Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo sản xuất công nghiệp giảm do căng thẳng thương mại trên thế giới là yếu tố khiến nền kinh tế Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Sản xuất công nghiệp giảm do căng thẳng thương mại trên thế giới là yếu tố khiến nền kinh tế Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái. Đây là cảnh báo do Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) đưa ra ngày 19/8.
Trong báo cáo hàng tháng, Bundesbank cho rằng kinh tế Đức có thể tiếp tục sụt giảm nhẹ trong quý III sau khi giảm 0,1% trong quý trước đó. Theo dữ liệu kinh tế hiện nay, sản xuất công nghiệp dự kiến giảm rõ rệt trong quý III, xuất phát từ việc các đơn đặt hàng giảm mạnh và tâm lý của các nhà sản xuất bị ảnh hưởng, khiến kinh tế Đức không có dấu hiệu khả quan.
Bundesbank cho rằng nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế quý II đi xuống là do xuất khẩu sụt giảm xuất phát từ tranh chấp thương mại trên thế giới, kinh tế Trung Quốc giảm tốc và viễn cảnh u ám của tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tất cả gây tác động đến nền kinh tế vốn hướng vào xuất khẩu này. Do đó, hoạt động kinh tế của Đức có thể tiếp diễn kịch bản như vậy vào quý III. Báo cáo của Bundesbank còn chỉ rõ thị trường việc làm đang phát đi dấu hiệu yếu kém và lòng tin trong ngành dịch vụ cũng sụt giảm.
[Đức: Sự lo lắng về suy thoái kinh tế lan sang thị trường lao động]
Bất chấp nền kinh tế Đức đi xuống, Chính phủ Đức cho đến nay từ bỏ ý kiến tăng chi tiêu công nhằm bù đắp cho tình trạng kinh tế sụt giảm. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho hay Berlin có đủ ngân sách để ứng phó với mọi cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra. Theo ông Sholz, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Đức đã bỏ ra gần 50 tỷ euro (55 tủ USD) để giải quyết tình trạng này và Chính phủ Đức hoàn toàn có thể thực hiện được điều này nếu cần thiết.
Nhà nghiên cứu Henrik Böhme mới đây cho rằng dù nền kinh tế Đức đang có dấu hiệu giảm tốc, song đây không phải thời điểm Chính phủ nước này tiến hành các gói kích thích tài khóa mà họ cần đưa ra những quyết sách tỉnh táo hơn. Theo ông Böhme, ngành công nghiệp Đức, vốn là trụ cột chính của nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu, từ lâu đã rơi vào suy thoái. Ngày càng có nhiều công ty đang thu hẹp quy mô sản xuất khi số người bi quan lấn át số người lạc quan. Cùng với những chỉ dấu về khả năng không mấy sáng sủa của kinh tế Đức quý này, triển vọng về một cuộc “suy thoái kỹ thuật”–chỉ việc một nền kinh tế trải qua hai quý suy giảm liên tiếp – đang ngày càng lớn đối với Đức./.