng bị gián đoạn do Covid-19 và hỗ trợ các nước phục hồi sau đại dịch.

Theo báo Thổ Nhĩ Kỳ, Thỏa thuận này còn mang tính biểu tượng mạnh mẽ chứng tỏ, sau gần 4 năm Trump áp dụng chính sách “Nước Mỹ trên hết”, tiến hành giao thương riêng lẻ với các nước, Châu Á vẫn nỗ lực hướng tới tự do thương mại, một mô hình tạo thịnh vượng trong tương lai.

Theo Jeffrey Wilson, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Mỹ -Châu Á tại Perth (Úc), RCEP sẽ áp dụng mức thuế thương mại thấp hơn mức thuế vốn đã thấp giữa các nước thành viên. Thỏa thuận này cũng đủ mở để có thể phù hợp với nhu cầu khác nhau của các nước thành viên đa dạng như Myanmar, Singapore, Việt Nam và Úc. Không như CPTPP và EU, RCEP không thiết lập các tiêu chuẩn thống nhất về lao động và môi trường hoặc buộc các quốc gia mở cửa các dịch vụ và lĩnh vực kinh tế dễ bị tổn thương của họ. Trên cơ sở các thỏa thuận thương mại tự do hiện có, RCEP đặt ra các quy tắc thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và các hoạt động kinh doanh khác trong khu vực. Vì vậy RCEP rất cần thiết để các nước phục hồi sau COVID-19.

Thỏa thuận này gồm 10 nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zeland (không có Mỹ) và để ngỏ đối với Ấn Độ, nước đã gặp phản ứng dữ dội trong nước trước những yêu cầu mở cửa thị trường do lo ngại phải cạnh tranh với các nhà sản xuất sữa và pho mát từ Úc và New Zealand, về ô tô nhập khẩu từ các nước trong khu vực và trên hết là nỗi lo về sự tràn ngập hàng hóa Trung Quốc.

Theo Gareth Leather, cựu kinh tế Châu Á cho rằng thỏa thuận này cũng có lợi cho Trung Quốc, nước cho đến bây giờ là thị trường lớn nhất trong khu vực với hơn 1,3 tỷ dân, cho phép Bắc Kinh tự cho mình là nước dẫn đầu trong hợp tác toàn cầu hóa và đa phương hóa và có ảnh hưởng lớn hơn đến các quy tắc thương mại trong khu vực.

Đối với Mỹ, các nhà phân tích nghi ngờ Joe Biden sẽ khó thúc đẩy gia nhập lại Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoặc rút lại nhiều lệnh trừng phạt thương mại mà chính quyền Trump áp đặt lên Trung Quốc do thất vọng về hồ sơ thương mại và nhân quyền cùng với cáo buộc gián điệp và đánh cắp công nghệ của Bắc Kinh.

Michael J.Green từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng Biden, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 03/11, sẽ không quay trở lại TPP khi các thỏa thuận thương mại trong Hiệp định này có xu hướng khuyến khích các công ty chuyển sản xuất ra nước ngoài. Nhưng lo lắng về sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh, Biden dường như sẽ tìm kiếm nhiều thỏa thuận hơn với các nước Đông Nam Á để bảo vệ lợi ích của Mỹ.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here