Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 55 năm (24/6/1967), Việt Nam và Campuchia đã không ngừng xây dựng, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp và quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó đầu tư là lĩnh vực trụ cột được ưu tiên thúc đẩy và thu được nhiều kết quả tích cực.
Campuchia là địa bàn lớn thứ hai trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đầu tư tại Campuchia chiếm 12% số dự án và 14% tổng vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, được triển khai trong rất nhiều lĩnh vực, chủ yếu là: nông nghiệp (chiếm 75,6% tổng vốn đăng ký), tài chính – ngân hàng (13,01%), sản xuất công nghiệp (2,99%), khai khoáng (2%), viễn thông (1,52%) và nhiều lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ vận tải kho bãi, y tế, xây dựng, công nghệ thông tin, du lịch…
Việt Nam – nhà đầu tư lớn của Campuchia
Việt Nam luôn nằm trong số những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Campuchia. Doanh nghiệp Việt Nam hiện diện ở hầu hết các tỉnh, thành phố của Campuchia, trong đó, tập trung nhiều tại các khu vực kinh tế lớn và một số tỉnh như Phnom Penh, Siem Reap, Kampot, Kratie, Kampong Cham, Kampong Thom, Rattanakiri…
Về kết quả hoạt động, hiện nay, các dự án đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả, đóng góp nhiều mặt cho kinh tế – xã hội của Campuchia, được chính quyền trung ương và địa phương nước sở tại ghi nhận và đánh giá cao.
Nhiều thương hiệu của Việt Nam đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Campuchia như mạng di động Metfone, ngân hàng thương mại BIDC, sữa AngkorMilk, chuỗi điện máy Bluetronics, các dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Trường Hải… Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đã đóng góp nhiều vào ngân sách chính phủ Campuchia, góp phần hình thành và phát triển các ngành kinh tế lớn của đất nước Chùa Tháp, tạo ra hàng vạn việc làm, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế Campuchia. Nhiều dự án hoạt động thành công đã có đóng góp ngân sách lớn cho chính phủ Campuchia như: dự án Metfone đóng góp lũy kế 820 triệu USD, các dự án cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su
Việt Nam trong năm 2021 góp vào kim ngạch xuất khẩu của Campuchia trên 170 triệu USD…
Ngoài hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia cũng luôn thể hiện trách nhiệm cao đối với cộng đồng thông qua việc tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của Chính phủ Campuchia… Tính đến nay, tổng số tiền các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện an sinh xã hội tại Campuchia đạt khoảng hơn 110 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, hỗ trợ bà con nghèo…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam luôn mở rộng chào đón các doanh nghiệp Campuchia sang đầu tư, kinh doanh. Đến nay, đã có 28 dự án đầu tư của Campuchia tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 70,12 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, vận tải kho bãi và thương mại xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp Campuchia đầu tư ở Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ theo thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam từ trung ương đến các địa phương.
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được cùng với những thuận lợi sẵn có, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển. Các lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước bao gồm các lĩnh vực mà một bên có nhu cầu và bên kia có thế mạnh như: Nông nghiệp và các hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp; Sản xuất công nghiệp để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu; Kinh doanh xuất nhập khẩu, phân phối bán buôn bán lẻ hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng mà Campuchia còn nhập khẩu nhiều; Các hoạt động dịch vụ khác bao gồm: du lịch – khách sạn – dịch vụ giải trí; xây dựng, vận tải – logistics, công nghệ thông tin…
Thúc đẩy hợp tác đầu tư hiệu quả
Trong thời gian tới, hai bên cần ưu tiên tập trung vào một số giải pháp sau:
Việt Nam và Campuchia phải cùng chủ động hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển; hợp tác có hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN, Hiệp định RCEP, WTO… để cùng thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng từ các đối tác trong các cơ chế này.
Chính phủ hai nước cần bảo đảm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tạo lập một hành lang pháp lý ổn định, minh bạch; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án; quan tâm hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó cần tập trung xử lý kiến nghị về tồn tại, vướng mắc kéo dài gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Hai bên cần có cơ chế đặc thù cho một số dự án trọng điểm có tính chất đòn bẩy về hợp tác kinh tế giữa hai nước; đẩy mạnh việc tiếp cận, huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển cùng tham gia vào các dự án hợp tác lớn, kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước.
Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hai nước phải tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ, chấp hành pháp luật của hai nước; đồng thời luôn nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, bảo vệ môi trường, đóng góp an sinh xã hội và giữ gìn quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai bên.
Cùng với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ hai nước, sự đoàn kết, gắn bó, tin cậy lẫn nhau của nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển, đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng của hai quốc gia và góp phần vun đắp mối quan hệ Việt Nam – Campuchia ngày càng bền vững.
Đỗ Nhất Hoàng
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư