Ngày 6/1/2016, Phòng thương mại Mỹ (USCC) đã chính thức lên tiếng ủng hộ TPP, trở thành hiệp hội doanh nghiệp lớn cuối cùng của Mỹ tuyên bố ủng hộ thỏa thuận TPP. Trong tuần này, Hiệp hội các nhà chế tạo Mỹ (ngày 4/1) và Hội bàn tròn doanh nghiệp Mỹ (ngày 5/1) đã tuyên bố ủng hộ TPP. Trước đó, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN và Ủy ban Khẩn cấp về Thương mại Hoa Kỳ cũng ra tuyên bố tương tự.
Theo giới phân tích, sự ủng hộ TPP của liên minh các doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ này là không bất ngờ”, song sẽ hỗ trợ cho các nỗ lực của chính quyền Obama trong vận động Quốc hội thông qua TPP, đặc biệt là thuyết phục các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đưa TPP ra bỏ phiếu trong năm 2016. Trước đó, một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong đó có Lãnh tụ phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã tỏ quan ngại về các quy định liên quan đến thuốc lá và sinh dược, cho rằng việc Quốc hội bỏ phiếu về TPP nên để sau cuộc bầu cử tháng 11/2016, thậm chí là sau khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở vào tháng 1/2017.
Mặc dù ủng hộ TPP, song USCC cũng yêu cầu có những điều chỉnh nhất định trong nội dung văn bản thỏa thuận nhằm đáp ứng sự quan tâm của một số doanh nghiệp và một số nghị sĩ Mỹ và bảo đảm khả năng được thông qua tại Quốc hội. Trong tuyên bố đưa ra, ông Tom Donohue cho rằng “”Không có thỏa thuận thương mại là hoàn hảo, và TPP không là ngoại lệ. Tuy nhiên, những lợi ích thỏa thuận thương mại là ở chỗ nó được giải thích, triển khai và thực thi như thế nào. Với ý nghĩ đó, chúng tôi sẵn sàng cùng với chính quyền, Quốc hội và các đối tác TPP đảm bảo thỏa thuận được thực hiện theo cách tối đa hóa lợi ích thương mại mang lại bao gồm cả việc tiếp cận thị trường, các quy định và việc bảo vệ sở hữu trí tuệ…. Chúng tôi khuyến khích chính quyền Obama cùng với Quốc hội Mỹ giải quyết những quan tâm chính đáng của các nghị sĩ và các ngành công nghiệp… và với sự phối hợp này, chúng tôi hy vọng có thể thỏa thuận sẽ được lưỡng viện Quốc hội thông qua”.
Không đề cập cụ thể về cái gọi là “quan tâm thích đáng” song theo các nguồn tin từ USCC thì đó là nhằm ám chỉ việc loại bỏ các biện pháp chống thuốc lá khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS); thời hạn độc quyền đối với sản phẩm thuốc sinh học; và không áp dụng trong ngành dịch vụ tài chính quy định cấm các chính phủ yêu cầu lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ đặt ở sở tại. Trong một số thỏa thuận thương mại tự do trước đây, chính quyền Mỹ đã phải điều chỉnh hoặc bổ sung thỏa thuận nhằm đảm bảo sự thông qua của Quốc hội: bổ sung thêm một thư bên lề liên quan đến thực thi FTA Mỹ-Jordani, thay đổi quy định nguồn gốc xuất xứ trong NAFTA, yêu cầu các bước đi bổ sung đối với các FTA với Panama và Colombia, thậm chí là đàm phán lại FTA Mỹ – Hàn Quốc.
Theo các nguồn tin của giới doanh nghiệp, mặc dù phải đến 18/5, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) mới đưa ra báo cáo đánh giá tổng thể tác động của TPP đối với kinh tế Mỹ và các nghị sĩ Quốc hội sẽ nghỉ hè từ 15/7 song vẫn còn “cánh cửa hẹp” cho việc thông qua TPP trước bầu cử tháng 11. Nhóm vận động hành lang của doanh nghiệp sẽ tiến hành một chiến dịch lớn nhằm giành được một số phiếu nhất định cho đến khi có tín hiệu ủng hộ từ các Thượng nghị sĩ chủ chốt như McConnell và Hatch. USCC sẽ bắt đầu gặp với các nghị sĩ để thảo luận về các ưu tiên thương mại trong năm nay, trong đó TPP được đặt trong hàng đầu. Các chi nhánh của USCC tại các bang và chính quyền địa phương cũng đã bắt đầu các nỗ lực nhằm thông tin tới công chúng về TPP./.
(Nguồn: ĐSQVN tại Mỹ)