Bước tiến mạnh mẽ trong quan hệ thương mại Việt Nam – Campuchia

0
923
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen chứng kiến lễ ký Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia tại Thủ đô Phnom Penh, ngày 8/11/2022.

Quan hệ thương mại Việt Nam – Campuchia trong những năm gần đây phát triển ấn tượng, bất chấp đại dịch Covid-19 hoành hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen chứng kiến lễ ký Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia tại Thủ đô Phnom Penh, ngày 8/11/2022.

Đây là kết quả của sự quan tâm lớn của Đảng và Chính phủ hai nước trên tinh thần của tình đoàn kết thắm thiết giữa hai nước láng giềng gần gũi gắn bó. Đó cũng là thành quả tốt đẹp của sự năng động sáng tạo, chăm chỉ và cần mẫn của các doanh nghiệp, nhân tố quyết định sự phát triển của quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước.

Giao lưu thương mại và đầu tư vượt kỳ vọng

Nếu như hai năm 2019, 2020 tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt 5,28 và 5,33 tỷ USD, với xuất siêu của ta sang bạn lần lượt là 3,48 tỷ và 2,97 tỷ USD thì sang năm 2021, bất chấp đại dịch, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hai chiều Việt Nam và Campuchia đã tăng lên 9,54 tỷ USD, mức phát triển 72% với thành tích xuất khẩu của Campuchia tương đương với xuất khẩu của chúng ta. Tiếp đà phát triển đó, sau khi hai nước cùng khống chế thành công đại dịch Covid-19, trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 9,06 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Với tốc độ phát triển này, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia năm 2022 sẽ đạt trên 12 tỷ USD, mức tăng trưởng vượt quá cả sự kỳ vọng của các nhà hoạch định kế hoạch.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của nước ta sang Campuchia phong phú, trong đó những nhóm hàng có kim ngạch lớn bao gồm: Sắt thép, hàng dệt may, phụ liệu ngành dệt may, xăng dầu, phân bón phục vụ nông nghiệp, thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm từ chất dẻo… Mặt hàng thuỷ sản, nông sản thực phẩm tuy kim ngạch không cao nhưng có hàm lượng xuất xứ nội cao cũng đạt khối lượng xuất khẩu khá.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang ta cơ cấu tập trung chủ yếu ở một số nhóm hàng có kim ngạch lớn như: Hạt điều, cao su, vải may mặc, hàng rau quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Tuy số mặt hàng xuất của bạn chưa nhiều, nhưng tổng kim ngạch cũng đang được nâng lên đưa cán cân thương mại giữa hai nước đạt mức tương đương vào thời điểm hiện tại.

Chính phủ Campuchia, vì thế, mà ngày càng coi trọng thị trường Việt Nam và xem Việt Nam là một thị trường quan trọng của mình. Việt Nam đã trở thành thị trường thứ hai tiêu thụ hàng hoá của Campuchia sau Mỹ và là nhà xuất khẩu cũng đứng thứ hai bán hàng hoá vào đây sau Trung Quốc. Xét trên tổng khối lượng buôn bán hai chiều, Việt Nam là thị trường quan trọng thứ ba của Campuchia sau Trung Quốc và Mỹ, vượt lên trên Thái Lan, đối thủ chính của hàng hoá Việt Nam tại thị trường Campuchia.

Song song với quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam sang Campuchia cũng đang được phát triển tốt, bổ trợ cho thương mại hai nước được tăng cường. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 198 dự án đầu tư sang Campuchia được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 2,92 tỷ USD, đứng thứ hai trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.

Về lĩnh vực đầu tư, hoạt động đầu tư từ Việt Nam sang Campuchia tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nông lâm nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 2,21 tỷ USD (chiếm 75,7% tổng vốn đăng ký); tiếp theo là hoạt động tài chính – ngân hàng – bảo hiểm 376 triệu USD (chiếm 12,8%); công nghiệp chế biến chế tạo 87,3 triệu USD (chiếm 3%); khai khoáng 58,5 triệu USD (chiếm 2%).

Campuchia là một trong những địa bàn đầu tư truyền thống, bắt đầu có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam từ năm 1999. Đến nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, nhà đầu tư đã có doanh thu và đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với các cơ quan nhà nước Campuchia, tạo ra việc làm ổn định cho hàng vạn lao động của Campuchia.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham quan gian hàng Việt Nam tại Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Campuchia, tháng 11/2022.

Nhiều tiềm năng, dư địa

Mặc dù quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – Campuchia đã có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm qua nhưng tiềm năng, dư địa phát triển còn rất lớn. Việt Nam và Campuchia là hai nước có chung biên giới trên bộ với 10 tỉnh của ta và 9 tỉnh của bạn. Tính đến tháng 3/2021, hai nước có 11 cửa khẩu quốc tế (Chính phủ hai nước đã quyết định nâng cấp cặp cửa khẩu phụ Tân Nam –  Meun Chey lên thành cửa khẩu quốc tế), 11 cửa khẩu quốc chính, 19 cửa khẩu phụ, hệ thống kênh rạch đi lại thuận lợi ở cả hai bên, khoảng cách từ TP. Hồ Chí Minh đến Phnôm Pênh chỉ có 230 km. Khoảng cách gần gũi và mậu dịch biên giới chính là một thế mạnh để tăng cường thương mại giữa hai nước trong hai năm qua, khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn giao thương đường biển, do xuất nhập cảnh đi lại khó khăn và cước container tăng phi mã.

Nhân dịp chuyến thăm chính thức Campuchia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (từ ngày 8-9/11/2022), hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại biên giới. Hiệp định này sẽ là khuôn khổ pháp lý quan trọng để hai nước quản lý và phát triển mậu dịch biên giới, vốn đang là thế mạnh trong quan hệ hai nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Campuchia có quan hệ nhân dân khăng khít. Tại Campuchia có nhiều bà con gốc Việt đang sinh sống, làm ăn và học tập. Sự hiểu biết về phong tục tập quán bản địa và mối quan hệ chặt chẽ với quê hương của bà con kiều bào đang làm thành cầu nối quan trọng cho mối giao thương giữa hai dân tộc.

Một thuận lợi nữa của thị trường Campuchia đó là yêu cầu về phẩm cấp của người tiêu dùng không ngặt nghèo như các thị trường Mỹ, châu Âu. Hầu hết hàng hoá được chấp nhận ở thị trường Việt Nam thì cũng được chấp nhận tại Campuchia.

Về khẩu vị và thói quen tiêu dùng của người Campuchia cũng không có khác biệt nhiều so với người tiêu dùng Việt Nam, vì vậy, các doanh nghiệp ta không phải cải tiến quá nhiều để chuẩn bị những lô hàng xuất sang đây. Chỉ cần một số điều chỉnh nhỏ là có thể phủ hợp với người dân nơi đây. Điều này tiết kiệm rất nhiều cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng thì trường từ nội địa chuyển sang xuất khẩu.

Trên hết, quan hệ chính trị thân thiết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước tạo lên một thuận lợi cơ bản cho hoạt động giao thương giữa hai nước. Thể hiện ở thực tế, hai nước rất ít khi sử dụng rào cản phi thuế đối với hàng hoá của nhau, điều mà các đối thủ thương mại thường dùng để giảm hàng hoá của nước kia nhập khẩu vào nước mình. Hai nước mở cửa thông thoáng cho hầu hết các các hàng hoá của nhau. Hàng rào phi thuế chỉ thỉnh thoảng được đưa ra ở cấp địa phương và được lãnh đạo cấp cao hai nước xem xét giải quyết rất nhanh chóng.

Sơ chế nông sản xuất khẩu.

Khó khăn, thách thức

Bên cạnh những cơ hội và thuận lợi kể trên, quan hệ giữa hai nước còn đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, theo phản ánh của doanh nghiệp hai nước, việc thông quan hàng hoá và thủ tục xuất nhập cảnh cho người và phương tiện vận tải tại các cửa khẩu hai nước còn chậm, chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan tại cảng khẩu giữa hai nước nên hàng hoá nhiều khi còn bị ùn ứ, gây tổn thất kinh tế.

Lượng phương tiện được phép đăng ký chuyên chở hàng hoá chạy thẳng từ nước này sang nước kia còn thấp, đang ở mức 500 xe. Với mức tăng trưởng thương mại giữa hai nước trong hai năm qua, số phương tiện chuyên chở được phép đăng ký còn thấp so với nhu cầu. Trong chuyến thăm chính thức Campuchia từ ngày 8-9/11/2022 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về loại và số lượng xe thương mai đối với việc thực hiện Hiệp định và Nghị định thư về vận tải đường bộ, tăng số lượng từ 500 xe lên 800 xe.

Những điều doanh nghiệp cần chú ý

Từ thực tế trên, khi tiến hành xuất khẩu hoặc đầu tư vào thị trường Campuchia, các doanh nghiệp nên tìm đối tác nhập khẩu làm chính ngạch, đăng ký nhập khẩu và làm thủ tục hải quan đầy đủ mới phát triển kinh doanh bền vững lâu dài.

Trong giao dịch với các doanh nghiệp Campuchia, kể cả các cơ quan nhà nước (trừ trường hợp chính thức), không nên sử dụng email, chỉ nên dùng Telegram hoặc điện thoại di động.

Với điều kiện của thị trường Campuchia, biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả cần chú trọng vào yếu tố trực quan. Xúc tiến trực tuyến gặp khó khăn do vấn đề ngôn ngữ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Campuchia không giỏi tiếng Anh, sử dụng chủ yếu tiếng Khmer, trong khi doanh nghiệp ta chỉ chú trọng tiếng Anh. Các hội thảo trực tuyến cũng gặp khó khăn về ngôn ngữ, trừ khi có kênh phiên dịch tiếng Khmer.

Vì vậy, công tác xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh: Tham dự hội chợ triển lãm tại Campuchia; Mời đoàn doanh nghiệp người mua hàng Campuchia tham dự hội chợ triển lãm Việt Nam; Trực tiếp sang khảo sát thị trường, tìm đầu mối, gửi mẫu và hàng bán thử tại các siêu thị người Việt Nam, tại các nhà phân phối Campuchia; Trực tiếp tìm đối tác nhập khẩu thông qua giao dịch trực tuyến bằng Telegram…

Đối với hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp nên có quan hệ tốt với chính quyền các cấp để được hỗ trợ, tư vấn và giúp đỡ tháo gỡ khó khăn nếu xảy ra. Các doanh nghiệp phải hết sức chú trọng đến vấn đề thuế, tốt nhất nên thông qua cơ quan kiểm toán để được tư vấn và thực hiện thuế một các nghiêm chỉnh.

Lao động người Campuchia có tay nghề cao không nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp nên chú trọng xin giấy phép đầu tư có đầy đủ số lao động kỹ thuật của mình từ Việt Nam. Nếu không sẽ rất khó khăn sau này, khi triển khai sản xuất kinh doanh.

Thương vụ Việt Nam tại Campuchia

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here