Các biện pháp áp thuế không làm giảm thâm hụt thương mại mà làm thay đổi chuỗi cung ứng

0
77

Sau 30 tháng cầm quyền của Tổng thống Trump với những chính sách quyết liệt nhằm giải quyết tình trạng nhập siêu, Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu. Nguyên nhân khiến các biện pháp áp thuế của Trump không làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ bao gồm:

(i) Sự thành công của các chính sách kinh tế khác. Cải cách thuế và cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã giúp kinh tế Mỹ mạnh lên và góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tức là, thặng dư vốn đầu tư đã bù đắp cho phần thâm hụt từ thương mại, qua đó cho thấy sức hút của nền kinh tế Mỹ.

(ii) Chính sách thương mại của Tổng thống Trump làm dịch chuyển nguồn xuất khẩu sang các nước khác chứ không làm giảm lượng nhập khẩu của Mỹ. Ông Trump đã áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và đe dọa sẽ tiếp tục đánh thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa tiếp theo. Mặc dù thâm hụt thượng mại với Trung Quốc giảm trong những tháng gần đây, nhưng thâm hụt toàn cầu của Mỹ tăng 5,8% trong quý I/2019. Nguyên nhân chủ yếu do các nguồn xuất khẩu chuyển từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, đặc biệt các nhà xuất khẩu Việt Nam được hưởng lợi nhất. Cụ thể, trong khi hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ từ tháng 1-5/2019 giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 36,4%, Đài Loan tăng 22,5% (gấp 3 lần mức tăng giai đoạn 2017-2018), và Hàn Quốc tăng 12,4%.

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), hưởng lợi từ xung đột thương mại leo thang toàn cầu, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 2,1%, Malaysia 0,5% và Đài Loan 0,4% do tái định hướng thương mại và thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặc dù ẩn sau kết quả này có thể là sự trung chuyển hàng hóa Trung Quốc qua các nước thứ 3 trước khi vào Mỹ, có thể nhận thấy sự chuyển dịch cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc rõ ràng qua quyết định cân nhắc chuyển dịch 15-30% nhà máy từ Trung Quốc sang Đông Nam Á hoặc Mexico của Apple. Chuỗi cung ứng cho Apple tại Trung Quốc khó có thể tái lập lại ở một nền kinh tế nhỏ bé khác, nhưng Tập đoàn này có thể tính toán rằng sản xuất ở Đông Nam Á vẫn còn rẻ hơn là sản xuất tại Mỹ. Điều này cho thấy, các biện pháp áp thuế của ông Trump đang làm ảnh hưởng tới hiệu quả của các chuỗi cung ứng, nhưng không mang lại lợi ích cho người dân Mỹ.

Theo nghiên cứu của ADB, nếu Mỹ duy trì và tăng cường các biện pháp áp thuế, đặc biệt nếu áp thuế lên ô tô nhập khẩu, các nhà nghiên cứu ước tính rằng Mỹ sẽ mất 30 nghìn việc làm trong lĩnh vực điện tử, 48 nghìn việc làm trong chế tạo máy móc và hơn 50 nghìn việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Như vậy, theo ADB, nếu Mỹ tiếp tục chính sách thuế và tái định hướng thương mại, việc làm tại Mỹ và Trung Quốc sẽ chịu tác động tiêu cực trong khi các quốc gia “đang phát triển châu Á” được hưởng lợi./.

(Phương Anh, theo Wall Street Journal, ngày 10/7/2019)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here