Sáng ngày 20/8/2019 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung. Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình và Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương và Bí thư, Chủ tịch 14 tỉnh thành khu vực miền Trung. Hơn 700 đại biểu, bao gồm các chuyên gia kinh tế, học giả, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư đã tham dự Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phát triển vùng miền, trong đó có miền Trung, là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết trung ương 5 khoá 12 và phát triển khu vực miền Trung phải gắn với triển khai Nghị quyết 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển vì khu vực miền Trung là mặt tiền của đất nước hướng ra biển Đông, có giàu tài nguyên và tiềm năng để phát triển. Vị thế của miền Trung không chỉ là kinh tế, mà còn là quốc phòng, an ninh. Vì thế, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển miền Trung ko chỉ là nhiệm vụ của 14 tỉnh trong Vùng, mà là nhiệm vụ của tất cả các Bộ, ban, ngành trung ương. Thủ tướng đề nghị, các đại biểu tham dự Hội nghị cần đưa ra các biện pháp thiết thực và cụ thể trong thời gian tới, từ đó Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị về phát triển miền Trung, tập trung triển khai trong năm 2020 và trong 5 năm tới. “Qua hội nghị lần này, tôi mong muốn các bộ ngành cần thẳng thắn chỉ ra “nút thắt” từ bộ ngành mình, các địa phương miền Trung, để tìm ra giải pháp phát triển sát thực hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn trong giai đoạn mới của đất nước”, Thủ tướng yêu cầu.
Giới thiệu về tình hình phát triển của khu vực, Bộ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư Dương Chí Dũng nhận định, GDP vùng (GRDP) của khu vực đã phát triển trên mức bình quân trong thời gian vừa qua, với các lĩnh vực mũi nhọn là dầu khí, ô tô, nông lâm nghiệp và thuỷ sản cùng với du lịch. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, động lực tăng trưởng của miền Trung còn yếu, rải rác và chỉ bốn tỉnh có các dự án động lực quy mô lớn là Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, xuất khẩu của vùng tăng cao trong thời gian qua nhưng tỷ trọng vẫn còn rất thấp. Tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Vùng mới chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực. Về phát triển kết cấu hạ tầng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, đã bước đầu có những chuyển biến với dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đang được triển khai, nhưng hạ tầng kết nối liên vùng và đặc biệt là kết nối đa phương thức (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt) còn yếu và thiếu.
Các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Thanh Hoá, đại diện cho 14 tỉnh miền Trung, chia sẻ các ý kiến trên và nhận định rằng, năng suất lao động còn thấp so với miền Bắc Bộ và miền Nam; biến đối khí hậu đang tác động rất mạnh tới miền Trung với các đợt hạn hán kéo dài, gây khó khăn cho các ngành kinh tế biển. Các tỉnh đề nghị, Chính phủ cần tập trung thúc đẩy quy hoạch vùng theo luật quy hoạch, phát triển các đầu tàu kinh tế cho miền Trung và tạo điều kiện tăng cường kết nối hạ tầng cũng như phát triển logistics.
Các chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Phạm Trung Lương nhận định, đất nước ta đang trải qua giai đoạn phát triển kinh tế nhanh, với tốc độ tăng trưởng bình quân được kỳ vọng ở mức 7,5% từ nay đến 2030. Trong bối cảnh đó, cần tập trung phát triển miền Trung theo 5 trụ cột kinh tế là du lịch, cảng biển, công nghiệp chế biến và chế tạo, phát triển đô thị ven biển và ngư nghiệp chất lượng cao.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nêu 9 thách thức cần phải được giải quyết. Trong đó, năng suất lao động còn thấp, mới có 22% lao động qua đào tạo, đặt ra vấn đề giao dục, dạy nghề của các địa phương. Giao thông và hạ tầng cơ bản được phát triển, nhưng cần đẩy mạnh hơn trước. Thủ tướng đề nghị, trước vận hội của đất nước, miền Trung cần tận dụng các cơ hội để vươn lên. Trong thời gian tới, các địa phương miền Trung cần tập trung vào 5 trụ cột như các chuyên gia đã kiến nghị. Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành nghiên cứu phân chia miền Trung cho phù hợp, trong bối cảnh từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận, Ninh Thuận hàng ngàn km, có các tiềm năng khác nhau nên không thể đưa ra các biện pháp thiết thực cho các tỉnh, thành miền Trung.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Bộ Tài chính nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ thuế cho các địa phương để phát triển. Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu các hướng kết nối miền Trung với Tây Nguyên, các tỉnh Bắc Bộ, trên đường bộ, cảng biển và đường không. Bộ Công Thương cần nghiên cứu các trung tâm logistics, hỗ trợ các địa phương phát triển năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Các địa phương cần đẩy mạnh hơn các nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội./.
(Ban Quản trị Trang NGKT Trực tuyến)