Ngày 24/3/2021 một liên minh gồm 37 hiệp hội thương mại đã họp và đề nghị chính quyền Mỹ rút lại các mức thuế “không chính đáng, không hiệu quả” do chính quyền Trump áp đặt, nhất là các mức thuế theo điều khoản 232 và 301. Cùng ngày, Hội đồng Ngoại thương Quốc gia công bố một loạt các khuyến nghị về cách giải quyết “tác động bất lợi” của thuế quan thời Trump đối với các doanh nghiệp và công nhân Mỹ.
Liên minh Cải cách Thuế quan (NFTC) gồm Hội đồng Chính sách Ô tô, Hội đồng Hợp tác Nông dân Quốc gia, Liên minh các nhà sản xuất kim loại Mỹ, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia và Hiệp hội Công nghệ Người tiêu dùng, v.v… đã yêu cầu họp với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng Brian Deese… để vận động xem xét lại các chính sách thuế quan của chính quyền.
Trong tài liệu vận động, liên minh lập luận rằng thuế quan do chính quyền Trump áp đặt “đang gây ra một khoản chi phí đáng kể cho các công ty và công nhân Mỹ, dẫn đến giá đầu vào cao hơn và sự trả đũa của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Mỹ”. Ví dụ, giá thép trong nước đã tăng 160% kể từ tháng 8/2020 và hiện cao hơn 68% so với giá toàn cầu. Thuế thép dẫn đến mất 75.000 việc làm, trong khi đó dữ liệu từ Bộ Thương mại cho thấy chỉ có 1.000 việc làm được tạo ra từ tháng 3 năm 2018, khi thuế quan có hiệu lực.
Tuy nhiên một nghiên cứu do Viện Chính sách Kinh tế công bố cho biết thuế thép đã “cải thiện tình trạng sản xuất của ngành thép, thúc đẩy đầu tư và trực tiếp tạo ra 3.200 việc làm mới cho ngành sản xuất thép”. Báo cáo cho biết thuế thép “không có tác động thực tế đáng kể đối với giá của các sản phẩm sử dụng thép” như ô tô và phụ tùng xe hơi.
Đối với thuế quan theo điều khoản 301 đối với hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ USD từ Trung Quốc, liên minh NFTC cho biết họ “hoàn toàn nhận thức được nhu cầu ứng phó các chính sách và thực tiễn không công bằng của Trung Quốc” nhưng “rõ ràng là chỉ riêng các mức thuế cao hơn, được áp đặt một cách vội vàng mà không có sự phân tích cẩn thận, đã không hiệu quả trong việc thúc đẩy Trung Quốc cải cách hoạt động trong khi gây tổn hại kinh tế nghiêm trọng cho các công ty Mỹ. Nhóm lập luận rằng những mức thuế đó đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại tổng cộng 80 tỷ USD do chi phí nhập khẩu cao hơn mà các nhà sản xuất, nông dân, nhà bán lẻ và người tiêu dùng phải chịu. Bên cạnh chi phí nhập khẩu, thuế quan đã làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Mỹ. Theo liên minh này, giá thép, nhôm và các nguyên liệu đầu vào khác cao hơn đã “làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ”.
Liên minh kêu gọi chính quyền Biden, trong quá trình xem xét các mức thuế 301, “đánh giá đầy đủ các thiệt hại chi phí liên quan và nên xem xét “các cách tiếp cận khác” – ngoài thuế quan – để giải quyết “chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc”.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)